Đổi mới đánh giá kết quả học tập môn Ngữ văn theo yêu cầu phát triển năng lực

GD&TĐ - Nghị quyết số 29 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 8 (khóa XI) đã xác định Giáo dục và đào tạo Việt Nam cần đổi mới một cách căn bản, toàn diện. 

Đổi mới đánh giá kết quả học tập môn Ngữ văn theo yêu cầu phát triển năng lực

Thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW, ngày 6/3/2014 Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch số 103/KH-BGDĐT về việc tổ chức hội thảo “Đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ văn trong trường phổ thông”.

Hội thảo nhằm nghiên cứu cơ sở lý luận và xây dựng kế hoạch triển khai việc đổi mới phương thức kiểm tra đánh giá kết quả học tập môn Ngữ văn ở trường phổ thông theo định hướng phát triển năng lực người học với cách thức xây dựng đề thi/kiểm tra và đáp án theo hướng mở; tích hợp kiến thức liên môn; giải quyết vấn đề thực tiễn.

Để chuẩn bị cho Hội thảo (dự kiến được tổ chức tại Hà Nội trung tuần tháng 4/2014), báo Giáo dục và Thời đại giới thiệu một số bài viết thảo luận về vấn đề nêu trên. 

Xin mời các ý kiến trao đổi, góp ý cho bài viết này gửi về các địa chỉ sau: nthoan@moet.edu.vn

ttkdung@moet.edu.vn;

pthien@moet.edu.vn  

Trân trọng cảm ơn!

Chủ trương chuyển đổi cách tiếp cận chương trình giáo dục từ hướng cung cấp nội dung sang cách tiếp cận hình thành và phát triển năng lực là một trong những đổi mới căn bản. 

Đổi mới căn bản ấy cần phải tiến hành một cách toàn diện ở tất cả các yếu tố của quá trình giáo dục: từ mục tiêu, nội dung, phương pháp đến kiểm tra, đánh giá… 

Để có cơ sở đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn, không thể không xác định một số nội dung quan trọng: Năng lực và năng lực Ngữ văn là gì? Đánh gía năng lực Ngữ văn như thế nào? 

Từ đó đề xuất hướng ra đề theo yêu cầu đánh giá năng lực với các ví dụ cụ thể. Bài viết này tập trung bàn về các vấn đề đó.

I. Năng lực và đánh giá năng lực Ngữ văn

1. Năng lực

Năng lực là một khái niệm then chốt chi phối việc đổi mới căn bản chương trình giáo dục mới. Có rất nhiều loại năng lực. Nội hàm khái niệm năng lực cũng tùy vào cách tiếp cận và lĩnh vực áp dụng mà hiểu khác nhau. 

Trong lĩnh vực Chương trình giáo dục mấy năm gần đây, loại năng lực được nhiều nước quan tâm là những năng lực chung/ năng lực cốt lõi. Đây là loại năng lực mà bất kỳ một học sinh nào cũng cần được hình thành và phát triển để có thể đối mặt với những thay đổi và thách thức khi bước vào cuộc sống thực. 

Bên cạnh đó là các năng lực chuyên biệt do các lĩnh vực/ môn học cụ thể mang lại. Tuy cách phát biểu về năng lực có thể khác nhau nhưng đều thống nhất trong cách hiểu về bản chất của khái niệm này. Có thể nêu lên mấy điểm thống nhất sau:

a) Năng lực là sự vận dụng tổng hợp nhiều yếu tố: kiến thức, kĩ năng, thái độ, tình cảm, ý chí, kinh nghiệm và nhiều nguồn lực tinh thần khác để giải quyết một cách hiệu quả các vấn đề đặt ra trong cuộc sống (học tập và lao động).

b) Đánh giá năng lực là đánh giá khả năng thực hiện, vận dụng; thông qua làm, qua hành động để đo đếm, xác định chứ không chỉ yêu cầu biết và hiểu. Tất nhiên thực hiện/vận dụng ở đây phải gắn với ý thức và thái độ; phải có kiến thức và kĩ năng, chứ không phải thực hiện một cách “máy móc”,“mù quáng”.

