Kỳ công linh vật
Kéo dài khoảng một cây số, dọc tuyến đường Song Hành đi qua địa bàn phường Trung Mỹ Tây (quận 12, TPHCM) thời gian gần đây xuất hiện hàng chục xưởng mộc mà ngoài chế tác những sản phẩm thông dụng như bàn ghế, giường tủ hay lục bình, tượng..., còn là những hình tượng nghệ thuật làm từ gốc cây có hình linh thú như chim, cá, rắn hay hổ, báo, rồng, phượng...
Khác với công nghệ đóng gỗ thông thường, các tác phẩm làm từ gốc cây phải trải qua nhiều công đoạn thủ công mà có rất ít nghệ nhân hoàn thành được vì yêu cầu cao và qua nhiều công đoạn khó khăn.
Những linh vật sống động được hình thành từ gốc cây |
Ông Nguyễn Thanh Giáp, 51 tuổi, chủ một xưởng mộc ở đây chia sẻ, nhu cầu các sản phẩm này hiện giờ rất lớn mà giá lại cao, có khi gấp nhiều lần các bộ bàn ghế thông thường.
“Như một gốc cây xà cừ có hình chim đại bàng, tôi bán giá không dưới 25 triệu đồng. Nếu như trước kia, các nguyên liệu gốc cây thường phải bỏ đi vì khó chế tác thì nay lại có giá rất cao. Tuy nhiên, việc biến một gốc cây tự nhiên thành gốc cây có hình chim đại bàng hay con vật nào đó lại vô cùng khó khăn, không dễ gì làm được. Thậm chí, ngay cả việc hình thành ý tưởng là làm hình chim đại bàng, hình thỏ, hình hổ, hình rắn... khi có trong tay một khúc gốc cây cũng là thách thức với nhiều người rồi”, ông cười cho biết thêm.
Hiện nay, tại xưởng của ông Giáp có cả thảy sáu người thợ, trong đó có hai người mới theo học nghề mộc được nửa năm, chỉ phụ giúp đóng sửa các dụng cụ đơn giản. “Tôi quê ở Phù Cát (Bình Định) nhưng từ nhỏ đã bôn ba nhiều nơi. Trước kia từng làm nghề mộc, khảm trai dưới Trảng Bom nhưng từ hơn chục năm nay thì mở xưởng mộc và sống ở trên này vì khách hàng đông, sản phẩm làm ra bán được ngay. Thậm chí nhiều mặt hàng như các hình linh vật đẹp, những tiệm gỗ, mộc ở bên Tân Bình, Gò Vấp họ còn đặt trước, có hàng là tới lấy liền. Tuy nhiên, cái nghề mộc này nó cũng kén người, phải yêu thích và có óc thẩm mỹ mới theo được, không thì dễ nản lắm. Như mình, đến nay là hơn 20 năm cầm cưa, cầm đục rồi chứ không ít”, ông Giáp kể thêm.
Theo anh Tân, một thợ mộc trong xưởng này, thì làm những đồ như bàn ghế, giường tủ hay những vật dụng khách tới đặt hàng khá dễ vì có sẵn kích thước, hình dáng, chỉ cần thực hiện theo đúng yêu cầu là được.
Nhưng với các hình linh vật thì khác, hầu hết đều do chủ xưởng định hình ý tưởng, các thợ chỉ thực hiện từng công đoạn nhỏ mà thôi.
“Như mấy ngày nay tôi đang chế tác thú ghép, gồm 4 cá thể khác nhau trên một gốc gỗ xà cừ. Ban đầu chú Giáp đưa ra ý tưởng, sử dụng từng phần dễ để tạo thành hình dáng, con vật nào đó thì mình thực hiện theo. Hầu hết việc chế tác đều dùng các công cụ nhỏ, thủ công nên rất mất thời gian, có khi phải tuần lễ mới xong một tác phẩm. Thú thật, dù vào nghề này đã gần mười năm nhưng nếu làm 1 con linh vật thì được chứ vài ba con ghép lại thì mình vẫn chưa đủ óc thẩm mỹ để thực hiện”, Tân kể thêm.
Quả thật, nếu ai đã từng nhìn những gốc gỗ cây xù xì thô ráp trơ những rễ tua tủa nhưng qua bàn tay tài hoa của những người thợ mộc này bỗng chốc biến thành những đồ vật đẹp đẽ, hữu dụng mới hiểu được công đoạn chế tác khó khăn, vất vả thế nào.
