Độc đáo lễ cấp sắc then bụt 12 đèn của người Nùng

GD&TĐ - Lễ cấp sắc cho then bụt của người Nùng Lòi tại xóm Háng Chấu, Bản Vươn, xã Cai Bộ, huyện Quảng Hòa (Cao Bằng) là một sinh hoạt truyền thống độc đáo, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc.

Thầy Tào (đứng) làm lễ cho bà bụt Lương Thị Mặn (người ngồi cầm quạt).
Thầy Tào (đứng) làm lễ cho bà bụt Lương Thị Mặn (người ngồi cầm quạt).

Trong đời sống tâm linh của người dân tộc thiểu số nói chung, người Nùng Lòi ở Cao Bằng nói riêng, những người hành nghề thầy tào, làm bụt có vai trò rất quan trọng.

Họ được cho là những người có năng lực giao tiếp với người âm hay có thể cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu hay nhiều nghi lễ quan trọng khác. 

Lễ cấp sắc then bụt của người Nùng Lòi được chia làm nhiều lần khác nhau tương ứng với mỗi cấp bậc. Buổi lễ cấp sắc then bụt 12 đèn là cấp bậc cao nhất.

Việc tiến hành nghi lễ này được chuẩn bị kĩ lưỡng, xem ngày cẩn thận, chuẩn bị đồ dùng, lễ vật cho thầy làm lễ và thực phẩm đãi khách cũng như anh em họ hàng đến chúc mừng cho người được cấp sắc.

Sau khi đã học nghề với thầy xong để tiếp tục hành nghề thì người đó phải làm lễ. Có những người được truyền lại trong dòng họ, hoặc một số khác do căn số mà được theo nghề. 

Người được cấp sắc lần này là bụt Lương Thị Mặn. Trước đó năm ngày, người được cấp sắc không được ăn đồ có mỡ và đường, chỉ được ăn cơm trắng với gừng.

Theo quan niệm của những người làm nghề, thầy tào phải là những người trong sạch, vì thế, họ cũng kiêng sát sinh và làm những điều trái với đạo đức xã hội để bảo đảm thanh khiết.

Gia đình đã phải nhờ nhiều anh em, hàng xóm đến giúp đỡ và chọn một số người đảm nhiệm công việc quan trọng như chọn cặp đôi nam nữ chưa có gia đình để thắp hương cho buổi lễ.

Đàn lễ gồm mâm cúng tổ tiên, và các mâm cúng nhỏ gồm có một con lợn để tế, gạo nếp, rượu, bát gạo để thắp hương, bánh giầy, lợn quay.

Điều hành buổi lễ có một thầy tào chính và hai đệ tử, ngoài ra có ba thầy then bụt là nữ. Những chàng trai phụ lễ sẽ đi kèm hai người phụ nữ then bụt trong quá trình đưa người được cấp sắc đi báo cáo thổ công. 

Đầu tiên người được cấp sắc sẽ được trao bộ trang phục và một số dụng cụ để hành nghề như áo tổ sư, đai lưng, cấp ấn tính, bộ sóc nhạc, chuông, giầy và tất. Đặc biệt đó là chiếc mũ trên đỉnh có con chim. Khi mà con chim được thầy chính đặt lên chóp mũ cũng là giây phút bà Lương Thị Mặn trở thành bà bụt có bậc cao nhất của nghề.

Sau đó là lời của sư phụ dặn dò bà bụt phải làm những điều tốt đẹp để trở thành người hành nghề có tâm, đem lại nhiều điều tốt đẹp cho bà con. Cùng với đó là những quy định nghiêm ngặt của nghề mà tuyệt đối không được phạm phải. 

Sau nhiều ngày đêm liên tục làm lễ, bụt Lương Thị Mặn sẽ trao vải hồng cho sư phụ và những bà bụt làm lễ cho mình để thể hiện sự cảm ơn một cách thành kính. Sau đó, thầy chính sẽ dẫn dắt bà Mặn đi làm lễ tạ ơn tại miếu thổ công của địa phương cùng với những sính lễ như lợn quay, xôi, gà, rượu… với nội dung cầu những điều tốt đẹp, mong thổ công phù hộ.

Sau khi hành lễ xong cả đoàn lại trở về nhà tiếp tục làm một số nghi lễ tiếp theo, trong đó bà Mặn lại trao vải hồng cho những người thân trong gia đình đã giúp đỡ để nghi lễ diễn ra thuận lợi. 

Buổi lễ cấp sắc then bụt mười hai đèn cho bà Lương Thị Mặn đã thể hiện một nét văn hóa độc đáo, giàu giá trị, đặc biệt là cách diễn sướng trong nghi lễ của người Nùng.

Những hình con người, con vật, hoa văn trên trang phục đã cho thấy trí tưởng tượng phong phú của người xưa, hướng đến cái thiện, cầu cho đời sống được hạnh phúc, no đủ, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