Đó là cách tiếp cận mới nhưng không phải xa lạ “từ trên trời rơi xuống” mà nó vốn đã có trong chương trình cũ nhưng chưa được hiểu đúng. Bởi các thành tố cơ bản cấu thành năng lực vẫn là kiến thức và kĩ năng; vì thế muốn hình thành năng lực vẫn phải thông qua kiến thức và kĩ năng. 

Tuy nhiên nếu chỉ mình kiến thức và kĩ năng, nhất là khi chúng tách rời nhau, thì chưa thể có năng lực thực sự.

2. Năng lực ngữ văn và đánh giá năng lực ngữ văn

Có nhiều cách hiểu về năng lực Ngữ văn. Căn cứ vào mục tiêu, tính chất và nội

dung chương trình môn học này từ trước đế nay; từ cách hiểu chung về năng lực, có thể nói năng lực Ngữ văn là trình độ vận dụng các kiến thức, kĩ năng cơ bản về văn học và tiếng Việt để thực hành giao tiếp trong cuộc sống. Năng lực Ngữ văn gồm 2 năng lực bộ phận là: Năng lực tiếp nhận văn bản và Năng lực tạo lập văn bản.

2.1) Năng lực tiếp nhận văn bản là khả năng lĩnh hội, nắm bắt được các thông tin chủ yếu; từ đó hiểu đúng, hiểu thấu đáo, thấy cái hay, cái đẹp của văn bản, nhất là văn bản văn học. Muốn có năng lực tiếp nhận phải biết cách tiếp nhận. 

Tức là dựa vào những yếu tố, cơ sở nào (từ, ngữ, câu, đoạn, hình ảnh, biểu tượng, số liệu, sự kiện, tiêu đề, dấu câu…) để có thể có được các thông tin và cách hiểu ấy.

Đánh giá năng lực tiếp nhận thường dựa vào kết quả của 2 kĩ năng chính là nghe và đọc. Nghe và phản hồi các thông tin nghe được một cách nhanh chóng, chính xác, không rơi vào tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt”. 

Việc các nước phát triển trong nhiều kỳ thi phải tổ chức thi nói chính là để kiếm tra năng lực nghe/nói, năng lực trình bày miệng. Do tính chất và yêu cầu tổ chức phức tạp hơn nên hình thức thi nói ít được vận dụng. Việc đánh giá năng lực tiếp nhận chủ yếu dồn vào kĩ năng đọc hiểu văn bản.

Văn bản ở đây cần hiểu theo nghĩa rộng. Đó không chỉ là các tác phẩm thơ văn nghệ thuật mà còn là các loại văn bản không phải là văn chương, như văn bản viết về lịch sử, địa lý, toán học, sinh học…khoa học thường thức hoặc một thông báo nơi công cộng, một bản thuyết minh công dụng và cấu tạo của máy móc, một đơn xin việc…

Nhiều nước gọi đó là văn bản thông tin – một loại văn bản rất gần gũi với mọi người và thường xuyên gặp trong cuộc sống. Về phương diện cấu trúc, bố cục cũng không chỉ kiểm tra mình loại văn bản viết liền mạch trên trang giấy mà còn rất nhiều loại văn bản kết hợp giữa kênh chữ và kênh hình (biểu đồ, đồ thị, minh họa, công thức, tranh ảnh, hình khối, bản đồ…), người ta gọi là văn bản không liền mạch (Non-Continuous Texts). Tất cả đều là những văn bản cần đọc hiểu và phải dạy cho học sinh cách đọc hiểu mỗi loại văn bản.

Tóm lại, bên cạnh việc yêu cầu học sinh đọc hiểu một đoạn văn, bài thơ; nhà trường cần dạy và yêu cầu các em biết đọc hiểu các loại văn bản thông tin, trong đó có rất nhiều văn bản kết hợp kênh chữ và kênh hình, học sinh phải biết đọc hình kết hợp với đọc chữ để nắm được thông tin và hiểu đúng ý nghĩa của văn bản.

2.2) Năng lực tạo lập văn bản là khả năng biết viết, biết tổ chức, xây dựng một văn bản hoàn chỉnh đúng quy cách và có ý nghĩa. Muốn có năng lực tạo lập phải biết cách tạo lập. Tức là nắm được cách viết một loại văn bản nào đó. 

