Tinh hoa làng ngói
Từ thị trấn Quảng Uyên đi thẳng đường 3 chừng vài cây số, rẽ phải vào địa phận xã Tự Do ta sẽ bắt gặp san sát những lán trại xếp đầy ngói máng thô mộc đều tăm tắp chờ đến ngày vào lò nung ở các làng Kéo Rỏn, Lũng Rì, Lũng Cát.
Bên trong những mái nhà sàn tọa lạc dưới chân núi là những lò ngói truyền thống thiết kế theo những kiểu cách rất kỳ dị. Những người thợ làm ngói đang cặm cụi nhào đất, cẩn thận cắt xén thành những ô vuông nhỏ rồi hì hụi cho đất vào khuôn. Mỗi khâu trong việc làm ra viên ngói đều ẩn chứa những bí quyết mà chỉ người Nùng ở xã Tự Do mới rõ, mới hiểu.
Nếu như các bản làng khác ở Quảng Uyên cứ trầm buồn, yên tĩnh thì ở xã Tự Do lại hoàn toàn khác. Bản làng tấp nập xe cộ đến đi lấy hàng. Trong các lán nhỏ dưới chân núi là hàng trăm thợ đóng ngói miệt mài làm việc, tiếng cười nói rổn rảng khắp bản.
Người ta nói đây là trung tâm của người Nùng An ở nước ta, chẳng biết có phải không nhưng có đến mới cảm nhận không khí và phong tục bản địa. Mà phong tục ấy không chỉ thể hiện trong cuộc sống thường ngày, mỗi công việc đến kỹ thuật xây dựng cũng hàm chứa những tập tục cổ xưa của người Nùng An.
Lán ngói máng của anh Trương Văn Ngọc, xóm Lũng Cát đầy ắp sản phẩm vừa ra lò đặc sệt mùi ngai ngái của đất chín. Anh Ngọc cho biết: “Nghề làm ngói máng của người Nùng có từ thời xửa xưa. Ngói máng Nùng có 2 loại là máng và bò. Trong đó ngói máng để lợp còn ngói bò để úp nóc nhà”.
Ngói máng của người Nùng làm bằng đất sét mịn, dẻo, được thợ lấy sâu dưới chân đồi thuộc xã Độc Lập. Theo giai thoại, chỉ đất ở chân đồi Độc Lập mới sản xuất được loại ngói máng bền đẹp mang phong cách riêng của người Nùng.
Đất được lấy lên, sau một thời gian thì phần đất được móc đi ấy lại đầy lên. Cứ như vậy, sau mấy trăm năm vẫn đầy đất sét cho người Nùng sử dụng. Chẳng biết câu chuyện ấy có thật không, nhưng cứ xem tốc độ sản xuất ở đây thì thấy chưa một lò ngói nào bị thiếu nguyên liệu.
Theo anh Ngọc và các nghệ nhân người Nùng, điều quan trọng để có sản phẩm đẹp, chất lượng tốt thì phải làm thật tỉ mỉ. Các nghệ nhân có bí quyết ủ đất tựa như ủ men rượu. “Đất cũng lên men, cũng có lúc mốc mác nên phải ủ để đất cấu kết với nhau chặt chẽ và dẻo hơn khi nhào nặn”, anh Ngọc cho hay.
Cách làm ngói của người Nùng thì mỗi người mỗi khác. Không có bí quyết nhà nào giống nhau. Còn nung trong lò thì ngói máng Nùng phải đủ 5 ngày 5 đêm, lửa cháy đều nếu không dễ bị sống hoặc phồng. Điều này thì lại thành quy luật, vì đất cũng có giới hạn, có ngưỡng chịu nhiệt đặc trưng.
“Công nghệ” 4 viên
Theo các nghệ nhân, công đoạn đầu tiên để làm ngói máng là phải đi tìm nguồn đất, xác định được khu vực có đất tốt. Nghệ nhân khi đó sẽ đào, bóc lớp đất mặt lên rồi lấy tay lăn viên đất cho nhỏ bằng đầu đũa, kéo dài ra mà không bị đứt gãy mới đạt tiêu chuẩn.
Khi xác định được nguồn đất thì tiến hành đào thành hố, bóc đất tơi, lọc lấy sét sao cho không được dính tạp chất như mùn, cát rồi cho nước vào ngâm. Sau 10 ngày ngâm thì đưa trâu vào giẫm quần đất cho thật nhuyễn.
