Đổi mới đánh giá theo tiếp cận năng lực thế nào theo yêu cầu mới?

Đổi mới đánh giá theo tiếp cận năng lực thế nào theo yêu cầu mới?

Hiểu rõ về đánh giá và đánh giá năng lực

Đánh giá là một bộ phận hợp thành quan trọng không thể thiếu của dạy học, nó không chỉ xác định mức độ đạt được mục tiêu dạy học mà còn giúp điều chỉnh quá trình dạy học. Mọi sự đổi mới sẽ không thể đạt được mục tiêu nếu như cái “chốt” đánh giá không được khai thông và đồng hành cùng toàn bộ các khâu khác. Không chỉ đánh giá kết quả học tập, đánh giá còn là bản thân quá trình học tập, đánh giá hướng đến mục tiêu vì sự tiến bộ của người học.

Nhận thức được điều này, TS Nguyễn Thị Thu Anh cho biết, bên cạnh việc đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá luôn được chú trọng, đồng hành, nhằm tạo ra sự đồng bộ, cùng hướng đến mục tiêu chung.

Ban Giám hiệu nhà trường đã tổ chức nhiều buổi tập huấn về kiểm tra đánh giá, cùng với việc tự đọc, tự học, cập nhật tài liệu về kiểm tra đánh giá, giúp GV ý thức được những nội dung cơ bản trong hoạt động đổi mới kiểm tra đánh giá kết quả học tập của HS ở Trường Nguyễn Tất Thành.

Theo đó, đầu tiên là hiểu rõ về đánh giá và đánh giá năng lực. Hiện nay, các tài liệu về kiểm tra đánh giá đề cập tới hai hướng tiếp cận chính là: đánh giá kiến thức, kĩ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và đánh giá dựa vào năng lực, chú trọng đến sản phẩm đầu ra là các phẩm chất, năng lực của người học, được thể hiện trong việc giải quyết các nhiệm vụ, yêu cầu của thực tiễn đa dạng, sinh động.

“Đổi mới đánh giá trong dạy học tại Trường Nguyễn Tất Thành đang chuyển mình từ đánh giá theo chủ yếu đánh giá kiến thức kĩ năng của chương trình hiện hành sang đánh giá phẩm chất và năng lực của HS theo yêu cầu của chương trình mới.

Trong quá trình chuyển hướng này, GV đã nhận ra được cả những khả năng tiềm ẩn của HS, không chỉ đánh giá điều HS “biết” mà cần phải đánh giá những gì HS “làm”, quan tâm nhiều hơn đến sự tiến bộ và mức độ năng lực của mỗi cá nhân được bộc lộ trong quá trình học tập, qua đó có sự điều chỉnh nội dung và PPDH phù hợp.

Duy trì đánh giá nội dung (đánh giá dựa trên chuẩn kiến thức kĩ năng) nhưng gắn với sản phẩm thực tiễn của HS, đề cao mức độ vận dụng (yêu cầu sản phẩm đầu ra rõ ràng)” – TS TS Nguyễn Thị Thu Anh chia sẻ.

Đặc biệt coi trọng đánh giá quá trình học tập

Nội dung cơ bản khác trong hoạt động đổi mới kiểm tra đánh giá kết quả học tập của HS ở Trường Nguyễn Tất Thành là hiểu rõ và vận dụng hiệu quả các phương pháp, biện pháp, kĩ thuật, công cụ đánh giá phẩm chất, năng lực HS. Đó là các phương pháp, kĩ thuật, công cụ như phỏng vấn, quan sát, tiểu luận, bài tập tình huống, kiểm tra, dự án, hồ sơ học tập, lời nhận xét – phản hồi, bảng hỏi, bảng kiểm, bảng quan sát,…

Đồng thời, sử dụng phối hợp hiệu quả các thang đo trong đánh giá năng lực như: thang nhận thức của Bloom, thang đánh giá kĩ năng của Dreyfus, thang đo các cấp độ tư duy của Boleslaw Niemierko, thang đo chỉ số về hành vi của Biggs và Collis- thang SOLO, thang phân loại năng lực của Singer,…

Đặc biệt coi trọng đánh giá quá trình học tập của HS được thực hiện thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình dạy học ở Trường Nguyễn Tất Thành. Nhà trường tập trung vào đổi mới đánh giá quá trình với các nội dung chính là tăng cường sử dụng hiệu quả các công cụ đánh giá quá trình học tập của HS và đa dạng các loại sản phẩm được đánh giá bởi các chủ thể GV và HS trong quá trình học tập.

