'Vào guồng' ôn thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 12

GD&TĐ - Bước vào học kỳ hai năm học 2022-2023, các trường THPT tại TPHCM tích cực triển khai trong công tác ôn tập, bồi dưỡng cho học sinh cuối cấp.

Trường THPT Đào Sơn Tây luôn tạo tâm lý thoải mái cho học sinh trong quá trình ôn tập.
Trường THPT Đào Sơn Tây luôn tạo tâm lý thoải mái cho học sinh trong quá trình ôn tập.

Vừa học, vừa ôn

Hiện nay, các trường THPT vừa dạy theo khung kế hoạch thời gian năm học, đồng thời triển khai ôn thi tốt nghiệp THPT theo hình thức cuốn chiếu để học sinh trang bị kỹ kiến thức chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Hiện công tác ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT được Trường THPT Trần Nhân Tông (quận Bình Tân) tiến hành song song với chương trình học chính khóa. Theo cô Nguyễn Thị Mỹ Lệ, Hiệu trưởng nhà trường, Ban giám hiệu đã xây dựng chiến lược ôn thi rõ ràng. Việc triển khai ôn thi tốt nghiệp cho học sinh THPT được nhà trường tiến hành từ đầu tháng 2/2023 và đẩy mạnh vào thời gian tháng 4,5,6. Bởi đây là thời gian vàng để ôn luyện giúp học sinh bứt phá về đích.

Theo đó, các giáo viên thuộc các tổ bộ môn đã xây dựng chương trình riêng cho học sinh khối 12 để ôn thi, bám sát ma trận đề thi THPT trong 3 năm nay gần đây và đề tham khảo của Bộ GD&ĐT. Việc này sẽ giúp học sinh làm quen và không bị bỡ ngỡ khi bước vào kỳ thi chính thức.

Bên cạnh đó, việc ôn thi cũng được thực hiện theo hình thức cá thể hóa, phù hợp với năng lực của từng đối tượng. Học sinh được phân loại dựa trên kết quả khảo sát, điểm kiểm tra học kỳ.

Tiết học của học sinh Trường THPT Trần Nhân Tông.

Tiết học của học sinh Trường THPT Trần Nhân Tông.

Tương tự, ngay từ đầu năm học 2022-2023, Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức) đã dự thảo kế hoạch ôn thi tốt nghiệp THPT. Sau đó tổ chức họp với các tổ trưởng chuyên môn, lấy ý kiến đóng góp về dự thảo cũng như thời gian thực hiện, rồi lấy ý kiến đóng góp và thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh trước khi triển khai về Hội đồng sư phạm nhà trường.

Ngay sau Tết Nguyên đán, Trường THPT Đào Sơn Tây xây dựng kế hoạch tăng tiết ôn tập, trong đó, đặc biệt chú trọng rà soát phân chia học sinh yếu, kém để có giải pháp phù hợp, hiệu quả. Phân công giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm theo dõi, động viên, hỗ trợ kịp thời khi học trò gặp khó khăn.

Cô Trần Thị Minh Đức, Phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “tháng 5/2023 trở đi sẽ là giai đoạn tăng tốc ôn thi, nhà trường sẽ tổ chức họp phụ huynh để thông tin về kế hoạch ôn tập kỳ thi tốt nghiệp cho cha mẹ học sinh. Phát huy kết quả, kinh nghiệm trong công tác ôn tập của những năm học trước, nhà trường đã chọn cử giáo viên có bề dày kinh nghiệm để tham gia dạy ôn tập cho khối 12.

Ngoài 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh bắt buộc, chúng tôi cho các em đăng ký môn ôn tập theo 2 ban khoa học tự nhiên và khoa học xã hội,… Các tổ chuyên môn họp thống nhất nội dung ra đề kiểm tra thử đến từng thời điểm ôn tập theo chủ đề ôn tập. Ngoài ra giáo viên cũng chủ động cho học sinh kiểm tra thử theo từng chủ đề vào tiết cuối mỗi tuần”.