Đánh giá năng lực tạo lập thường dựa vào kết quả của 2 kĩ năng chính là nói và viết. Kĩ năng nói gắn liền với nghe như đã nêu ở trên. Ngoài việc phản hồi nhanh và chính xác lại các thông tin nghe được; nói phải rõ ràng, rành mạch, lưu loát; từ nói đúng, nói hay đến nói hùng biện… 

Cũng như kĩ năng đọc ở năng lực tiếp nhận; việc kiểm tra đánh giá năng lực tạo lập chủ yếu dồn vào cho kĩ năng viết văn bản.

Văn bản yêu cầu học sinh tạo lập vẫn là các loại văn bản đã nêu ở phần trên, nhưng có khác ở mức độ, nhất là đối với văn bản văn chương nghệ thuật. 

Cụ thể là nhà trường chú trọng dạy cho HS cách tiếp nhận văn bản thơ văn nghệ thuật nhưng khó yêu cầu các em tạo lập ra được loại văn bản này. Bởi đây là loại văn bản phụ thuộc vào năng khiếu thiên phú, thiên bẩm không phải muốn là có, cố mà thành. 

Ngoại trừ một số rất ít học sinh có năng khiếu văn chương thực sự, còn lại đại đa số chỉ nên yêu cầu các em làm quen và nắm được đặc điểm của các thể loại tác phẩm văn chương để làm cơ sở cho việc tiếp nhận văn học tốt hơn, hiệu quả hơn. 

Nếu có yêu cầu tạo lập cũng chỉ ở một mức độ vừa phải như biết kể lại, tả lại một sự việc, con người, quang cảnh; biết phát biểu những suy nghĩ, cảm tưởng của bản thân một cách trung thực, xúc động… 

Việc đề thi không yêu cầu bắt buộc phải viết một truyện ngắn hay bài thơ, với việc có một vài học sinh nào đó làm bài dưới dạng truyện ngắn, bài thơ,… là hai chuyện khác nhau, không mẫu thuẫn gì nhau. 

Cũng như không phải có một số ít học sinh trở thành nhà văn, nhà thơ mà yêu cầu nhà trường phải dạy tất cả mọi học sinh phải biết viết truyện ngắn, tiểu thuyết, làm thơ hay viết tùy bút... 

Trong khi đó một số văn bản thông thường, gần gũi và thường xuyên phải sử dụng trong cuộc sống thì lại bị coi nhẹ. Hàng loạt học sinh ra đời vẫn không biết viết một bản tường trình, một đơn xin việc, một biên bản cuộc họp cho đúng nội dung và quy cách.

2.3) Để đánh giá năng lực ngữ văn (cả tiếp nhận và tạo lập) cần phải cụ thể hóa các kĩ năng (nghe, nói, đọc, viết) thành nhiều mức độ khác nhau. Theo từng cấp học, phù hợp với tâm lý-lứa tuổi mà yêu cầu từ dễ đến khó, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp…Cũng từ đó mà lựa chọn một phương thức đánh giá cho phù hợp. 

Chẳng hạn với các kĩ năng nghe và nói, giáo viên chủ yếu thực hiện đánh giá hàng ngày, thông qua các buổi học trên lớp, các hoạt động tập thể, sinh hoạt lớp, đoàn, đội…Các kĩ năng còn lại (đọc, viết) ngoài việc kiểm tra hàng ngày (đánh giá quá trình) thường được chú trọng ở các kỳ kiểm tra, thi cuối cấp, cuối lớp (đánh giá kết thúc).

Đánh giá theo yêu cầu phát triển năng lực khác đánh giá theo hướng cung cấp nội dung. Theo hướng nội dung, mục tiêu đánh giá tập trung vào xem người học biết những gì (nhiều ít); nội dung đánh giá chủ yếu là yêu cầu nhắc lại những nội dung đã học, những gì thầy, cô đã dạy, những bài có trong chương trình và sách giáo khoa; 

Cùng đó, yêu cầu chủ yếu là chứng minh những gì đã có sẵn, ca ngợi và phê phán một chiều, kiểm tra trí nhớ là chính; đề thi và đáp án khép kín, bắt buộc phải tuân thủ theo ý của người ra đề; còn diễn đạt, hành văn phụ thuộc hoàn toàn vào cảm tính, vào cái “gu”của người chấm… Kết quả là học sinh tập trung học thuộc lòng, chép văn mẫu.