Nghề chơi cũng lắm công phu
Trong thời gian tìm hiểu về nghề chế tác linh vật, chúng tôi thấy rằng, cả người mua lẫn người làm ra các sản phẩm đều là những người chơi công phu và tinh tế.
“Ngoài việc có tiền thì phải am hiểu, yêu thích mới sẵn sàng bỏ ra vài chục triệu đồng cho mỗi gốc cây có hình dáng linh vật như vậy được. Đây là thú chơi đồ gỗ khá mới mẻ, nó khác với đồ gỗ tốt, gỗ quý hay các loại đồ gỗ khảm trai, khảm ngọc cầu kỳ. Gỗ có hình linh vật trên gốc cây nhiều loại phải chế tác cầu kỳ, nhiều loại thì chỉ cần chỉnh sửa một chút vì bản thân gốc cây đó đã sẵn có những hình dáng tự nhiên rất đẹp rồi. Đó cũng là một phần của thú chơi linh vật này, vừa sẵn có tự nhiên, vừa thêm thắt ở bàn tay, óc sáng tạo của con người”, anh Nguyễn Văn Hưng, 36 tuổi, chủ một xưởng gỗ khác ở đường Song Hành này cho biết.
Tuy nhiên, theo anh Hưng, nghề làm gỗ linh vật này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất trắc chứ không “dễ ăn” như nhiều người vẫn nghĩ. “Đành rằng mỗi gốc cây có giá tới vài chục triệu đồng nhưng cũng không dễ tìm đúng khách hàng để bán. Nếu là hình tượng, hình tâm linh, hình thần tài... thì dễ hơn, vì nó thông dụng, ai cũng có thể trưng được.
Tuy nhiên những hình gốc gỗ có chút nghệ thuật, sinh động thì phải những người am hiểu và đủ điều kiện kinh tế mới dám mua. Thậm chí có nhiều gốc gỗ đẹp ở trên Tây Nguyên đưa về, tôi phải để cho khách chọn lựa trước, đặt cọc rồi mình mới làm theo ý của họ. Vì mỗi gốc cây chỉ làm được bản duy nhất, khác với các gốc khác nên nó độc đáo, kén người”, anh Hưng kể.
Cũng theo người đàn ông quê ở Chơn Thành, Bình Phước này thì không chỉ biết chế tác các hình gốc gỗ đẹp, ông thường xuyên phải đi tìm nguồn nguyên liệu gốc gỗ tự nhiên. “Cứ vài tháng tôi lại đánh xe đi lên Bình Phước, Tây Ninh hay thậm chí lên tận Tây Nguyên để săn gốc gỗ.
Trên rừng, nhiều gốc gỗ người ta bỏ đi vì không biết làm gì, lại khó khai thác nên mình mua giá rẻ, về tìm hiểu và bắt đầu làm những hình dáng thú linh vật trên đó. Ngoài những hình đơn, thì các cặp tứ linh, song long, song hổ... được nhiều người ưa thích. Nếu có sản phẩm tốt thì hầu như đều bán được với giá cao”, anh giãi bày.
Theo nhiều khách hàng đang chọn lựa các sản phẩm gốc gỗ linh vật ở đây thì hiện nay, các đồ vật bằng gỗ linh vật dù giá cao nhưng giá trị lại rất tương xứng.
Nhiều loại đồ dùng sử dụng gỗ nhân tạo, nhanh hư hỏng hoặc nếu là gỗ tự nhiên cũng chỉ có các hoa văn được đúc sẵn bằng máy, nhìn không có hồn. Đồ làm bằng gốc gỗ có tuổi thọ không chỉ cao hơn mà càng để lâu càng bóng đẹp so với thân gỗ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù chỉ xuất hiện chừng năm năm qua nhưng khu vực đường Song Hành này hiện đã thu hút chừng 30 xưởng mộc với hàng ngàn các mặt hàng quý làm từ gỗ khác nhau, đáng kể nhất là rất nhiều các gốc gỗ tạo hình linh vật.
Thậm chí nhiều người còn cho rằng đây là khu phố đồ gỗ nhộn nhịp nhất ở vùng ngoại ô TPHCM hiện nay. Với địa hình vẫn còn nhiều quỹ đất rộng, các xưởng gỗ có thể thoải mái chế tác và từng có nhiều xưởng khảm trai ở trong khu vực, những xưởng gỗ này đang là nơi thu hút rất nhiều người đam mê đồ gỗ ở khu vực thành phố. Đó cũng là lý do khiến khu vực này luôn nhộn nhịp tiếng đục, tiếng cưa và nồng mùi vec-ni đánh bóng gỗ.