Dọc dài 700 năm tinh hoa gốm cổ

GD&TĐ - Nhân ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức trưng bày chuyên đề 'Gốm cổ Bát Tràng' diễn ra từ ngày 18/5 đến tháng 9/2023.

Hiện vật gốm Bát Tràng.
Hiện vật gốm Bát Tràng.

Qua các triều đại từ Lê sơ cho tới thời Nguyễn, nước ta đã xuất hiện sản phẩm gốm Bát Tràng nổi tiếng thuộc dòng gốm hoa lam, hoa nâu, men ngà, men rạn và gốm có minh văn.

Tính từ thế kỷ 14 khi gốm Bát Tràng được sử sách ghi lại, cho đến nay đã 700 năm có lẻ nhưng giới nghiên cứu chưa thể khám phá hết những mỹ diệu của làng gốm cổ ven dòng sông Hồng. Mỗi hiện vật sưu tập được lại thêm một lần bật lên những khám phá mới lạ ẩn trong chất men trong vắt sau cả trăm năm hoả biến.

Truyền đời làm gốm

Gốm đắp nổi và khắc minh văn.

Gốm đắp nổi và khắc minh văn.

Hội tụ tinh hoa mang đậm giá trị văn hóa dân tộc, gốm Bát Tràng luôn được giới bảo tàng và nghiên cứu sưu tầm, hình thành các bộ sưu tập giá trị. Thông qua trưng bày chuyên đề “Gốm cổ Bát Tràng” với mong muốn giới thiệu bộ sưu tập gốm men phong phú, có giá trị lịch sử - văn hóa và mỹ thuật cao. Từ đó để công chúng hiểu sâu sắc hơn những giá trị truyền thống, nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử dân tộc.

Nhân ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức trưng bày chuyên đề “Gốm cổ Bát Tràng” diễn ra từ ngày 18/5 đến tháng 9/2023 nhằm giới thiệu tới công chúng bộ sưu tập hiện vật độc đáo gốm Bát Tràng từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 20.

Nội dung trưng bày gồm 4 phần: Lịch sử hình thành; Gốm Bát Tràng thế kỷ 14; Gốm Bát Tràng thế kỷ 15 - 18; Gốm Bát Tràng thế kỷ 19 - 20. Đây là lần trưng bày chuyên đề về gốm Bát Tràng khá quy mô, có chiều sâu với các hiện vật độc đáo, phản ánh rõ nét kỹ thuật và sự khéo léo của nghệ nhân Bát Tràng xưa.

Đại diện Bảo tàng Lịch sử quốc giacho biết, theo sử liệu vùng đất Bát Tràng có tên là xã Bát, lần đầu tiên được ghi trong “Đại Việt sử ký toàn thư” năm 1352. Thế kỷ 15, tên xã Bát Tràng xuất hiện và được ghi nhận là một làng gốm nổi tiếng, sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi có chép: “Làng Bát Tràng làm đồ bát chén”.

Hiện nay, quanh khu vực Bát Tràng tại các địa điểm Lê Xá và Đào Xuyên thuộc xã Đa Tốn đã phát hiện và thu thập được một số đồ gốm Bát Tràng có niên đại cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15 như chậu hoa nâu, đĩa hoa lam.

Kết quả khai quật khảo cổ các năm 2001 - 2003 của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Viện Khảo cổ học và các cơ quan nghiên cứu tại di tích Kim Lan - một xã liền kề phía Nam Bát Tràng phát hiện di tích, di vật có niên đại kéo dài từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 19 - 20 lượng lớn đồ gia dụng như bát, đĩa, âu, ống nhổ... tập trung ở các dòng men đặc trưng thời Trần.

Bên cạnh đó, còn có các di vật phản ánh kỹ thuật sản xuất gốm tại chỗ như bao nung, con kê, đồ phế phẩm, cục làm men… cho thấy nơi đây là một vùng sản xuất gốm cổ có quy mô lớn.

