Đổi mới cách làm chuyên môn để nâng cao chất lượng giáo dục

GD&TĐ - Mặc dù mới thành lập 5 năm, nhưng chất lượng dạy học của trường THPT Dân tộc nội trú số 2 Nghệ An luôn nằm tốp đầu của tỉnh. Nhà trường luôn duy trì nề nếp, kỷ cương và quan trọng nhất là rèn luyện phương pháp tự học, tự nghiên cứu cho học sinh. Đó cũng là xương sống trong hoạt động đổi mới chuyên môn của nhà trường.

Đổi mới cách làm chuyên môn để nâng cao chất lượng giáo dục

Xây dựng phương pháp tự học cho học sinh

Đến Trường THPT Dân tộc nội trú số 2, Nghệ An điều đầu tiên có thể nhận thấy là kỷ cương, nề nếp của trường học rất tốt. Các em học sinh tham gia học tập với thái độ tích cực, nghiêm túc, có tính xây dựng cao.

Kể cả những tiết ôn tập, trao đổi nhóm không có giáo viên quản lý, các em vẫn tự giác chia việc cho nhau làm để có hiệu quả nhất. Thầy Nguyễn Đậu Trương – Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: Có thể không phải là tuyệt đối, nhưng hầu hết học sinh của trường đều có ý thức tự học, tự nghiên cứu cao. Tuy nhiên, để hình thành được điều này, là cả quá trình rèn luyện, giáo dục của nhà trường, các thầy cô giáo ngay từ khi các em mới vào 10.

Theo đó, sau khi nhập học, phân lớp, phân ban theo đăng ký của học sinh, nhà trường tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề. Một trong những chủ đề bắt buộc của buổi nói chuyện đó là về các học hiệu quả đối với từng môn thuộc khối khoa học tự nhiên, khoa học xã hội… Đồng thời thành lập các CLB Toán học, Văn học, Vật lý… làm nơi để các em trao đổi bài vở, tài liệu cùng nhau.

Đặc biệt, trong mỗi câu lạc bộ, thầy cô hướng dẫn các em chia thành những nhóm nhỏ. Trong đó, một nhóm sẽ chịu trách nhiệm ra đề bài tập cho các nhóm còn lại giải. Đề bài của học sinh tự ra sẽ phù hợp với năng lực, trình độ, và khả năng kiến thức được học của các em, như một cách tự kiểm tra kiến thức của mình. Mặt khác, muốn ra được đề kiểm tra, đề thi không hề đơn giản, buộc các em phải đọc nhiều, tìm nhiều tài liệu, nếu không đề sai sẽ không giải được.

Truyền cảm hứng, khơi dậy đam mê cho học trò

Thầy Nguyễn Đậu Trương chia sẻ: “Thực tế điểm đầu vào của học sinh trường THPT DTNT thấp hơn so với mặt bằng chung các trường THPT ở vùng đồng bằng, và TP Vinh. Nhưng tôi luôn nói với các em ngay từ khi nhập học: Tất cả các em không ai kém cả, chỉ là chưa có điều kiện, phương pháp và thời gian để học tập, vươn lên. Vì thế, các em không bao giờ được tự ti, mà hãy thực sự cố gắng. và các thầy cô giáo, nhà trường sẽ bên cạnh hướng dẫn các em”.

Chính vì thế, nên nguyên tắc đổi mới giáo dục của nhà trường là gắn với đối tượng học sinh. Quy trình làm chuyên môn phải song song giữa rèn luyện chất lượng học sinh và bồi dưỡng, nâng cao đội ngũ giáo viên thì mới thành công được.

Thầy Nguyễn Công Trung – Giáo viên Vật lý của nhà trường cũng chia sẻ: Khi tôi bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi tỉnh, tôi luôn “điều tra lý lịch” xem thành tích học tập của các em trong những năm THCS trước đó ra sao. Và hầu như không có em nào từng đạt học sinh giỏi huyện. Nhưng qua thời gian rèn luyện các em tự học thì giờ đây kiến thức các em đã vững, tốc độ giải bài tập cũng tăng lên nhanh hơn nhiều.

Với những nỗ lực đó, Trường THPT Dân tộc nội trú số 2 nằm trong tốp 10 những trường có tỷ lệ HSG tỉnh cao nhất. Số học sinh giỏi không chỉ nằm ở những môn “thế mạnh” như xã hội như Văn, Lịch sử, Địa Lý mà còn nằm ở những môn tự nhiên, thi sáng tạo khoa học kỹ thuật.

