Lạm phát tăng cao tại nhiều nền kinh tế lớn
Ông Nguyễn Thành Trung, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, cho biết, nhiều ý kiến cho rằng, nền kinh tế đang phải đối mặt với áp lực về lạm phát có nguy cơ tăng cao. Do nhiều nguyên nhân tác động lớn đến sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội và đời sống của người dân.
Theo báo cáo của Chính phủ, với việc kiểm soát tốt dịch bệnh đã góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh giá cả hàng hóa trên thị trường quốc tế liên tục tăng. Áp lực lạm phát tăng cao tại nhiều nền kinh tế lớn.
Công tác điều hành chính sách tiền tệ như kiểm soát tăng trưởng tín dụng, lãi suất, tỷ giá được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với diễn biến của thị trường. Cùng với việc phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả với chính sách tài khóa đã đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tài chính quốc gia.
Tuy nhiên, theo phản ánh, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất, kinh doanh nhưng khó tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng. Phần lớn là do ngân hàng thương mại đã hết room tín dụng hoặc thiếu vốn cho vay. Bởi chưa thu hồi được các khoản tín dụng đến hạn, cũng như khó khăn trong việc huy động tiền gửi của khách hàng.
Đặc biệt, Chính phủ siết chặt điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp và Ngân hàng Nhà nước siết chặt điều kiện cho vay đối với một số lĩnh vực. Từ đó, nguy cơ thiếu vốn cho sản xuất, kinh doanh và mức độ khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ngày càng tăng cao.
Ở một diễn biến khác, thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh lãi suất điều hành, nới biên độ tỷ giá đồng USD khiến lãi suất huy động và cho vay của hầu hết các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng. Giá USD tại các ngân hàng thương mại được điều chỉnh tăng rất mạnh. Việc này sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn vốn của doanh nghiệp.
Còn nhiều thách thức đặt ra đối với kinh tế
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng kinh tế năm 2022 cũng đã đảm bảo được những cân đối lớn, ổn định được vĩ mô. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm và năm 2023 có rất nhiều thách thức đặt ra đối với kinh tế của Việt Nam.
Nêu giải pháp, ông Tuấn cho rằng, chúng ta cần giảm áp lực, tăng tỷ giá, tăng lãi suất trong thời gian tới. Đồng thời, tạo nguồn thu ngoại hối và giảm chi ngoại hối để giảm áp lực tăng tỷ giá và lãi suất.
Theo đó thì cần đưa các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản, công nghiệp chế biến, chế tạo đưa vào diện để hỗ trợ về tiếp cận tín dụng, miễn giảm, giãn thuế, đơn giản hóa các thủ tục cần thiết. Mục đích để khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu tập trung vào xuất khẩu để tăng thêm nguồn thu.
Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp nhập khẩu, khuyến khích các doanh nghiệp này đa dạng hóa thị trường nhập khẩu bằng cách sử dụng các ngoại tệ khác nhau. Đồng thời, tránh phụ thuộc quá nhiều vào ngoại tệ để chúng ta giảm áp lực lên tỷ giá.
Ông Trần Chí Cường, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND thành phố Đà Nẵng, cho biết, năm 2023, dự báo tình hình thế giới và trong nước tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Nhiều yếu tố rủi ro, bất định sẽ tạo ra nhiều hơn những khó khăn, thách thức trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Tuy nhiên, ông Cường cho rằng, về chỉ tiêu duy nhất không đạt được là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội. Trong khi, năng suất lao động xã hội có thể xem là yếu tố chủ chốt để đánh giá chất lượng của một mô hình kinh tế. Việc cải thiện năng suất lao động tuy được đặt vào trọng tâm của các chính sách dài hạn, kế hoạch 5 năm nhưng cũng cần có những quyết sách trong kế hoạch hàng năm.
Ông Trần Chí Cường đề nghị Chính phủ cần có những phân tích sâu hơn về nguyên nhân, hạn chế và xây dựng chiến lược tổng thể, kế hoạch hành động quyết liệt để đạt được các mục tiêu cho từng giai đoạn.