Dốc sức ôn thi tốt nghiệp đưa trò 'về đích'

GD&TĐ - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được giữ ổn định giúp các nhà trường chủ động lên kế hoạch ôn tập và đẩy mạnh hướng nghiệp cho học sinh lớp 12.

Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Hà ôn tập cho học sinh lớp 12. Ảnh: NVCC.
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Hà ôn tập cho học sinh lớp 12. Ảnh: NVCC.

Giáo viên tăng tốc ôn luyện

Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Bộ GD&ĐT chủ trương tổ chức theo định hướng giữ ổn định như năm 2021, 2022. Điều này giúp cho các nhà trường, giáo viên chủ động lên phương án dạy học và ôn tập phù hợp cho học sinh.

Với nhiều năm kinh nghiệm ôn thi tốt nghiệp THPT, cô Nguyễn Thị Thanh Vân, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, cho biết, đến thời điểm này, học sinh cần có lộ trình ôn tập cụ thể, rõ ràng và phân chia thời gian học sao cho khoa học, hiệu quả. Các em tránh nên ôm đồm quá nhiều thời gian cho những môn học chưa tốt mà không củng cố kiến thức kết hợp giải đề cho các môn học khác.

Việc phân chia thời gian ôn tập có thể theo từng giai đoạn như ôn tập kiến thức; hệ thống kiến thức; ôn luyện theo đề minh họa của Bộ GD&ĐT, đề thi của những năm trước. Thời gian cho từng giai đoạn với mỗi học sinh là khác nhau. Học sinh đã nắm chắc kiến thức có thể kết hợp luyện đề sớm còn học sinh yếu nên gia tăng thời gian trau dồi, củng cố kiến thức để nắm vững nội dung cơ bản trước khi chuyển sang luyện đề.

Về phía nhà trường, thầy cô sẽ phân loại học sinh theo năng lực, nguyện vọng hay khối thi và tổ chức các buổi ôn tập theo môn thi tốt nghiệp THPT. Các lớp ôn tập sắp xếp theo khối Tự nhiên và Xã hội để thầy cô xây dựng đề cương và định hướng ôn tập phù hợp. Nội dung ôn tập bám sát theo chương trình giáo dục THPT, trọng tâm là chương trình lớp 12.

Ngoài ra, trong các buổi lên lớp, thầy cô sẽ căn cứ vào kết quả học tập để tiếp tục phân loại từng đối tượng học sinh và xây dựng phương pháp ôn tập tốt nhất. Những học sinh có học lực kém sẽ được thầy cô chú ý tăng cường ôn tập, giao cho những bài tập tự luyện phù hợp với khả năng.

Chia sẻ kinh nghiệm của bản thân, cô Nguyễn Thị Ngọc Hà, giáo viên Trường THPT Hoàng Quốc Việt, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, cho hay, trong quá trình ôn luyện cho học sinh lớp 12, cô luôn tập trung vào trọng tâm kiến thức và truyền tải kiến thức cho từng đối tượng học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau như sơ đồ tư duy, học lịch sử qua thơ, tranh ảnh...

Ngoài ra, song song với giảng dạy, giáo viên tổ chức khảo sát để đánh giá, phân loại năng lực học sinh và giúp các em làm quen với dạng thức đề thi, tự đánh giá tiến độ của mình trong quá trình ôn tập. Đề kiểm tra được thiết kế theo đề minh họa của Bộ GD&ĐT với 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

Ngoài là giáo viên bộ môn, cô Hà cũng đảm nhiệm vị trí giáo viên chủ nhiệm. Do đó, ngay sau khi Bộ GD&ĐT thông tin về Kỳ thi tốt nghiệp THPT, cô đã thông báo đến phụ huynh, học sinh để gia đình nắm bắt, học sinh có lộ trình ôn tập phù hợp. Cô cũng tiếp thu ý kiến của giáo viên bộ môn về năng lực, khó khăn của học sinh khi ôn tập và mức độ phân hóa kiến thức của học sinh. Từ đó, trong các buổi họp phụ huynh, cô có thể trao đổi kỹ hơn về kế hoạch ôn tập, tư vấn định hướng phù hợp cho các em và gia đình.

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Khánh Hòa ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: NVCC.

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Khánh Hòa ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: NVCC.

Nhà trường tăng cường giáo dục hướng nghiệp

Thời điểm này, thầy và trò lớp 12 Trường THPT Cao Lộc, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đang tăng tốc ôn tập để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, song song với đó là hoàn thành các kế hoạch của năm học 2022 – 2023. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Thu cho biết, từ đầu năm, nhà trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể về dạy và học cho học sinh cuối cấp.

Giáo viên chủ nhiệm giữ liên lạc với cha mẹ học sinh, tăng cường trao đổi với phụ huynh về trình độ học tập của học sinh, điểm mạnh/yếu của các em để tư vấn định hướng phù hợp. Hai bên cũng cùng nhau tháo gỡ khó khăn trong công tác giảng dạy cho học sinh cuối cấp.

Trong những năm qua, công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh THPT luôn được Trường THPT Đức Hợp, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên quan tâm triển khai.

Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Én, cho biết, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên môn Giáo dục công dân, Tin học, Công nghệ, lồng ghép các nội dung giáo dục hướng nghiệp trong tiết học và tổ chức các tiết giáo dục hướng nghiệp vào giờ sinh hoạt lớp, do giáo viên chủ nhiệm thực hiện.

Nhà trường đồng thời mời chuyên gia tư vấn hướng nghiệp tại các trường đại học, trung tâm giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đến giao lưu, trao đổi với học sinh. Nội dung trao đổi tập trung giúp học sinh, nhất là học sinh lớp 12, khám phá và phát triển năng lực của bản thân, cập nhật các nghề nghiệp mới.

Từ nay đến khi học sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, Trường THPT Đức Hợp sẽ tăng cường phổ biến đề án tuyển sinh của một số trường đại học khu vực phía Bắc, tổ chức tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 để các em lựa chọn hướng đi phù hợp với năng lực của bản thân.

Bên cạnh tăng tốc ôn tập cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, nhấn mạnh đến công tác hướng nghiệp cho học sinh lớp 12. Cô giáo nhận định công tác hướng nghiệp tốt giúp học sinh lựa chọn ngôi trường, ngành học, từ đó tăng cơ hội trúng tuyển và phát huy năng lực, sở thích của các em. Để làm được điều này, giáo viên chủ nhiệm quan tâm sâu sát để nắm bắt tâm lý, năng lực của học sinh, từ đó, có sự trao đổi, chia sẻ và định hướng phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tàu sân bay USS Harry S. Truman tại Biển Đỏ.

Mỹ phóng 200 tên lửa đối phó Houthi

GD&TĐ - Theo War Zone, Hải quân Mỹ phóng gần 400 quả đạn, trong đó có hơn 200 tên lửa, để đối phó các đòn tập kích của Houthi trong hơn 10 tháng qua.

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.