Độc đáo lễ rước nước cầu mùa may mắn của cư dân sông Hồng

Cư dân ven sông Hồng- con sông mẹ của đồng bằng Bắc Bộ từ hàng ngàn năm nay, cứ dịp tết đến xuân về lại hành lễ rước nước trên đê để cầu mùa màng may mắn, bội thu.

Khiêng bình nước thiêng về đình trong lễ hội đức Thánh Chử Đồng Tử (Hưng Yên). Đ.T
Khiêng bình nước thiêng về đình trong lễ hội đức Thánh Chử Đồng Tử (Hưng Yên). Đ.T

Ngược lên vùng đất Tổ, nơi có rất nhiều đền thờ liên quan đến sự hình thành Nhà nước Văn Lang, dừng chân ở huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) - trung tâm sinh tụ của các cư dân xóm làng canh tác nông nghiệp vùng châu thổ sông Hồng. Các làng Bích Chu, Thủ Độ, An Tường, Kim Đê - xã An Tường; làng Vân Giang - xã Lý Nhân, làng An Lão - xã Vĩnh Thịnh… đều nổi tiếng với lễ hội rước nước. 

Cư dân nơi đây tiến hành lễ rước nước là lấy dòng nước trong sạch, tinh khiết ở giữa dòng sông Hồng về để tắm thánh, thể hiện lòng thành kính, biết ơn đến các vị thần được thờ ở đình. Đồng thời, nói lên ước mơ nguyện vọng của cư dân định cư canh tác nông nghiệp trong vùng sông nước cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu.

Đoàn rước trên đê tại hội làng Thổ Khối, quận Long Biên (Hà Nội). LÊ BÍCH

Không chỉ có ở Vĩnh Phúc, lễ rước nước trên sông Hồng còn được tổ chức rất long trọng khai màn cho hội Đền Trần (Hưng Hà, Thái Bình) để nhắc con cháu nhớ lại thủa xưa trước khi lên làm vua nước Đại Việt, tổ tiên nhà Trần sống bằng nghề chài lưới trên sông nước. Lễ hội được tổ chức từ đêm ngày 13 đến ngày 18 tháng Giêng.

Đoàn rước nước có trống dong cờ mở, dàn nhạc bát âm tấu khúc hành lễ rộn ràng, khởi từ đền thờ các Vua Trần ở làng Tam Đường đi vòng quanh đền, chùa rồi lên đê. Khi tới đê, đã có đội thuyền với hàng chục chiếc chờ sẵn dưới mép sông. Trên vệ đê, dưới thuyền, dọc đường đi tới bến sông cờ lễ hội cắm rợp trời, chiêng trống vang lừng, nhân dân đứng chật hai bên đường xem lễ hội rước nước.

Lễ rước nước một loại hình văn hóa dân gian, một nghi thức tâm linh đặc sắc biểu hiện tín ngưỡng cầu nước của những cư dân sống với nền văn minh lúa nước ven sông Hồng. Các nghi lễ diễn ra ở thời điểm đầu mùa với mong muốn cầu mong tổ tiên và các lực lượng siêu nhiên trợ giúp cho mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa, âm dương tương hợp. 

Các nghi lễ, hội hè diễn ra sau mùa thu hoạch là để tạ ơn thần thánh, trời đất, tổ tiên mang lại mùa màng phong đăng, sau đó là những vui chơi, giao tiếp tận hưởng những ân đức mà trời đất, thần thánh mang lại; được thể hiện bằng một hệ thống các nghi lễ thông qua bốn chủ đề chính là: tín ngưỡng cầu nước, tín ngưỡng cầu đất, tín ngưỡng cầu lửa và tín ngưỡng phồn thực.

Với cư dân ven sông Hồng, lễ rước nước với các đoàn rước đi dài ven đê, trống dong cờ mở rợp trời đã tạo nên một khung cảnh tráng lệ và nhộn nhịp quen thuộc của đời sống làng xã từ thời mở nước. Nước là một trong những yếu tố hàng đầu để hình thành nên nông nghiệp, chi phối mạnh mẽ đến mùa màng, đời sống của người nông dân vì vậy họ đã tổ chức nghi lễ rước nước với tất cả tấm lòng thành kính dành cho một yếu tố trong ngũ hành hình thành nên sự sống.

Lễ hội rước nước cũng như các lễ hội dân gian đã chứng tỏ sức sống bền bỉ và sự hợp lý của nó trong ký ức cộng đồng, không dễ gì làm cho phai mờ. Trải qua bao thăng trầm của đời sống, dù có lúc mờ và ẩn đi, nhưng rõ ràng nó vẫn luôn là một mảng nghi thức thiêng liêng và sáng rõ trong tâm thức người Việt.
Theo Dân Việt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