Đà Nẵng: Tìm cách 'hút' khách cho làng nghề

GD&TĐ - Những năm gần đây, Đà Nẵng đặc biệt chú trọng đến vấn đề 'hút' khách đến với các làng nghề truyền thống.

Anh Bùi Thanh Phú - giáo viên dạy Tin học Trường THPT Phạm Phú Thứ (TP Đà Nẵng), chủ xưởng sản xuất nước mắm Nam Ô Hương Làng Cổ, bên những chum nước mắm của gia đình.
Anh Bùi Thanh Phú - giáo viên dạy Tin học Trường THPT Phạm Phú Thứ (TP Đà Nẵng), chủ xưởng sản xuất nước mắm Nam Ô Hương Làng Cổ, bên những chum nước mắm của gia đình.

Đó là làm sao để khi đến với các làng nghề, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị, đồng thời cảm nhận được giá trị văn hóa đặc sắc… Đây được xem là hướng đi mới cho các làng nghề truyền thống.

Bảo tồn làng nghề gắn với du lịch

“Nước mắm Nam Ô/Cá rô Xuân Thiều” là câu ca mà người dân hay nhắc đến mỗi khi qua làng Nam Ô (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Nam Ô là một làng chài nhỏ cách chân đèo Hải Vân khoảng 3km về phía Nam, nơi đây được xem là “thủ phủ” nước mắm của người Đà Nẵng.

Làng nghề nước mắm Nam Ô có tuổi đời hàng trăm năm tuổi. Ngay cả những bậc cao niên trong làng cũng không nhớ chính xác tuổi đời của làng nghề này, chỉ nhớ từ khoảng cuối thế kỷ XIX làng đã nổi tiếng khắp vùng nhờ nghề nước mắm.

Trải qua nhiều thăng trầm và biến cố của lịch sử, làng nước mắm Nam Ô luôn tồn tại và phát triển. Cho đến ngày nay, làng nghề này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đầu tháng 5, chúng tôi có dịp ghé xưởng nước mắm Hương Làng Cổ - ở làng Nam Ô (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) của gia đình anh Bùi Thanh Phú - giáo viên dạy Tin học của Trường THPT Phạm Phú Thứ (TP Đà Nẵng). Ngày nào cũng vậy, xong công việc ở trường, về nhà anh Phú lại vào vai một hướng dẫn viên du lịch đón khách đến tham quan làng nghề và kể cho du khách, học sinh về làng nghề của mình.

Trong khuôn viên khang trang, hàng chục chiếc chum đang ủ mắm được đậy kín, bảo quản sạch sẽ, đó cũng là bảo bối gia truyền của gia đình anh Phú được gìn giữ qua 4 thế hệ. Đứng giữa những du khách người Hàn Quốc, anh Phú lần lượt chỉ và chia sẻ về lịch sử làng nghề, cách làm mắm của người Nam Ô…

Theo lời anh Phú, năm 2019, nghề nước mắm Nam Ô được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Làng nghề nước mắm Nam Ô được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Từ đó, du khách thập phương bắt đầu đổ về để trải nghiệm.

“Đây là động lực để chính quyền, bà con làng nghề tham gia bảo tồn, nỗ lực đưa thương hiệu nước mắm Nam Ô vang xa, tăng thu nhập cho người dân, xây dựng làng nghề trở thành điểm du lịch của thành phố”, anh Phú bộc bạch.

Nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tìm hiểu làng nghề nước mắm Nam Ô.

Nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tìm hiểu làng nghề nước mắm Nam Ô.

Tiềm năng phát triển

Ngược về phía Tây Đà Nẵng, cách trung tâm khoảng 20km là thôn Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) nổi tiếng với nghề làm bánh tráng. Nghề bánh tráng thôn Túy Loan đã trở thành biểu tượng văn hóa của người dân nơi đây suốt hàng trăm năm qua.

