Chiếc xe thoáng cái đã được đẩy lên đỉnh dốc an toàn. Ông lão tóm tém cười, nhìn cậu thanh niên, khẽ gật đầu rồi nói lời cảm ơn.
Sức mạnh được hiểu là khả năng tác động mạnh mẽ đến người, sự vật, gây tác dụng ở mức độ cao. Sức mạnh đến từ nhiều yếu tố, trong vô vàn các mối quan hệ. Đó đơn giản có thể chỉ là những lời khuyên chân tình, lời động viên tinh thần; là sự góp sức hay vật chất, tiền tài,…
Huy động được sức mạnh tổng hợp từ nhiều người, nhiều phía chẳng những tạo nên nguồn sức mạnh to lớn mà còn giúp cho mối quan hệ giữa con người với con người trong xã hội càng thêm gắn kết bền chặt.
Trong cuộc sống, tự lập vẫn luôn là yếu tố tiên quyết được khích lệ đối với mỗi người, thế nhưng không phải lúc nào, tự lực cánh sinh cũng làm được những điều mình mong muốn. Bởi cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận theo ý muốn của mỗi người.
Bên cạnh những thuận lợi, dễ dàng, có không ít những thử thách, khó khăn. Trong hoàn cảnh ấy, sức mạnh tổng hợp là yếu tố cần thiết giúp mọi người có thể vượt qua mọi cản trở, đạt được mục tiêu mong muốn.
Con người vốn dĩ không ai hoàn mĩ. Không phải điều gì, việc gì cũng hay, cũng biết. Sẽ có những điều, những việc vượt khỏi khả năng, tầm với của mỗi người; và tự thân mỗi người sẽ không bao giờ giải quyết được.
Trong thời đại hội nhập, kết nối sâu rộng, ai cũng mong muốn chiếm lĩnh được tất cả những giá trị, tinh hoa, cái hay, cái đẹp của thế giới phẳng, nhưng năng lực bản thân lại có hạn. Bởi vậy, chỉ khi biết bắt tay, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, mới có thể tạo nên được những điều lớn lao, kỳ diệu.
Biết huy động sức mạnh tổng hợp thì thành công sẽ nhanh chóng và bền vững hơn. Câu chuyện về cậu bé chơi ở đống cát trước sân là một ví dụ chân thực nhất. Cậu bé đang đào hầm dưới cát và gặp một tảng đá lớn. Cậu dùng hết sức mình, kể cả khi đôi tay đã bị trầy xước, rớm máu, nước mắt đã rơi nhưng tảng đá vẫn nằm yên một chỗ khiến cậu bất lực.
Cho đến khi ba cậu bé bước ra và giúp đỡ, mọi thứ đã trở nên dễ dàng. Thế nên, vẫn biết rằng, sức mạnh luôn nằm trong chính bản thân mình, nhưng nếu không biết dựa vào người khác, những yếu tố xung quanh, mọi thứ với chúng ta cũng khó có thể thực hiện dễ dàng.
Thế nhưng khi nhận sự giúp đỡ từ người khác không có nghĩa là phó mặc cho người khác làm thay tất cả, dần tạo nên thói quen dựa dẫm, ỷ lại. Điều quan trọng là bản thân mỗi người trước hết phải tự nỗ lực cố gắng, xem việc nhận sự giúp đỡ từ người khác chỉ khi thực sự cần thiết.
Ảnh minh họa. |
Mặt khác, chúng ta không chỉ biết nhận sự giúp đỡ một phía từ người khác mà còn phải chủ động giúp đỡ người khác với tâm niệm “Cho đi hạnh phúc sẽ nhận lại hạnh phúc”.
Trong xã hội, vẫn còn rất nhiều người hoặc chỉ biết sống dựa dẫm, sống nhờ sống gửi vào người khác. Nhiều người lại quá coi trọng sức mạnh cá nhân dẫn đến sự tự kiêu, tự đại, bỏ qua tầm quan trọng của việc nhận sự giúp đỡ của người khác.
Có người lại chọn lối sống vô cảm, không có mục đích, lý tưởng… Những con người ấy chẳng những đang tự chuốc lấy thất bại mà còn khiến cho khoảng cách giữa họ với mọi người càng trở nên xa cách.
Andrew Carnegie từng nói rằng “Sức mạnh đến từ sự đoàn kết. Tầm nhìn tổng hợp của ta sẽ xa rộng hơn nhiều khi những tầm nhìn cá nhân hợp thành một”. Có thể nói, nếu sức mạnh nội tại là gốc rễ thì sức mạnh tổng hợp khi nhận sự giúp đỡ từ người khác sẽ như đôi cánh giúp chúng ta bay cao, bay xa hơn trong việc hiện thực hóa những khát vọng, ước mơ trong cuộc đời!