Đối diện sự thật

GD&TĐ - Công khai tỷ lệ học sinh yếu kém đi kèm với các giải pháp giúp đỡ để các em cải thiện việc học là cách làm hay của Sở GD&ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu. Cách làm này đã được dư luận đồng tình và xã hội ủng hộ.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Lâu nay, câu chuyện về học sinh “ngồi nhầm lớp” được nhắc đến không ít. Có thời điểm, nó trở thành từ khoá “hot” trên các mặt báo và mạng xã hội. Thẳng thắn mà nói, nếu báo cáo về thành tích, kết quả giáo dục, dường như các trường và địa phương đều rất “rành rọt”. Thế nhưng có “đỏ mắt” cũng khó thấy đơn vị nào “thật thà” công khai kết quả tỷ lệ học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức kỹ năng...

Việc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu công bố tỷ lệ học sinh lớp 1 yếu kém, chưa đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán lên đến con số hàng nghìn em và rải đều từ thành thị đến nông thôn - có lẽ thuộc “hàng hiếm có, khó tìm”. Đáng chú ý, không chỉ công khai tỷ lệ học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức kỹ năng, địa phương này còn đưa giải pháp khắc phục tình trạng này. Theo đó, lãnh đạo nhà trường phải chịu trách nhiệm phụ trách dạy lớp học này, sau khi các em biết đọc lưu loát, viết, tính toán thành thạo chuyển các em về lại lớp học ban đầu.

Trong khi đó, cũng với tình huống này, nhiều địa phương sẽ chọn giải pháp: Giao cho trường rồi trường giao cho giáo viên chủ nhiệm bồi dưỡng, giúp đỡ cho học sinh; cuối cùng giáo viên vẫn là người “bắt bóng” và chịu áp lực.

Có thể, với nhiều người cách làm của Bà Rịa - Vũng Tàu chưa phải là hình mẫu lý tưởng, nhưng rõ ràng rất đáng hoan nghênh và cần được nhân rộng, nhất là trong bối cảnh toàn ngành đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và triển khai Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Ai cũng biết, vỏ bọc đẹp đẽ chỉ là phù phiếm. Trong giáo dục cũng vậy, chú trọng thành tích là việc tốt, nhưng đó phải là thành tích thật chứ không phải “thùng rỗng kêu to”. Muốn vậy các trường phải dạy thực chất, học thực chất và kiểm tra, kết quả thực chất. Bởi chỉ có giá trị thực mới là yếu tố căn bản, gốc rễ để cho ta những “trái ngọt”.

Thời điểm này, các cơ sở giáo dục đã và đang kiểm tra học kỳ II, chuẩn bị kết thúc năm học. Vì thế cần “sốc lại” tinh thần “học thật, thi thật”, chống bệnh thành tích trong giáo dục và đề cao giá trị trung thực. Muốn vậy, chúng ta phải “bắt mạch” và có phương thuốc điều trị hiệu quả. Thiết nghĩ, một trong những vấn đề mấu chốt phụ thuộc vào người đứng đầu mỗi nhà trường. Nếu hiệu trưởng nhận thức được vai trò, ý nghĩa và giá trị dạy thật, học thật, thi thật chắc chắn các phong trào, hoạt động giáo dục sẽ đi vào thực chất, lành mạnh, không hình thức.

Cũng cần nhìn nhận, một lớp học có vài ba học sinh yếu kém là chuyện bình thường, vì thế không nên gây áp lực cho giáo viên. Giáo dục cần hướng đến mục đích của việc học là “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình” như UNESCO đã đề xướng chứ không phải học để lên lớp hằng năm, ra trường đúng hạn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.