Các bậc cao niên và nghệ nhân lớn tuổi trong làng Túy Loan đều nói rằng, nghề tráng bánh tráng có từ lâu đời và không biết cụ thể có từ bao giờ. Khi họ lớn lên đã thấy cha mẹ, ông bà làm nghề.

Tháng 2/2024, nghề làm bánh tráng Túy Loan đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia. Sự kiện này đã mở ra cơ hội phát triển nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Có hơn 50 năm làm nghề bánh tráng Túy Loan, bà Trần Thị Luyện (trú thôn Túy Loan Tây 1, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) cho hay, bánh tráng nơi đây nổi tiếng bởi hương vị thơm ngon đặc trưng của gạo, mè, gừng, tỏi, mắm, muối, đường...

Khi ăn, sẽ cảm nhận được độ giòn rôm rốp của chiếc bánh tráng khi được nướng trên bếp than hồng. Mùi thơm, vị cay nhẹ của gừng tươi, tỏi và mè trắng, đồng thời có vị ngọt dịu, mằn mặn của đường, nước mắm rất kích thích vị giác.

Theo lời bà Luyện, để tráng bánh, người làm phải chuẩn bị sẵn nguyên liệu và ngâm gạo từ tối hôm trước để đến rạng sáng hôm sau rồi xay thành bột và tráng bánh.

Bà Trần Thị Luyện đang tráng bánh.

Bà Trần Thị Luyện đang tráng bánh.

Du khách trải nghiệm làm và nướng bánh tráng Túy Loan.

Du khách trải nghiệm làm và nướng bánh tráng Túy Loan.

Nguyên liệu tạo nên sự khác biệt của bánh tráng Túy Loan gồm: Mè trắng, gừng, tỏi, đường, nước mắm Nam Ô đối với bánh tráng mặn, ngoài ra còn làm cả bánh tráng chay. Và bí quyết để có những chiếc bánh thơm ngon là tráng bột lỏng và phải tráng bằng 2 lớp…

Từ ngày bánh tráng Túy Loan được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đến nay, làng nghề đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn khách trong nước và quốc tế.

“Tôi rất vui là ngày càng có nhiều khách nội địa đến với xưởng bánh. Đặc biệt có nhiều trường học đưa học sinh đến xưởng để tham quan và các cháu rất hào hứng khi được trải nghiệm, bản thân lại tự tay làm và mang sản phẩm về. Bên cạnh đó, thời gian qua cũng có rất nhiều đoàn du khách quốc tế đến tham quan, thưởng thức sản phẩm tại làng nghề bánh tráng Túy Loan”, bà Luyện cho biết.

Mô hình để khách du lịch trải nghiệm với nghề truyền thống đã và đang được nhân rộng tại các làng nghề ở Đà Nẵng. Bà Luyện, anh Phú hay những người làm nghề truyền thống ở Đà Nẵng cùng chung một suy nghĩ rằng, việc kết nối thành công giữa phát triển làng nghề với du lịch thì trước hết cần phải tập trung đào tạo cho đội ngũ kế nghiệp để nâng tầm sản phẩm, phát triển sinh kế bền vững cho người dân ở làng nghề.

“Tôi tin rằng, với hướng đi đúng đắn cũng như sự vào cuộc đồng bộ của các đơn vị, địa phương để đưa ra những quyết sách, hoạch định phù hợp sẽ phát huy hiệu quả những tiềm năng vốn có của làng nghề ở địa bàn thành phố”, anh Phú nói.

“Muốn gìn giữ, bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống và để từ đó “hút” khách du lịch thì cần nhiều yếu tố như: Con người, sự chung tay, chia sẻ, hỗ trợ, đóng góp, đồng hành của Nhà nước và doanh nghiệp. Đặc biệt, chính quyền địa phương phải hướng dẫn người dân và kêu gọi các nhà đầu tư, có chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích đưa dây chuyền công nghệ vào sản xuất. Có như thế, làng nghề mới được duy trì và phát triển”, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.