Sinh ra và lớn lên trong gia đình với 4 thành viên, Phúc Duy là con trai út trong gia đình, ba làm nghề sửa chữa xe máy và nuôi cá; mẹ Phúc Duy thì làm nội trợ và chuyên làm khô để bán cho thị trường.
Chính vì việc làm khô nên chất thải như: Ruột cá, đầu cá… làm ruồi đậu vào nhiều và đậu cả lên khô gây khó khăn trong việc quản lý, bảo quản khô. Với mục đích giúp mẹ đuổi được ruồi, Phúc Duy đã chế tạo máy bắt ruồi.
Ban đầu việc chế tạo máy bắt ruồi của em không được gia đình ủng hộ vì cứ tưởng em lo chơi không lo học. Anh Huỳnh Thanh Phong - bố của Phúc Duy - chia sẻ, ban đầu thấy Phúc Duy hay lấy pin, chai nhựa, cách quạt đồ chơi… cứ mò mẫm làm một mình nên gia đình không hài lòng vì sợ em lo chơi không chịu học. Nhưng khi biết em tham gia cuộc thi sáng tạo nên gia đình cũng động viên để làm ra sản phẩm dự thi cho mình.
Máy bắt ruồi được thiết kế từ các vật dụng phế thải bỏ đi như: Chai nhựa, pin, dây dẫn diện, cánh quạt, mô tưa… và các vật dụng khác. Máy bắt ruồi được Phúc Duy chế tạo trong 2 ngày với 3 phần chính: Phần thứ nhất là bộ phận nhử ruồi, phần này gồm ống nhựa và mồi nhử là các loại phế thải như: Ruột cá, đồ ăn thừa; phần thứ 2 là bộ phận thu hút ruồi, có chức năng thổi ruồi từ ống dẫn qua bộ phận thứ 3.
Bộ phận thứ 3 là bộ phận diệt ruồi gồm: 1 máy chém và cánh quạt thổi ruồi bay từ dưới lên. Ngoài ra, kết nối giữa các bộ phận là hệ thống điện chạy bằng pin và công tắc.
Không những đam mê “sáng tạo” mà Huỳnh Phúc Duy còn có thành tích học tập rất tốt, luôn giúp đỡ bạn bè và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập của mình.
Thầy Nguyễn Thành Nhơn - Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Phú Thuận B2 - nhận xét, Phúc Duy là học sinh khá nổi bật vì thành tích học tập rất giỏi, nhiều năm liền là học sinh giỏi của lớp, trường.
Bên cạnh đó, Phúc Duy còn tham gia rất nhiệt tình với các phong trào mà trường phát động. Sản phẩm của em mang ý nghĩa về bảo vệ môi trường và nâng cao nhận thức giữ gìn sức khỏe, phòng chống dịch bệnh do côn trùng gây hại.