Đối với ôn tập thi THPT quốc gia cũng vậy, nhà trường cho học sinh đăng ký ôn tập theo tổ hợp môn, giáo viên được phân công giảng dạy, ôn tập phải nắm vững quy chế thi, những thay đổi điều chỉnh trong đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT để kịp thời phổ biến cho các em.

Hàng năm đến tháng 12 nhà trường bắt đầu tổ chức cho học sinh thi thử. Sau mỗi lần thi và báo kết quả, trường sẽ tổ chức một buổi thảo luận thẳng thắn giữa thầy và trò. Tại đó, học sinh sai ở đâu, có thắc mắc có thể trực tiếp hỏi để thầy cô giải đáp.

Chính nhờ quá trình dạy học nghiêm túc, tâm huyết đó mà tạo cho học sinh được niềm tin vào thầy cô, vào nhà trường. Khơi dậy đam mê khát khao học tập cho các em, và ngược lại bản thân thầy cô càng phải có trách nhiệm và động lực để đem hết những gì mình có truyền đạt cho các em.

Giáo dục các em thành người có ích cho xã hội

Là trường nội trú, tất cả mọi sinh hoạt, ăn ở của các em đều ở trong trường, nên bên cạnh hoạt động dạy – học kiến thức, nhà trường rất chú trọng dạy kỹ năng sống cho học sinh: Từ cách sinh hoạt nội trú, vệ sinh phòng ở đến giao tiếp ứng xử với thầy cô, bạn bè. Đối với học sinh nữ, sẽ có các buổi tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính.

Trường liên tục tổ chức các hoạt động ngoại khóa phong phú như: bóng đá, bóng chuyền, thi trang phục dân tộc truyền thống đẹp, thi cán bộ chi đoàn giỏi, thi múa lăm vông, viết bài cho tập san Suối Ngàn của nhà trường…. Những hoạt động này đặc biệt thu hút các em tham gia, vừa để rèn luyện sức khỏe, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Đồng thời, để các em không sa đà lôi cuốn vào những thú vui giải trí không lành mạnh hoặc tệ nạn xã hội.

Nhà trường còn chú trọng giáo dục các em biết lao động, hiểu được giá trị lao động. Những việc mà các em tham gia bao gồm: trồng rau, cuốc đất, tưới cây, vệ sinh trường lớp…. “Cũng có một số phụ huynh “phản ứng” vì con cái được gửi xuống trường để đi học chứ không phải vất vả tưới rau. Nhưng chúng tôi giải thích rằng:

Chủ trương của nhà trường là giáo dục, rèn luyện các em thành người biết lao động, có ích cho xã hội chứ không trông chờ, ỷ lại vào nhà nước. Để sau này ra trường không có ai dạy cho các em những điều nhỏ nhặt như vậy nữa thì các em cũng vẫn làm chủ được cuộc sống”, thầy chủ tịch công đoàn nhà trường nói.

Đặc biệt, kể từ ngày thành lập trường đến nay, năm nào nhà trường cũng duy trì 1 lần họp phụ huynh lưu động, về từng huyện nơi các em sinh sống. “Trước hết, là để tiết kiệm cho phụ huynh, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.

Các phụ huynh của từng huyện sẽ tập trung tại nhà hoặc một địa điểm nào đó trung tâm nhất, và các thầy cô giáo chủ nhiệm, ban giám hiệu, công đoàn trường sẽ lên họp. Đây cũng là dịp để cán bộ, giáo viên nhà trường hiểu thêm về đời sống bà con vùng cao, biết rõ hoàn cảnh của các em học sinh. Kéo gần khoảng cách, sự liên lạc của nhà trường và phụ huynh, để cùng một mục đích chăm lo, tạo điều kiện giáo dục tốt nhất cho các em học sinh.

Năm học 2016 – 2017 trường THPT DTNT số 2 Nghệ An có tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 100%. Trong đó, có 3 em học sinh dân tộc thiểu số đạt điểm thi THPT quốc gia cao được UBND tỉnh khen thưởng, vinh danh là em Hà Lê Sao Mai (28,4 điểm khối B), em Lang Duy Thức (27,5 khối A) và em Nguyễn Thị Khánh Huyền (27,75 khối C).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