Đồng hành cùng trò

“Chúng tôi luôn động viên, hỗ trợ, tư vấn về phương pháp học tập, làm sao để ngay từ bắt đầu học kỳ 2, “bước chạy” của học sinh nhanh hơn và chính xác hơn. Bên cạnh kiến thức, nhà trường cũng đặc biệt quan tâm, hỗ trợ về sức khỏe thể chất, tinh thần cho các em”, cô Lệ chia sẻ.

Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Mỹ Lệ, ngoài các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, những môn còn lại học sinh tự nguyện đăng ký ôn tập theo khối thi. Giáo viên thuộc các tổ, nhóm chuyên môn đã tăng cường trao đổi để bám sát đề minh họa và các dạng đề thi tốt nghiệp những năm trước để triển khai cho học sinh ôn tập. Với học sinh có học lực đuối hơn, nhà trường mở lớp phụ đạo vào cuối tuần, giúp các em hoàn thiện, nâng cao kiến thức.

Trường THPT Đào Sơn Tây cũng đã phối hợp với các đơn vị trường đại học, cao đẳng,… tổ chức nhiều chuyên đề về chăm lo sức khỏe, tinh thần giảm áp lực căng thẳng thi cử cho học sinh trong quá trình ôn thi. Đồng thời phòng tâm lý nhà trường đã xây dựng chuyên đề tư vấn mùa thi từ đầu năm học và có gửi đường link để học sinh gửi thông tin cần hỗ trợ.

Đặc biệt, mô hình “Đồng hành cùng trẻ trong mùa thi” của Trường THPT Đào Sơn Tây đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Theo đó nhà trường phối hợp bếp ăn tổ chức bán trú chăm lo ăn uống, giấc ngủ cho từng học sinh để các em có sức khỏe tốt nhất ôn thi. Đơn vị này cũng đã hỗ trợ miễn phí bán trú đối với 50 học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Trường THPT Đào Sơn Tây tổ chức chuyên đề mang âm nhạc đến với học sinh trước mùa thi.

Trường THPT Đào Sơn Tây tổ chức chuyên đề mang âm nhạc đến với học sinh trước mùa thi.

Cùng với đó, ban giám hiệu Trường THPT Đào Sơn Tây cũng đã cử Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn thường xuyên theo dõi nền nếp, chuyên cần của học sinh trong thời gian ôn thi, cập nhật tình hình mỗi buổi và chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm nắm bắt thông tin tìm hiểu lý do học sinh nghỉ ôn.

“Thời điểm những tháng cuối học kỳ hai, nhà trường tổ chức kiểm tra thử theo lớp sau mỗi tuần ôn thi. Giáo viên bộ môn cũng sử dụng hệ thống K12online hay các phần mềm cho học sinh làm kiểm tra. Qua đó các em tự đánh giá lại mức độ ôn tập cá nhân mình.

Nhà trường cũng phân loại và tăng cường tổ chức phụ đạo nhóm học sinh có nguy cơ rớt tốt nghiệp, đồng thời chỉ đạo giáo viên bộ môn rà soát hàng tuần và chủ động phụ đạo đối tượng học sinh đó vào các buổi tối”, cô Đức cho hay.

“Việc tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT là cơ sở để nhà trường khảo sát chất lượng học sinh lớp 12. Từ phân tích kết quả thi thử trường điều chỉnh nội dung, hình thức ôn tập phù hợp và rèn luyện cho học sinh những kỹ năng cần thiết khi tham gia dự thi tốt nghiệp THPT. Qua đó cũng giúp rèn luyện kỹ năng tổ chức thi tốt nghiệp đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường và trung tâm. Riêng năm học 2021-2022 tỉ lệ đậu tốt nghiệp của trường là 99,6%”, cô Trần Thị Minh Đức, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.