Nhận diện linh vật để hiểu rõ hơn về văn hóa dân tộc

GD&TĐ - Các nhà nghiên cứu và các cơ quan quản lý văn hóa từng “đau đầu” với nạn linh vật ngoại lai tại các di tích. Ngành văn hóa cũng đã có hẳn một chương trình kiểm tra, di dời các linh vật ngoại lai khỏi các di tích. 

Nhận diện linh vật để hiểu rõ hơn về văn hóa dân tộc

Tuy nhiên để nhận diện và đánh giá đúng về giá trị văn hóa của các linh vật là bài toán không hề đơn giản. Triển lãm về “Linh vật Việt” mới đây đã giúp công chúng nhận diện hiểu rõ hơn những giá trị văn hóa đặc sắc.

Thể hiện những giá trị văn hóa độc đáo

Linh vật thường được nhắc đến trong thần thoại, truyền thuyết và biểu đạt trong nghệ thuật tạo hình mang ý nghĩa văn hóa linh thiêng. Đã từ lâu trong tâm thức, người Việt coi linh vật là những con vật huyền thoại hoặc có thật được linh hóa, do con người sáng tạo và sử dụng như những biểu tượng văn hóa để truyền đạt ý tưởng, niềm tin tâm linh và tín ngưỡng, tôn giáo.

Người xưa tin rằng, linh vật là hiện thân của các lực lượng tự nhiên hoặc mang những đặc tính huyền bí, năng lực siêu phàm có thể chi phối nhân sinh, vũ trụ.

Bởi vậy linh vật còn mang ý niệm là cầu no đủ và mang lại niềm vui, hạnh phúc, may mắn cho con người, giúp canh giữ, trấn áp và được trang trí, bày trí ở các cung điện, lăng mộ, đền miếu...

Linh vật trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam có nhiều loại như: Rồng, phượng, nghê, lân, sư tử, hổ, ngựa, voi, chó, rùa, cá… do người Việt Nam sáng tạo nên hoặc giao lưu, tiếp biến từ các nền văn hóa bên ngoài, được sử dụng rộng rãi từ lâu đời, phản ánh sâu sắc đời.

Nhưng một thời gian do sự hội nhập mạnh mẽ với thế giới, trong đời sống xã hội những biểu tượng linh vật của người Việt dường như đã bị lãng quên, thay vào đó là các sản phẩm biểu tượng linh vật ngoại lai, không phù hợp với thuần phong mỹ tục.

Do vậy bản sắc văn hóa Việt Nam đứng trước nguy cơ xóa nhòa mất đi sự độc đáo riêng. Chính vì vậy việc nhận diện và đánh giá những giá trị của linh vật là rất cần thiết giúp cho chúng ta bảo tồn được nét văn hóa dân tộc.

Để giúp người xem hiểu rõ được những giá trị và nhận diện rõ các linh vật Việt, mới đây Phòng Quản lý Di sản và Bảo tàng Hà Nội phối hợp với nhóm Đình làng Việt tổ chức Triển lãm chuyên đề “Linh vật Việt”.

Với hơn 200 hình ảnh, hiện vật, tương tác 3D về linh vật được trưng bày, đặc biệt còn có các sản phẩm phục dựng linh vật do nghệ nhân, nhà điêu khắc của Hà Nội thực hiện đã giúp công chúng có cái nhìn sâu hơn về ý nghĩa của các linh vật với từng giai đoạn lịch sử.

Qua đó góp phần nâng cao ý thức bảo tồn, kế thừa, phát triển những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Đây cũng là một hoạt động thiết thực, sự chung tay của các cấp, các ngành trong việc bảo tồn di sản và thiết thực chào mừng 12 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam.

Nhận diện không phải lúc nào cũng dễ dàng

Ở Việt Nam, đình, chùa là nơi tích tụ giá trị văn hóa sâu đậm nhất của dân tộc. Trong đó, vai trò của linh vật được đặt trong đền, đình, chùa tạo nên sự linh thiêng đối với không gian. Những linh vật như rồng, phượng, nghê… đã được cha ông ta đưa vào trong hệ thống biểu tượng của văn hóa Việt rất phong phú và đa dạng.

Là người dày công nghiên cứu về các giá trị văn hóa của người Việt, GS.TS Nguyễn Văn Huy (Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam) chia sẻ:

Cứ xem hệ thống biểu tượng linh vật trong các chùa, đình, đền, chúng ta sẽ thấy được sức sáng tạo đến tài tình của nghệ thuật trong đó.

Cha ông chúng ta xưa và thợ thủ công ngày hôm nay đã gửi gắm những suy tư, tâm hồn của mình vào trong các tác phẩm điêu khắc một cách nghiêm túc.

Các tác phẩm nghệ thuật nói lên ước vọng của thợ thủ công, của cộng đồng mong muốn có được sự linh thiêng, là giá trị văn hóa được kế thừa suốt hàng nghìn năm nay, trở thành nét văn hóa hồn cốt của dân tộc.

Tuy nhiên việc nhận diện linh vật và các giá trị của nó không phải lúc nào cũng dễ dàng. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Bình, đại diện nhóm Đình làng Việt cũng cho hay:

Việc sưu tập linh vật đã được thực hiện từ nhiều năm nay, nhưng các nhà nghiên cứu rất khó tiếp cận một số di tích. Hơn thế, khâu quảng bá đòi hỏi sự kết hợp tổng thể và có sự bền bỉ lâu dài.

Việc đưa linh vật ngoại lai ra khỏi di tích đã được các cơ quản lý Nhà nước thực hiện nhưng không đồng bộ và dở dang. Đơn cử như việc cảnh báo không sử dụng linh vật ngoại lai làm biến dạng di tích, tại đình Hạ Hiệp (Phúc Thọ, Hà Nội), Ban quản lý rất quyết liệt nhưng do mối quan hệ dòng họ và sự nhầm lẫn trong cách hiểu, nên khó thực hiện. Chính vì vậy, cần in sách để truyền bá và có những chú thích hợp lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