“Chúng tôi phải dùng tới 3, 4 con trâu giẫm nhuyễn đất ít nhất là 5 ngày liền thì đất mới đạt chuẩn. Theo kinh nghiệm, cứ khi nào chân con trâu không bị dính đất thì coi như đất hoàn toàn mịn”, anh Ngọc bật mí.
Đất đã nhuyễn ấy không phải đem về là làm ngay được ngói. Theo quan sát của chúng tôi, số đất này được đắp thành đống đưới gầm nhà và phủ kín như để lên men. Trước khi tiến hành làm ngói, người thợ xắn đất ra đắp thành một khối trụ cao khoảng 1,4 mét chiều dài và chiều ngang khoảng 1 mét. Khi làm, người thợ dùng một thanh tre sắc ngọt thoa nước chống dính cắt đất để đưa vào khuôn.
Khuôn làm ngói máng có hình tròn, trên thân khuôn có 4 điểm gờ chia đều nhau. Mỗi lần đưa đất vào khuôn có thể làm được 4 viên ngói trên 1 bệ xoay. Chỗ điểm gờ trên khuôn tạo rãnh mỏng để khi đất khô có thể bẻ rời từng viên.
Theo các thợ ngói, trước đây người Nùng làm khuôn cố mỗi viên một lần, nhưng qua thời gian sức sáng tạo của họ đã biến khuôn truyền thống thành một công nghệ vừa nhanh đều mà ngói lại đẹp.
Theo thống kê sơ bộ của UBND xã Tự Do, trung bình mỗi hộ sản xuất một năm làm được nhiều nhất 4 lò, mỗi lò được 16.000 viên. Giá mỗi viên ngói bán ra thị trường khoảng 2 nghìn đồng, trừ chi phí, mỗi năm họ thu nhập trên 50 triệu.
Trước đây, nghề làm ngói ở đây chỉ có hơn chục hộ, nay tăng trên 130 hộ làm nghề. Ngói máng của dân tộc Nùng có màu sắc đẹp và chất lượng rất bền nên hầu hết bà con Tây Bắc đều dùng loại ngói này để lợp nhà sàn thay cho lá cọ.
Nghĩa tình vì nghề
Anh Lâm Văn Bào, Trưởng xóm Lũng Rì cũng tham gia làm ngói máng truyền thống, cho biết: “Mặc dù nghề làm ngói máng đã giúp cho nhiều hộ dân thoát khỏi đói nghèo, nhưng mấy năm nay tình hình tiêu thụ có xu hướng giảm mạnh, số hộ bỏ nghề có dấu hiệu tăng lên bởi không cạnh tranh nổi với các loại ngói hiện đại, giá lại rẻ hơn”.
Theo anh Bào, có đận bà con muốn bỏ nghề nhưng vì nghĩa tình với nghề truyền thông của cha ông quá sâu nặng nên phải duy trì tìm hướng phát triển và cạnh tranh.
Hơn nữa, nguyên liệu để làm ra loại ngói máng Nùng, là đất sét loại hiếm, phải lặn lội ra đến tận xã Độc Lập để mua với giá khá cao. Không những khó khăn về nguyên liệu đất nung mà củi đốt cũng là thứ gây tốn kém chi phí cho bà con làm ngói.
Trung bình mỗi lò ngói phải tốn vài xe ngựa củi, người dân phải bỏ ra hàng triệu đồng để mua từ chợ về. Đây là nguyên liệu không thể thay thế bởi nếu dùng than đốt sẽ khiến ngói máng xám màu và không bền.
Các công đoạn làm ngói cũng hết sức phức tạp, để cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh vô cùng công phu, đòi hỏi nhiều thời gian cũng như sự tỉ mỉ của người thợ. Chính vì vậy, giá của ngói máng Nùng không thể rẻ hơn so với ngói làm từ công nghệ.
Ông Mạc Văn Tiền, Trưởng xóm Kéo Rỏn cho hay: “Tuy còn nhiều khó khăn, sản xuất bằng phương pháp thủ công, vùng nguyên liệu chưa ổn định nhưng bù lại, ngói máng Nùng đã là một thương hiệu truyền thống của bà con dân tộc vùng cao”.
Bao đời nay, ngói máng của người Nùng được bà con dân tộc đánh giá về độ bền cũng như khả năng chống nóng, chống tốc khi có gió to. Những mái nhà lợp ngói máng mang dáng dấp cổ kính đặc trưng đã quen thuộc đối với người miền núi.