Các công cụ đánh giá thường xuyên được GV Trường Nguyễn Tất Thành sử dụng hiệu quả được TS Nguyễn Thị Thu Anh chia sẻ gồm:

Câu hỏi/bài tập, gồm cả trắc nghiệm khách quan và tự luận: Đây là công cụ quen thuộc với GV, tuy nhiên, theo định hướng phát triển năng lực chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến các câu hỏi, bài tập gắn với thực tiễn, bằng cách “ngữ cảnh hóa” các yêu cầu, nhiệm vụ.

GV dạy Giáo dục công dân sẽ chuyển giao nhiệm vụ học tập đồng thời với các phiếu đánh giá dự án tới tất cả các HS trong lớp để các em tự đánh giá bản thân và đánh giá bạn trong quá trình hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Lời nhận xét/phản hồi: Được hiểu là lời khẳng định của GV hoặc HS về mức độ chuẩn xác của câu trả lời hay hành động khi HS thực hiện một yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể trong quá trình học tập. Nhận xét cần gắn liền với chuẩn đánh giá; cho biết sự tiến bộ của HS; cho biết cách sửa lỗi (nếu mắc); thường xuyên, kịp thời; mô tả cụ thể; tập trung vào các lỗi chính.

Phiếu quan sát: được thiết kế gồm các yêu cầu cụ thể cần ghi chép trong khi quan sát nhằm theo dõi, xem xét HS thực hiện hoạt động (quan sát quá trình) hoặc sản phẩm do HS tạo nên. Phiếu quan sát có thể được cấu trúc linh hoạt tùy theo mục đích đánh giá mà GV xác định.

Phiếu hỏi: được thiết kế gồm các câu hỏi được thực hiện cùng lúc với nhiều HS, giúp GV có được các thông tin về kết quả học tập, điểm mạnh, điểm yếu,… của người học. Với sự hỗ trợ của các phương tiện trong Office 365, GV có thể dễ dàng thực hiện và thu hoạch, phân loại các nguồn thông tin này.

Hồ sơ học tập: gồm bộ sưu tập có mục đích và có tổ chức các công việc mà HS đã tích lũy trong suốt một thời gian và thể hiện sự nỗ lực, tiến trình làm việc của HS và những gì các em đã đạt được. GV sử dụng hồ sơ này để đánh giá toàn bộ quá trình học tập và sự tiến bộ bằng những công việc HS đã thực hiện và sản phẩm cuối cùng. Hồ sơ học tập sẽ bổ sung cho sự đánh giá những mục tiêu khó đo lường như tính sáng tạo và tư duy độc lập, trách nhiệm đối với việc học, kĩ năng nghiên cứu, tính kiên trì và các kĩ năng giao tiếp.

Với sự hỗ trợ của Office 365, GV Trường Nguyễn Tất Thành đã hướng dẫn HS tạo ra các hồ sơ học tập điện tử được lưu lại dễ dàng, cả GV và HS đều có thể nhìn lại quá trình làm việc của bản thân để đánh giá và tự đánh giá. HS từng bước sử dụng được các công cụ trên ở mức độ của các em, trong đó ưu tiên sử dụng lời nhận xét và tự nhận xét (phản hồi), tự đánh giá sản phẩm dự án, hồ sơ học tập theo các tiêu chuẩn đã được GV công bố hoặc thống nhất xây dựng cùng HS trước khi bắt tay vào hoạt động.

Bên cạnh chủ thể đánh giá truyền thống là GV, đổi mới kiểm tra đánh giá cần chuyển giao khả năng đánh giá cho HS trong hoạt động đánh giá đồng đẳng và tự đánh giá. Đây là một nội dung mới mẻ, đã được tập huấn kĩ lưỡng và từng bước áp dụng hiệu quả vào hoạt động dạy học tại nhà trường. Để HS có thể tự đánh giá được các em cần hiểu các yêu cầu đánh giá, biết sử dụng công cụ đánh giá,… Làm được điều này là một quá trình chuyển giao dần dần trách nhiệm từ GV sang trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ của HS.

TS Nguyễn Thị Thu Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.