Doanh nghiệp khó tiếp cận ‘gói hỗ trợ lãi suất 2%’… vì e ngại!?

GD&TĐ - Nhiều doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn khi tiếp cận gói vay ưu đãi phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19.

Cần giải pháp cấp thiết giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận gói vay hỗ trợ 2%. (Ảnh minh họa)
Cần giải pháp cấp thiết giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận gói vay hỗ trợ 2%. (Ảnh minh họa)

Không dễ tiếp cận

Nghị định 31 của Chính phủ quy định về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có hiệu lực từ 20/5/2022.

Vốn hỗ trợ lãi suất lên tới 40.000 tỉ đồng, được kỳ vọng sẽ là nguồn hỗ trợ không nhỏ giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch.

Theo số liệu gần nhất của Ngân hàng Nhà nước, doanh số hỗ trợ lãi suất 2% đạt hơn 169.000 tỉ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt gần 57.000 tỉ đồng cho hơn 2.100 khách hàng, số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình đạt khoảng 781 tỉ đồng, tức mới đạt gần 2%.

Nguyên nhân khiến gói hỗ trợ này giải ngân chậm chủ yếu do tâm lý e ngại công tác thanh, kiểm tra, cân nhắc giữa lợi ích từ hỗ trợ lãi suất 2% và chi phí bỏ ra khi nhận hỗ trợ lãi suất như: Theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục thanh, kiểm tra, khó đánh giá về khả năng phục hồi trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều yếu tố rủi ro, bất định.

Theo ông Hoàng Tấn Chương, Giám đốc Công ty Goovy, nhiều doanh nghiệp đang khó tiếp cận gói vay hỗ trợ lãi suất 2% do không đủ điều kiện đáp ứng.

“Một trong những nguyên nhân không được giải ngân vì thiếu tài sản thế chấp, không có hóa đơn đỏ theo yêu cầu mà chỉ có hóa đơn bán lẻ, địa phương chưa có quy định về thu nhập thấp nên không biết căn cứ vào đâu để xác định… Không ít doanh nghiệp không muốn vay gói hỗ trợ do quy trình, thủ tục rắc rối, phức tạp từ đăng ký, phê duyệt, giải ngân, quyết toán…”, ông Chương nhìn nhận.

Việc tiếp cận nguồn vốn khó khăn, trong khi muốn phát triển hoặc mở rộng hoạt động thì phải dựa vào nguồn vốn tăng cường. Từ đó, doanh nghiệp mong muốn có được những cơ chế, chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp bứt phá.

Ông Lê Tùng Quang, Phó Giám đốc Công ty Vận tải du lịch Hiền Quang cho biết, doanh nghiệp đã từng kỳ vọng gói cho vay lãi suất ưu đãi 2% của Chính phủ. Thế nhưng, từ tháng 8/2022 đến nay, nguồn thông tin về gói hỗ trợ lãi suất này cứ xa dần. Doanh nghiệp mang hồ sơ đi hỏi, phía ngân hàng trả lời rất khó khăn vì có nhiều chính sách thắt chặt, không thể tiếp cận.

“Bản thân doanh nghiệp của tôi cũng biết về gói hỗ trợ này rất lâu rồi, nhưng khi hỏi các ngân hàng hiện tại đang có dư nợ, cảm thấy họ truyền đạt và xử lý tình huống này khá bị động. Khi nhận được câu trả lời của ngân hàng, tôi xác định tinh thần là thôi, đừng quan tâm đến gói này vì chắc chắn rất khó tiếp cận”, ông Quang cho biết.

Giải pháp kịp thời

Theo Ngân hàng Nhà nước, chương trình có nguồn tiền hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước nên các ngân hàng thương mại cần thận trọng, đảm bảo dòng tiền hỗ trợ được đến đúng đối tượng, đúng mục tiêu, an toàn và hiệu quả nhằm đảm bảo tính chính xác của dữ liệu trong công tác thanh, quyết toán, kiểm toán.

Chính khách hàng, nhất là các doanh nghiệp cũng có tâm lý e ngại do phải tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, gói hỗ trợ lãi suất 2% có lợi cho doanh nghiệp nhưng tiền hỗ trợ từ ngân sách nên mọi chứng từ, thủ tục phải chặt chẽ.

Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo các ngân hàng thương mại không được từ chối khách hàng đủ điều kiện, không gây thêm phiền hà cho khách hàng nhưng không hạ chuẩn cho vay, nên khách hàng muốn được hỗ trợ lãi suất phải đáp ứng đủ điều kiện, hồ sơ cho ngân hàng.

Các lĩnh vực, ngành nghề được hỗ trợ đã được cụ thể hóa trong các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, nhưng khi triển khai thì các ngân hàng lại gặp khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất trong một số trường hợp khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành.

Hiện nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng nhưng không có đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ.

Các ngân hàng vẫn còn tâm lý e ngại do một số chương trình hỗ trợ lãi suất trước đây vẫn chưa được quyết toán số tiền đã hỗ trợ.

Ông Đinh Hải Ninh, Tổng Giám đốc Công ty Hưng Phước chia sẻ, hiện nay các ngân hàng đã gần hết hạn mức tín dụng, cùng áp lực lạm phát lớn, có thể phải thắt chặt chính sách tiền tệ, vì vậy sẽ khó giải quyết được nguồn vốn, trong lúc doanh nghiệp đang rất cần vốn.

“Để chính sách thực sự là “phao cứu sinh”, cần cân nhắc nới các điều kiện cho vay để có thêm doanh nghiệp được hưởng gói hỗ trợ này.

Nếu doanh nghiệp nào có khả năng phục hồi thì được vay vốn. Có như vậy, chính sách mới kịp thời bám sát thực tiễn và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thực sự trong quá trình tổ chức thực hiện”, ông Ninh nhìn nhận.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), nền kinh tế hiện đang trong giai đoạn phục hồi tích cực, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp rất lớn để khôi phục lại các chuỗi cung ứng đã bị đứt gãy, tuyển dụng lao động mới, đào tạo lao động, sửa sang nhà xưởng, đổi mới máy móc thiết bị sản xuất…

Tuy nhiên, chi phí nguyên vật liệu, mặt bằng đều tăng khiến nhu cầu vốn là rất lớn, trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 97% và tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp này hiện nay rất khó.

Do đó, để doanh nghiệp tiếp cận được gói tín dụng tốt nhất, HUBA kiến nghị các ngân hàng thương mại có chính sách giúp các đơn vị vay vốn cũng như hỗ trợ triển khai nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.