Độc đáo chợ lạc xoong ở Sài Gòn

GD&TĐ - Sài Gòn vốn có rất nhiều loại chợ buôn bán sôi động, phản ánh sự đa dạng của nhịp sống đô thị.

Khách đến chợ phiên sáng Chủ nhật tại quán cà phê Cao Minh. Ảnh: TG
Khách đến chợ phiên sáng Chủ nhật tại quán cà phê Cao Minh. Ảnh: TG

Chợ lạc xoong hay chợ đồ cũ “thịnh hành” từ rất lâu tạo nên nét độc đáo, giúp không ít người có thể mua được món đồ cần thiết với giá rất rẻ, đặc biệt là thỏa trí đam mê sưu tầm hàng “độc”.

Chợ phiên cuối tuần

Cứ đến buổi sáng chủ nhật ở khuôn viên quán cà phê Cao Minh tại 311/27 đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, chợ lạc xoong lại nhộn nhịp sôi động với kẻ mua người bán.

Nằm sâu trong con hẻm nhỏ, chợ phiên lạc xoong ở đây bán toàn đồ đã qua sử dụng, từ chiếc hộp quẹt, đồng hồ hay những chiếc bàn ủi “thời xa vắng” đến những món đồ nữ trang, thậm chí cả sách báo, con tem cũ... Xen lẫn vào đó là những món đồ cổ được sưu tầm từ nhiều nơi trong nước cũng như trên thế giới, giá không hề rẻ.

Nói là chợ nhưng người bán ít khi nói thách, người mua cũng không cần mặc cả mà chỉ cần tìm được món đồ ưng ý. Đôi khi người ta đến đây không phải để mua, cũng chẳng phải để bán, đơn giản để ngắm nhìn và hòa vào không khí nhộn nhịp nhưng không ồn ào của phiên chợ.

Nhiều người mang món đồ cũ ra đổi lấy món khác, có người đến chỉ để uống cà phê và đi dạo, thưởng thức không gian âm nhạc đậm chất văn hóa, tạo nên nét đa dạng trong đời sống của người dân Sài Gòn.

Dạo một vòng chợ, “săn” được một chiếc đồng hồ Rado với giá gần 2 triệu đồng, một khách hàng tại đây cho biết, hầu như cứ chủ nhật là ông lại đến đây dạo quanh một vòng. Tìm thấy món đồ gì “độc”, ưng ý thì mua, hoặc khi có món đồ nào không dùng nữa ông đem ra bán hay trao đổi. Cũng có hôm ông chỉ đến uống cà phê nhìn mọi người mua bán như một cách thư giãn. 

Bà Ngọc Oanh (Quận 2) “tiểu thương” chuyên mua bán đồ sưu tầm, đồ mỹ thuật gốm - trang sức đá xưa cũ tại chợ cho biết thời điểm này do ảnh hưởng của dịch Covid-19 lượng khách đến đây giảm hẳn.

Trước đây, mỗi phiên chợ vào sáng Chủ nhật có cả hàng ngàn người đến giao lưu mua bán nhộn nhịp. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, kinh tế cũng khó khăn nên nay khách hàng cũng hạn chế đến đây.

“Để có gian hàng tại đây tôi phải thuê với giá 1,2 triệu đồng/tháng, chỉ bán dịp chủ nhật. Tôi còn mở bán trên online, Zalo để có thêm thu nhập”, bà Oanh cho biết.

Có khi người bán không phải thuê mặt bằng, chỉ cần đăng ký chỗ trước với chủ quán cà phê, mỗi phiên chợ đến dọn hàng bán chỉ cần mua phiếu với giá 40.000 đồng là có thể giao lưu buôn bán, được uống cà phê và thưởng thức âm nhạc.

“Bán hàng ở đây cũng tùy phiên, như dịp này do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến lượng khách đến cũng thưa hơn. Có ngày bán được vài triệu, có khi đứng cả buổi chả ai hỏi mua gì”, anh Trí (Quận 3) bán đồ trang trí mỹ thuật chia sẻ.

Với chỉ vài món đồ “hiếm” như đồng hồ Cuckoo, chiếc máy ảnh cũ và chiếc cassette, bà Ánh (Quận 4) vừa đem đến phiên chợ thì đã có người tìm đến xem và hỏi mua. Chiếc đồng hồ Cuckoo cũ dù thiếu một vài linh kiện nhưng được bán với giá 1 triệu đồng/cái.

Vài ba người đến trả giá 800 nghìn bà quyết không bán, mà vẫn “chắc giá” 1 triệu đồng mới bán. Thế mà, vèo một cái đã có người “xuống tay” mua luôn.

