Đối với đồng bào vùng cao, chợ không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hoá mà còn mang đậm bản sắc văn hoá đặc trưng của từng vùng. Chợ trâu Trà Lĩnh, tỉnh Cao bằng là một nơi như vậy. Nhiều năm qua, cứ mỗi dịp phiên chợ diễn ra là cả vùng Trà Lĩnh lại vui tươi, rộn rã như có hội.
Chợ phiên Trà Lĩnh họp vào các ngày mùng 4, 9, 14, 19, 24 và 29 âm lịch. Những con trâu bước vội theo tiếng giục của chủ, những con nghé tung tăng chạy theo bên cạnh.
Chợ bắt đầu họp tờ mờ sáng cho đến trưa. Chẳng quá khi nói phiên chợ như một “sàn giao dịch trâu bò” độc nhất vô nhị trong vùng. Chợ thu hút rất đông thương lái ở các địa phương khác đến mua để lấy sức kéo hay để làm thịt hoặc tìm những con trâu tốt để nuôi dưỡng trở thành trâu chọi. Cũng không ít thương lái từ bên kia biên giới sang mua trâu bò.
Chợ phiên còn là nơi người dân gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm mua bán, chọn giống, trao đổi cách chăn nuôi, vỗ béo trâu bò, tham khảo giá cả thị trường.
“Tôi tham gia được 5 năm rồi, đến nay đã mua khoảng hơn 100 con. Con nào to béo tôi mới mua, toàn mua bò thôi. Đa phần là bò của người quen”, anh Nông Quốc Tuấn ở Trà Lĩnh chia sẻ.
Còn anh Nông Văn Quang cũng ở Trà Lĩnh cho biết:“Nếu mà mua trâu để cày thì phải chọn con to, khỏe về mới làm được nương. Nhà mình làm nương nhiều, phải mua con này mới về cày được, hơi đắt tí nhưng không tiếc tiền. Khi mà mình nuôi làm nương, nửa năm hay một năm nuôi con này thì khi bán đi vẫn có giá”.
Một trâu đực loại to bán với giá 40 đến 60 triệu đồng, còn nghé giá 15 đến 20 triệu đồng/con. Trâu cái đẹp mã (hay đã có chửa) giá 30 đến 40 triệu đồng/con. Người mua, người bán rôm rả mặc cả, trao đổi. Những con trâu, bò ưng ý được trao tay qua chủ khác; những con khác chưa bán được, chủ lại vui vẻ dắt về vỗ béo đến phiên chợ sau lại đem ra bán.
Ông Nguyễn Xuân Lục ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An và 2 người con lái xe tải chở đàn trâu từ Nghệ An ra đây mất gần 2 ngày.
Ông Lục bảo:“Lần này tôi mang đến chợ 30 con, có con 50 triệu, 30 triệu, 20 triệu đồng tùy từng con. Một chuyến cũng được khoảng từ 10-15 triệu đồng, mình trừ hao mòn lốp, xe cộ đi thì còn được khoảng 10 triệu đồng, một tháng 6 chuyến thì được khoảng 60 triệu đồng. Trong đấy nhà tôi nuôi, nuôi đến khi cần tiền việc gia đình, con cái học hành thì tôi lại bán”.
Không chỉ các thương lái kiếm được tiền sau mỗi phiên chợ mà có rất nhiều nghề khác ăn theo và mang lại thu nhập không nhỏ cho người dân địa phương như nghề xe ôm, nghề đổi tiền, nghề bán rơm, bơm nước tắm cho trâu bò và thậm chí cả việc hót phân trâu bò… Hiện nay, do nhu cầu tăng cao của thị trường nên mỗi phiên chợ sẽ kéo dài 2 đến 3 ngày. Do số lượng trâu bò mỗi phiên quá nhiều, lượng chất thải từ trâu bò cũng tăng theo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và đời sống bà con sống xung quanh khu vực.
Theo quan sát của phóng viên, đối với trâu, bò từ các tỉnh khác tới như Nghệ An, Vĩnh Phúc… đều có dấu hiệu trên mình đã qua kiểm dịch vùng. Nhưng ngược lại, với những con trâu bò trong vùng hầu như không có.
Ông Hoàng Minh Đạt, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Cao Bằng cho biết:“ Vì chợ này do lực lượng bên xã hội hóa tư nhân tự đầu tư. Vì vậy, việc kiểm soát gia súc đưa vào khu chợ này, cơ quan chuyên môn vẫn chưa thực hiện triển khai được. Việc kiểm soát dịch bệnh cũng như việc ra vào của gia súc do Ban quản lý chợ họ tự kiểm soát. Cái khó là làm sao cho cơ quan chuyên môn có mặt thường xuyên để kiểm soát khi gia súc đưa vào khu chợ có đầy đủ giấy tờ để vận chuyển hay không, theo dõi kiểm soát tình hình sức khỏe của đàn gia súc có bị nhiễm bệnh hay không. Trên cơ sở đó nếu phát hiện được dịch bệnh thì xử lý kịp thời, làm sao để dịch bệnh không lây lan trên địa bàn”.
Người đến chợ để mua-bán cũng có, cũng rất đông người dân địa phương đến chỉ để vui với không khí tấp nập hay mua bán các mặt hàng tiêu dùng, nông sản. Cũng chính vì nét độc đáo này mà Phiên chợ trâu Trà Lĩnh cũng là nơi tìm đến của đông đảo du khách gần xa. Qua nhiều năm, chợ dần dần có sự pha trộn của nhịp sống hiện đại nhưng nét giản dị, thật thà của đồng bào vùng cao nơi đây luôn là điều hấp dẫn du khách./.