Vừa dạy học vừa định hướng ôn tập thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được Bộ GD&ĐT thông báo tổ chức theo định hướng giữ ổn định như năm 2021, 2022.

Cô trò Trường THPT Minh Châu, Hưng Yên trong giờ học.
Cô trò Trường THPT Minh Châu, Hưng Yên trong giờ học.

Ổn định kỳ thi giúp nhà trường, giáo viên, học sinh chủ động có giải pháp dạy học, ôn tập.

Lên lộ trình ôn tập

Lưu ý học sinh ôn tập hiệu quả, cô Đỗ Thị Thu Hường, giáo viên Trường THPT Minh Châu (Hưng Yên), cho rằng, các em không chỉ cần phương pháp học hiệu quả, mà phải vạch ra cho mình lộ trình ôn tập cụ thể, rõ ràng theo từng giai đoạn: Tìm kiếm, củng cố và hệ thống kiến thức.

Giai đoạn tìm kiếm, học sinh học kiến thức mới ở trên lớp cùng các bài tập theo chuyên đề, học đến đâu chắc đến đó. Giai đoạn củng cố kiến thức thông qua làm đề để nắm bắt cấu trúc, rèn kỹ năng làm bài, từ đó củng cố kiến thức đã học. Ở giai đoạn cuối, các em cần tập trung hệ thống lại toàn bộ kiến thức kết hợp giải đề cấp tốc, bấm thời gian, nên giải 2 - 3 đề một ngày.

Cô Thu Hường cũng lưu ý học sinh cần đặt mục tiêu về điểm số để tập trung ôn luyện từng nội dung lý thuyết và bài tập phù hợp. Các em có thể tham khảo cấu trúc đề thi của các năm học trước, đồng thời bám sát vào đề minh họa của Bộ GD&ĐT, đề thi thử, đề thi tham khảo để ôn tập. Quan trọng nhất là ôn tập kỹ, bám sát kiến thức trong chương trình, sách giáo khoa. Cố gắng tự làm đề cương để vừa hệ thống được nội dung, vừa kiểm tra được mảng kiến thức còn thiếu. Lập thời gian biểu hợp lý; chọn không gian phù hợp để việc ôn tập đạt kết quả tốt nhất.

Kinh nghiệm nhiều năm ôn thi tốt nghiệp THPT, theo cô Bùi Thị Tuyết Mai, giáo viên Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ), giáo viên cần cho học sinh nắm chắc cấu trúc của từng chương, bài bằng cách xây dựng dàn bài, sơ đồ tư duy. Sau đó, cô, trò đi chi tiết vào từng phần, liên hệ kiến thức đang ôn với bài liên quan qua từng chuyên đề.

Điều quan trọng, học sinh cần hệ thống lại phần kiến thức đã học sao cho “ôn đến đâu chắc đến đó”. Giáo viên nên cho trò tham khảo đề thi của Bộ GD&ĐT xem khả năng của mình đến đâu để có kế hoạch bù đắp phần còn yếu và thiếu.

Ở góc độ quản lý, thầy Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Sơn (huyện Tân Sơn, Phú Thọ), cho rằng, ôn tập thi tốt nghiệp THPT trước hết cần bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học quy định trong chương trình hiện hành; dạy theo mức độ nhận biết, hiểu vận dụng đơn giản để làm bài tập và thực hành để củng cố nắm vững lý thuyết.

Giáo viên căn cứ vào phương án và cấu trúc đề thi năm 2022 của Bộ GD&ĐT để xây dựng nội dung, phương pháp ôn tập phù hợp. Đồng thời, căn cứ trình độ, năng lực học sinh để có kế hoạch điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy, ôn tập.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Chú trọng kiểm tra giám sát

“Dạy thật, học thật, đánh giá thật, thi thật, kết quả thật”, tinh thần đổi mới giáo dục này được ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế, nhấn mạnh khi chia sẻ về chỉ đạo công tác ôn tập thi tốt nghiệp THPT tại các trường trên địa bàn.

Ông Nguyễn Tân cho biết, sở GD&ĐT yêu cầu các trường THPT, Trung tâm GDNN - GDTX căn cứ Đề án nâng cao chất lượng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm học 2022 - 2023 và năm học 2023 - 2024 để xây dựng kế hoạch chỉ đạo và thực hiện nâng cao chất lượng, kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT của đơn vị. Trong đó, chú trọng công tác kiểm tra giám sát tăng cường kỷ cương trong quản lý dạy và học.

Các trường cũng tăng cường tổ chức hội nghị sinh hoạt chuyên môn bàn giải pháp nâng cao chất lượng kết quả thi tốt nghiệp, chú trọng đổi mới phương pháp dạy học tạo hứng thú cho học sinh. Tổ chức cho tổ/nhóm chuyên môn thực hiện biên soạn chuyên đề ôn tập. Dự giờ, phân tích, rút kinh nghiệm điều chỉnh nội dung kịp thời, phù hợp với từng nhóm. Tổ chức xây dựng ngân hàng đề thi bám sát cấu trúc từng môn học.

Cùng với đó, phân tích, đánh giá kết quả sau mỗi đợt kiểm tra, khảo sát, thi thử để phân loại. Phối hợp phụ huynh để có kế hoạch bồi dưỡng, ôn tập cho học sinh có kết quả thi thử thấp và đối diện nguy cơ không đỗ tốt nghiệp. Kiểm tra, đôn đốc tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên thực hiện kế hoạch giáo dục. Xây dựng và thực hiện tiêu chí đánh giá thi đua về kết quả thực hiện của cán bộ quản lý, tổ chuyên môn và giáo viên bộ môn…

Với nội dung này, ông Võ Văn Bé Hai, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre, nhấn mạnh: Hiệu trưởng nhà trường cần chỉ đạo tổ chuyên môn rà soát lại nội dung đã dạy theo kế hoạch của từng bộ môn. Tăng cường phụ đạo học sinh yếu kém bằng hình thức phù hợp, linh hoạt, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại trà. Kế hoạch ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT cần phù hợp với người học và điều kiện thực tế tại nhà trường; chú trọng khâu vừa dạy, vừa định hướng ôn tập, phát huy hiệu quả việc tự học. Các đơn vị cần chỉ đạo tổ chuyên môn tham khảo đề minh họa từng môn học trong năm trước để nghiên cứu, định hướng ôn tập cho học sinh đạt kết quả tốt.

“Chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Trường THPT Tân Sơn đã xây dựng kế hoạch dạy học tăng cường cho học sinh lớp 12. Theo đó, nhà trường yêu cầu các nhóm chuyên môn lập ma trận nội dung ôn tập theo mẫu nhà trường ban hành (chia thành 3 đối tượng cụ thể), trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch ôn thi tốt nghiệp THPT. Kế hoạch ôn tập phải xây dựng trên cơ sở kiến thức cơ bản, trọng tâm của bộ môn và dựa trên năng lực học sinh. Ví dụ, với nhóm học sinh có nguyện vọng xét đại học - yêu cầu dạy mức độ 3, 4 (nâng cao), tập trung luyện đề và rèn kỹ năng làm bài”, thầy Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.