Vào thế kỷ 14, Bát Tràng chủ yếu sản xuất đồ gốm với các loại hình: Bát, đĩa, âu gốm men trắng, men ngọc, men nâu; thạp, chậu, chân đèn gốm hoa nâu và bát, đĩa. Nửa sau thế kỷ 14, xuất hiện một dòng sản phẩm gốm sử dụng kỹ thuật vẽ màu lam bằng bút lông dưới lớp men màu trắng bóng.

Đây là loại gốm được các nhà nghiên cứu gọi là “tiền men lam” đánh dấu sự ra đời của dòng gốm men và nhanh chóng đạt đến trình độ xuất sắc, đưa Việt Nam trở thành cường quốc sản xuất, xuất khẩu gốm sứ đương thời.

Thế kỷ 18, những biến động lịch sử khiến các trung tâm sản xuất gốm xuất khẩu ở nước ta dần bị lụi tàn, nhưng gốm Bát Tràng vẫn duy trì được sức sống bền bỉ.

Khi người dân chuyển sang đồ gốm sứ Trung Quốc thì gốm Bát Tràng xuất hiện các đề tài du nhập từ bên ngoài theo các điển tích Trung Hoa như: Ngư ông đắc lợi, Tô Vũ chăn dê, Tam quốc chí, Bát tiên quá hải, Long Mã - Hà Đồ… với các thủ pháp truyền thống riêng biệt.

Một dòng gốm quý

Chiếc lư hương gốm men trắng ngà và xanh rêu hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Chiếc lư hương gốm men trắng ngà và xanh rêu hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Từ các nghiên cứu về hiện vật, giới khảo cổ cho rằng để tạo ra được những sản phẩm gốm Bát Tràng, người thợ xưa phải trải qua các công đoạn khá phức tạp. Đến nay làng gốm Bát Tràng vẫn còn lưu câu “nhất xương, nhì da, thứ ba dạc lò” - nghĩa là xương gốm là quan trọng hàng đầu, thứ nhì đến men, thứ ba là kỹ thuật nung.

Thợ Bát Tràng tạo dáng gốm bằng cách nặn tay kết hợp bàn xoay. Men gốm được tạo ra từ các khoáng chất tự nhiên nên gốm có cốt dầy, chắc và nặng, lớp men trắng thường ngả mầu ngà, hoa văn trang trí thường đắp nổi, khắc chìm hoặc vẽ lam. Bên cạnh đó, gốm Bát Tràng còn có các dòng men riêng như men xanh rêu, men nâu, men trắng, men rạn với cốt gốm xốp có màu xám nâu.

Đặc biệt, men rạn - một loại men độc đáo được tạo ra do sự chênh lệch về độ co giữa xương gốm và men khi hoả biến trong lò. Gố́m men rạn thường có sắc ngà vàng xám, các vết rạn chạy dọc và ngang chia thành nhiều hình tam giác, tứ giác làm cho đồ gốm có những nét khác biệt.

Bát Tràng còn được biết đến với những dòng gốm men rạn vẽ lam có minh văn ghi niên hiệu, được sử dụng chủ yếu trong cung đình thời Gia Long. Theo TS Nguyễn Đình Chiến, trong quá trình thu thập tư liệu về đồ gốm Việt Nam có minh văn, nhóm nghiên cứu đã phát hiện trên 13 tác phẩm gốm Bát Tràng thế kỷ 16 - 17 thuộc loại hình chân đèn và lư hương.

Hiện nay Bảo tàng Lịch sử quốc gia lưu giữ 7 chiếc chân đèn và lư hương, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lưu giữ 2 chiếc chân đèn, Bảo tàng Nam Định lưu giữ một bộ chân đèn và lư hương, 2 chiếc chân đèn lưu giữ trong sưu tập riêng của The Family Collection, USA và ở Australia.

Đã hơn 700 năm từ khi gốm Bát Tràng được ghi vào sử sách, đến nay dòng chảy của gốm cổ vẫn chưa hề phai nhạt mà thêm tụ những tinh hoa để sáng tạo thêm những sản phẩm mới. Hồn gốm vẫn đó, lò gốm vẫn nguyên, những hiện vật dài vài thế kỷ vẫn được lưu giữ để lại cho hậu thế niềm tự hào về văn hoá và sự khéo léo của cha ông thời xưa.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