Dọc đường ghi nhận…

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục mầm non được ví như 'cú hích' giúp các trường mầm non thay đổi toàn diện.

Cô – trò Trường mầm non Minh Trí A (Sóc Sơn, Hà Nội).
Cô – trò Trường mầm non Minh Trí A (Sóc Sơn, Hà Nội).

“Cú hích” cho nhà trường và giáo viên

Là một trong những trường khó khăn nhất của TP Huế (Thừa – Thiên Huế), Trường mầm non Hương Phong có hơn 300 học sinh, với 29 giáo viên. Cô Hiệu trưởng Lê Thị Thu Sương – chia sẻ, kể từ khi thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp của Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục mầm non (Đề án 33), chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non có những chuyển biến rõ rệt. Sự chuyển biến này bắt nguồn từ việc giáo viên chủ động bồi dưỡng, nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ.

“Khi chúng tôi triển khai, quán triệt Đề án 33, một số giáo viên còn ngại đi học, ngại tham gia các buổi tập huấn, nhưng “mưa dầm thấm lâu”, nay hoạt động bồi dưỡng đã trở thành nhu cầu tự thân của 100% giáo viên trong trường” – cô Sương chia vui.

Theo cô Sương, nhiều giáo viên chủ động đăng ký học lên đại học, tham gia các khóa bồi dưỡng do nhà trường và các cơ quan quản lý giáo dục tổ chức. Không dừng lại ở đó, giáo viên còn tự tìm kiếm tài liệu, các video về phương pháp dạy học mới theo hướng lấy trẻ làm trung tâm để ứng dụng vào thực tiễn tổ chức các hoạt động của mình. Nhiều giáo viên còn chủ động tham gia các hội nhóm hoặc thiết lập các nhóm để trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ.

“Có thể nói, sự thay đổi này đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Trên hết, trẻ em mầm non chính là đối tượng được thụ hưởng. Các con được quan tâm, chăm sóc tận tình, chu đáo và phát triển kỹ năng theo đúng độ tuổi. Trẻ được vui chơi, trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh bằng nhiều hình thức, đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ em.

Chẳng hạn, với trẻ 5 tuổi, các em đã hình thành một số năng lực tự phục vụ, phát triển tình cảm xã hội… trong trường không có trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi” – cô Sương viện dẫn.

Nằm trên vùng bán sơn địa của huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội), Trường Mầm non Minh Trí A đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2, trở thành một trong những điểm sáng về giáo dục mầm non của địa phương này. Cô Hiệu trưởng Lê Thị Thắng – nhìn nhận, Đề án 33 như “cú hích” giúp nhà trường “thay da đổi thịt”, nhất là trong công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

Theo đó, nhà trường khuyến khích và hoan nghênh giáo viên nâng cao trình độ, năng lực sư phạm, nhằm đáp ứng với yêu cầu đổi mới giáo dục cấp mầm non, nhất là trong bối cảnh toàn ngành triển khai đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo theo Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng.

“Đáng nói, tư duy nhận thức của giáo viên có sự chuyển biến rõ rệt và được chuyển hóa thành hành động. Nếu như trước kia, chúng tôi phải động viên giáo viên đi học nâng cao trình độ. Nhiều chương trình, hoạt động bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ phải vận động giáo viên mới tham gia.

Tuy nhiên, điều đó đã là quá khá, việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên đã thành nhu cầu tự thân của giáo viên trong trường” – cô Thắng cho hay.

Giáo viên Trường mầm non Hương Phong có nhiều đổi mới, sáng tạo trong giáo dục, chăm sóc trẻ.

Giáo viên Trường mầm non Hương Phong có nhiều đổi mới, sáng tạo trong giáo dục, chăm sóc trẻ.

Trẻ được thụ hưởng…

Theo cô Thắng, nhiều giáo viên còn tự tìm hiểu, tự học trên internet các phương pháp giáo dục mới như: Montessori – Giáo dục để phát triển toàn diện cho trẻ; Reggio Emilia – Trao quyền tự chủ cho trẻ; Steiner – Khai phá tiềm năng đặc biệt của trẻ…

Những gì mà giáo viên lĩnh hội được đã chuyển hóa thành bài giảng, thành những hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non. Các cô đã xây dựng môi trường vui chơi, vận động trong lớp và ngoài trời, tạo góc mở để trẻ được chủ động, sáng tạo, tư duy tích cực trong các hoạt động.

Qua đó, góp phần phát triển toàn diện các kỹ năng theo chuẩn chương trình giáo dục mầm non; 100% trẻ được đảm bảo an toàn tuyệt đối cả về thể chất và tinh thần khi ở trường.

Đặc biệt, với phương pháp lấy trẻ làm trung tâm, chương trình giáo dục được dựa trên thế mạnh của nhà trường. Theo đó, nhà trường đã đổi mới giáo dục, kỹ năng sống, phát huy sáng tạo của giáo viên tạo hứng thú cho trẻ…

Năm học 2022 – 2023, Trường mầm non Thanh Quang (Thanh Hà, Hải Dương) có hơn 600 trẻ. Cô Hiệu trưởng Phạm Thị Mai xác định, để công tác chăm sóc, giáo dục trẻ được thực hiện tốt, cần có đội ngũ giáo viên giỏi.

Do đó, Ban Giám hiệu rất quan tâm đến công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho giáo viên như: tạo điều kiện cho các cô tham gia các lớp học, tổ chức cho giáo viên tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài huyện. Hiện, giáo viên của trường có trình độ chuẩn và trên chuẩn.

Ngoài ra, trường cũng duy trì mỗi tháng mở 1 chuyên đề nhằm rút kinh nghiệm trong công tác giảng dạy. Theo đó, nhà trường chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động sinh hoạt tổ chuyên môn, góp phần nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ và nâng cao chất lượng giáo dục trẻ em của trường.

Trên tinh thần đó, ngay từ đầu năm học 2022-2023, lãnh đạo nhà trường, các tổ trưởng, giáo viên đã tổ chức họp, xây dựng kế hoạch để triển khai nhiệm vụ. “Chúng tôi đổi mới hình thức và nâng cao chất lượng hoạt động sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học” – cô Mai chia sẻ.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Quang, thông qua quá trình dự giờ - quan sát - suy ngẫm và các hoạt động chia sẻ thực tế, việc học của trẻ theo các tiêu chí “giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” đã mang lại cách nhận thức mới cho cán bộ quản lý, giáo viên trong việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn.

Qua đó, tạo cơ hội để giáo viên học tập lẫn nhau. Từ đó, đội ngũ giáo viên sẽ tiếp tục mạnh dạn có những giải pháp đổi mới về cách thức tổ chức cũng như hình thức phù hợp, mang lại hiệu quả cao.

Trên hết là đáp ứng yêu cầu đổi mới trong hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non, nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục mầm non. Góp phần thúc đẩy và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên của nhà trường ngày một vững vàng, năng động.

Theo cô Lê Thị Thắng, thay vì tìm cách né tránh tập huấn, bồi dưỡng như trước kia, nay giáo viên nào cũng có nhu cầu bồi dưỡng. Vì thế, nhà trường phải cất cử theo hình thức luân phiên để ai cũng được tham gia. Những giáo viên đi tập huấn sẽ có trách nhiệm trao truyền tài liệu, kinh nghiệm cho giáo viên khác. Ai cũng hứng thú, say mê học hỏi, nâng cao trình độ, năng lực sư phạm để ứng dụng vào hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