Mục tiêu của đánh giá theo yêu cầu phát triển năng lực cần xác định được khả năng vận dụng tổng hợp những gì đã học của học sinh vào việc giải quyết một bài toán mới, đáp ứng các yêu cầu mới trong một tình huống tương tự. 

Nội dung đánh giá không phải chỉ là những gì đã học mà còn là yêu cầu tổng hợp, liên hệ nhiều nội dung đã học; không chỉ giữa các phân môn trong môn học mà còn cả những hiểu biết từ các môn học khác. 

Tăng cường yêu cầu HS tìm mối liên hệ giữa các kiến thức, kĩ năng của bài học với các hiện tượng, sự vật, sự việc, con người…thường xuất hiện trong đời sống sinh hoạt cũng như công việc hàng ngày. 

Phương thức đánh giá không chú trọng yêu cầu học thuộc, nhớ máy móc, nói đúng và đầy đủ những điều thầy, cô đã dạy… mà coi trọng ý kiến và cách giải quyết vấn đề của mỗi cá nhân người học; động viên những suy nghĩ sáng tạo, mới mẻ, giàu ý nghĩa; tôn trọng sự phản biện trái chiều, khuyến khích những lập luận giàu sức thuyết phục… 

Muốn thế đề thi và đáp án cần theo hướng mở; với những yêu cầu và mức độ phù hợp; tránh cả hai khuynh hướng cực đoan: “đóng” một cách cứng nhắc, máy móc, làm thui chột sự sáng tạo và “mở” một cách tùy tiện “ không biên giới”, phi thẩm mỹ, phản giáo dục…

Theo tinh thần vừa nêu, hàng loạt câu hỏi tưởng đơn giản mà rất khó cần phải thống nhất. Chẳng hạn: Thế nào là đề mở? Các hình thức mở là gì ? Mức độ mở đến đâu? Đáp án mở như thế nào ? Lấy gì làm tiêu chí chung để so sánh các bài làm của học sinh? Thế nào là ý mới, ý sáng tạo?... 

Khó có thể nêu lên những tiêu chí và yêu cầu cụ thể nhằm trả lời cho các câu hỏi đó, nhất là trong một bài báo. Chỉ có thể trao đổi, xem xét trên cơ sở các đề thi và đáp án cụ thể. Do đó đòi hỏi các tổ ra đề, các hội đồng chấm thi cần bàn luận kỹ lưỡng trước khi quyết định sự lựa chọn đề và đáp án chính thức.

II. Đề xuất hướng ra đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm 2014

1. Nguyên tắc

a) Kiểm tra toàn diện hơn, bước đầu vận dụng cách đánh giá theo năng lực nhằm xác định đúng năng lực viết và năng lực đọc hiểu văn bản của học sinh.

b) Yêu cầu vận dụng tổng hợp kiến thức và kĩ năng của nhiều lĩnh vực/ môn học để giải quyết một vấn đề chung, liên quan nhiều đến cuộc sống hàng ngày.

c) Phù hợp với thực tiễn dạy học, không gây sốc cho học sinh và giáo viên

d) Đảm bảo tiệm cận dần đến các yêu cầu khi thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới (sau 2015); tổ chức một kỳ thi quốc gia: làm một bài thi tổng hợp để vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển sinh đại học.

2. Yêu cầu (Tổng điểm được tính theo thang 20) gồm:

2.1) Năng lực đọc hiểu (6/20)

a) Kiểm tra kiến thức về tiếng Việt: phát hiện những sai sót về chính tả, ngữ pháp, chấm câu, dùng từ, logic…. chẳng hạn cho một đoạn văn có nhiều sai sót và yêu cầu HS phát hiện những sai sót trong đoạn văn đó. (2 điểm)

b) Yêu cầu tóm tắt ý chính của một đoạn văn bản cho trước (VB có thể là văn học, sử , địa, khoa học tự nhiên…) (2 điểm)

c) Chỉ ra các biện pháp nghệ thuật đặc sắc và tác dụng của biện pháp đó trong một đoạn thơ/ văn cho sẵn (2 điểm)

Về lâu dài có thể tăng số lượng điểm về đọc hiểu và kiểm tra bằng dạng Trắc nghiệm như PISA hoặc Kỳ thi tốt nghiệp THPT bang California ( Hoa Kỳ).

