Nhà hát Lớn HN là di tích kiến trúc và lịch sử đặc biệt cấp quốc gia

Nhà hát Lớn HN là di tích kiến trúc và lịch sử đặc biệt cấp quốc gia

(GD&TD) - Ngày 9/12, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm Nhà hát Lớn Hà Nội và đón nhận Bằng Di tích kiến trúc và lịch sử đặc biệt cấp quốc gia.

Trao Bằng khen cho lãnh đạo Nhà hát Lớn Hà Nội vì có những đóng góp xuất sắc
Lãnh đạo Bộ VHTT Trao Bằng khen cho lãnh đạo Nhà hát Lớn Hà Nội

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh cho rằng, 100 năm Nhà hát Lớn Hà Nội là dịp khẳng định niềm tự hào, nét đẹp văn hóa của người Hà Nội nói riêng, người Việt Nam nói chung trong việc coi trọng, ý thức gìn giữ và phát huy giá trị công trình văn hóa, kiến trúc, đặc biệt trong quá trình Việt Nam hội nhập với thế giới.

Nhà hát Lớn Hà Nội được khởi công xây dựng vào ngày 07/6/1901, hoàn thành năm 1911, được thiết kế bởi các kiến trúc sư người Pháp là Broyer và Harlay, phụ trách thi công chính là Travary và Savelon. Toà nhà này nằm trên một mảnh đất có hình thế đặc biệt, được bao quanh bởi một khu vườn. Sự sắp xếp theo đường chéo của những con phố xung quanh đã tôn lên vị trí nổi bật của Nhà hát Lớn. Nhà hát Lớn Hà Nội là công trình kiến trúc đẹp bậc nhất Đông Nam Á.

Nhà hát Lớn Hà Nội tọa lạc tại số 1, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), được khởi công xây dựng ngày 7/6/1901 và hoàn thành năm 1911 theo mẫu của “Nhà hát Opera Paris” (Pháp), do hai kiến trúc sư Harlay và Broyer thiết kế. Nhà hát có diện tích 2.600m2, chiều dài 87m, chiều rộng 30m, điểm cao nhất của công trình so với mặt đường là 34m.

Với hành trình qua 100 năm lịch sử, công trình này đã trở thành niềm tự hào của người Hà Nội cũng như tất cả mọi người dân Việt Nam. Nhà hát cũng là nơi gắn với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Ngày 17/8/1945, cán bộ Việt Minh lên chiếm diễn đàn trước sự ngơ ngác bất lực của lực lượng cảnh sát, lính bảo an của chính quyền bù nhìn thân Nhật tại quảng trường trước Nhà hát.

Vượt qua giá trị của một công trình kiến trúc nghệ thuật hoành tráng, nơi đây đã gắn giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng trong thời đại mới. Trong những năm bao cấp, Nhà hát Lớn đã là cái nôi nuôi dưỡng tất cả các loại hình nghệ thuật của Việt Nam, từ kịch nói, chèo, tuồng, đế ca nhạc, múa, giao hưởng… Ngày nay, các chương trình nghệ thuật nếu được biểu diễn ở Nhà hát Lớn sẽ luôn được các nghệ sỹ và công chúng công nhận về “đẳng cấp”.

Tháng 11 vừa qua, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Nhà hát Lớn Hà Nội và Quảng trường Cách mạng Tháng Tám đã được Bộ VHTT&DL công nhận là Di tích lịch sử quốc gia.

Kỷ niệm 100 năm Nhà hát Lớn là sự kiện văn hóa quan trọng, nằm trong chuỗi các hoạt động văn hóa đối ngoại, được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Đây còn là dịp khẳng định niềm tự hào, nét đẹp văn hóa của người Hà Nội nói riêng, người Việt Nam nói chung trong việc coi trọng, ý thức gìn giữ và phát huy giá trị công trình văn hóa, kiến trúc, đặc biệt trong quá trình Việt Nam hội nhập với thế giới. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật nhằm góp phần giới thiệu đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế và đồng bào ta ở nước ngoài.

Nhân dịp này, Nhà nước đã chính thức trao Bằng xếp hạng Nhà hát Lớn Hà Nội là Di tích kiến trúc và lịch sử đặc biệt cấp quốc gia; tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Ban Quản lý Nhà hát Lớn, Huân chương Lao động hạng Ba cho Giám đốc Nhà hát Lớn Hoàng Xuân Nam. Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch cũng tặng Bằng khen cho tập thể và 11 cá nhân của Ban Quản lý di tích vì những cống hiến xuất sắc trong thời gian qua.

Minh Duy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