“Gia đình tôi có người định cư ở Mỹ nên mỗi lần có dịp, lại gửi đồ về. Lúc thì mấy chiếc đồng hồ, hay chiếc cassette cũ tôi đem đến đây bày bán cho những người thực sự có nhu cầu, chỉ cần chỉnh sửa lại là đảm bảo chạy tốt”, bà Ánh cho hay.

Bà Ánh giới thiệu cho khách về chiếc đồng hồ Cuckoo cũ tại chợ phiên ở quán cà phê Cao Minh. Ảnh: TG.
Bà Ánh giới thiệu cho khách về chiếc đồng hồ Cuckoo cũ tại chợ phiên ở quán cà phê Cao Minh. Ảnh: TG.

Chợ chuyên “hàng hiếm”

Không giống chợ lạc xoong kiêm quán cà phê Cao Minh, chỉ họp một phiên Chủ nhật hàng tuần, ở Sài Gòn còn có nhiều chợ lạc xoong hình thành đã lâu tại các Quận 1, Quận 10, quận Phú Nhuận… Ở các chợ này bán đủ các loại từ thượng vàng đến hạ cám, chợ họp tất cả các ngày trong tuần.

Khách đến đây rất đa dạng để “săn” những món hàng ưng ý, mang về dùng tạm thời hoặc sưu tầm như một thú vui. Có món hàng tưởng chừng đã vô dụng của người này nhưng lại là “hàng hiếm” với người khác.

Chợ dân sinh (Quận 1) vốn là khu tổ chức cờ bạc, điểm ăn chơi có tiếng trước đây. Ông Nguyễn Văn Thân (Quận 8) tiểu thương gần 68 tuổi chuyên bán đồ điện cũ ở chợ dân sinh nhớ lại, trước giải phóng chợ chuyên bán đồ quân trang của lĩnh Mỹ, sau ngày thống nhất đất nước chợ là trung tâm bán đồ cũ lớn nhất miền Nam. Từ đồ quân tư trang, đồ thờ cúng, quần áo, chăn gối, giày dép, đồng hồ, túi xách cho đến cả vàng, bạc, đá quý đều bán ở đây.  

Cửa hàng của ông Hải chuyên bán đồ lính như la bàn, bật lửa zippo, đèn đồng xưa, đồng hồ, nón sắt, thùng đạn, võng mùng, balo, bi đông quân dụng… Tùy vào sở thích, mỗi khách hàng đều có thể “rinh” được một món hàng độc về nhà.  

Như chiếc túi rùa đựng nước của quân đội Mỹ gửi về vẫn còn “zin”, ông Hải khoe bán với giá 1,4 triệu đồng. Các sạp chuyên bán các loại đồ nữ trang cũ cũng khá phong phú các loại còng, kiềng, dây chuyền, nhẫn… Người mua các món này đa phần là những người thích hoài niệm, mua để tìm lại quá khứ “một thời xa vắng” như một thú chơi tao nhã. Ngoài ra, nhiều khách tây cũng tìm đến đây mua những món đồ để làm kỷ niệm...

Cách chợ dân sinh không xa là chợ lạc xoong đường Phó Đức Chính (Quận 1). Chợ này hình thành đã lâu chuyên bán dây nịt, kính đeo mắt, đồng hồ, trang sức, mũ bảo hiểm cũ. Hay ở Quận 10 có chợ Nhật Tảo, là “thiên đường” hàng điện tử cũ, từng “làm mưa làm gió” trong thời bao cấp.

Chợ lạc xoong đường Lý Thường Kiệt, Lý Nam Đế, Vĩnh Viễn (Quận 10, Quận 11) lại có cả loạt cửa hàng chuyên mua bán từ điện thoại, máy tính xách tay, sạc pin, radio, đàn guitar cho đến tiền cổ, hòm đàn, bi đông quân dụng…

Xa hơn, các chợ lạc xoong ở lề đường Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận), Hùng Vương (Quận 10), Hoàng Sa (nối từ Tân Bình đến Quận 3)… cũng nhộn nhịp kẻ mua, người bán, với đủ loại hàng từ đèn dầu, chén dĩa xưa đến đồng hồ, quạt điện...

Sinh ra giúp giải quyết công ăn việc làm cho khá đông người lao động, đồng thời đáp ứng được nhu cầu không ít của người tiêu dùng, nhất là những ai thích hoài niệm, sưu tầm, các chợ lạc xoong ở Sài Gòn vì thế vẫn có đất tồn tại ngay cả trong bối cảnh hàng mới đầy tràn cửa hàng, siêu thị. Mỗi chợ đều có “bản sắc” không gian riêng, tạo nên nét đa dạng trong đời sống kinh tế văn hóa của Sài Gòn hôm nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