2.2) Năng lực viết (14/20)

a) Viết nghị luận xã hội (7/20 điểm): yêu cầu tích hợp các kiến thức lịch sử, địa lý, đạo đức, văn hóa…) ra theo dạng đề mở và đáp án mở.

b) Viết Nghị luận văn học (7/20 điểm): yêu cầu phân hóa cao hướng tới tuyển sinh đại học. Đề yêu cầu vận dụng sáng tạo những hiểu biết về kiến thức và kĩ năng văn học để thực hành, phân tích, đánh giá, bình luận, bác bỏ một vấn đề văn học, một văn bản, trích đoạn chưa được học trong SGK hiện hành.

Về lâu dài có thể tích hợp 2 câu này thành một bài viết tổng hợp như bài thi viết của bang California (Hoa Kỳ)

2.3) Đánh giá kết quả:

- Điểm xét tốt nghiệp: những HS đạt từ 10/ 20 điểm trở lên.

- Các trường ĐH, nhất là các trường theo hướng XH-NV căn cứ vào tổng điểm 3 câu và điểm của câu 3 để xét tuyển sinh.

ĐỀ THAM KHẢO

Đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn (120 phút, không kể thời gian phát đề)

1) Đọc và trả lời các câu hỏi sau (6/20)

a) Đây là một đoạn văn nháp, trong đó còn mắc phải một số lỗi về ngữ pháp, chính tả, dùng từ, logic… Anh, chị hãy chỉ ra những sai sót đó. (2 điểm)

Đoạn văn nháp: “…cái nhìn của Nguyễn Tuân, sông Đà hiện lên là một sinh thể có linh hồn với những tính cách đối địch: vừa hung bạo, vừa dữ rằn. Đây là lối nhân cách hóa những đặc điểm vốn có của giòng sông thiên nhiên mà chực quan có thể nhìn thấy.”

b) Đoạn văn sau nói về vấn đề gì? Hãy đặt tên cho đoạn trích (2 điểm)

“Ở người lớn tuổi ít vận động cơ bắp, nếu chế độ ăn giàu chất Colesteron (thịt, trứng, sữa…) sẽ có nhiều nguy cơ bị bệnh xơ vữa động mạch. Ở bệnh này, colesteron ngấm vào thành mạch kèm theo các ion canxi làm cho mạch bị hẹp lại, không còn nhẵn như trước, xơ cứng và vữa ra. 

Động mạch xơ vữa làm cho sự vận chuyển máu trong mạch khó khăn, tiểu cầu dễ bị vỡ và hình thành cục máu đông gây tắc mạch. Động mạch xơ vữa còn dễ bị vỡ gây các tai biến trầm trọng như xuất huyết dạ dày, xuất huyết não, thậm chí gây chết người”.

(Sinh học - lớp 8. NXB Giáo dục 2007)

c) Chỉ ra các biện pháp nghệ thuật đặc sắc và tác dụng của chúng trong đoạn thơ sau (2 điểm):

“ Chúng đem bom ngàn cân

Dội lên trang giấy trắng

Mỏng như một ánh trăng ngần

Hiền như lá mọc mùa xuân ”

(Trang giấy học trò - Chính Hữu)

2. Cho tình huống sau: Giả sử trong những ngày tháng Năm lịch sử, tại mảnh đất Điện Biên hôm nay, anh, chị được gặp một người anh hùng trong chiến dịch Điện Biên năm xưa… Anh, chị và người ấy sẽ nói với nhau chuyện gì ? Đi thăm những nơi nào? Hãy ghi lại điều đó và phát biểu những suy nghĩ, cảm xúc của mình sau cuộc gặp gỡ ấy. (7/20 điểm)

3. Viết về một nhân vật trong tác phẩm văn học đã để lại cho anh, chị nhiều ấn tượng sâu đậm. (7/20 điểm)

Hoặc: Viết một bài văn trả lời câu hỏi: Cuộc sống sẽ như thế nào nếu thiếu thơ ca? (7/20 điểm)

Hoặc: Ngôn ngữ thơ Việt Nam rất giàu nhạc tính. Anh, chị hãy viết bài văn làm sáng tỏ nhận định đó qua một đoạn thơ tự chọn. (7/20 điểm).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.