Doanh nghiệp “đánh quả” đừng mơ làm ăn với Mỹ

Hoa Kỳ luôn coi trọng các doanh nghiệp tuân thủ luật pháp, coi trọng chữ tín, đó không phải là thị trường dành cho những doanh nghiệp làm ăn chụp giật, bóc ngắn cắn dài, doanh nghiệp có tư tưởng “đánh quả”.

Doanh nghiệp “đánh quả” đừng mơ làm ăn với Mỹ

Trao đổi với PV Infonet về cảm nhận xung quanh chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, cũng như cơ hội mở rộng thị trường rộng lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, Luật sư Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) - đã nói như vậy.

PV: Thưa ông, ông có cảm nhận như thế nào về chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Barack Obama?

LS. Trần Hữu Huỳnh: Trước tiên, chuyến thăm này của Tổng thống Obama thể hiện sự nối tiếp trong quan hệ chiến lược giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Tôi coi đó như một sự kiện quan trọng để phát triển hơn nữa mối quan hệ đối tác thực chất, hiệu quả và bền vững.

Nói về sự “hiệu quả” của mối quan hệ, thực tế mối quan hệ giữa hai bên đã thực sự hiệu quả trong một số lĩnh vực, chẳng hạn như lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ, kể cả lĩnh vực thu hút đầu tư FDI từ Hoa Kỳ tuy chưa tương xứng với tiềm năng nhưng cũng đang trong quá trình phát triển.

Quan hệ đối tác giữa hai nước không chỉ dừng lại ở quan hệ kinh tế, mà còn là sự hợp tác giao lưu giữa văn hóa, giáo dục, cũng như các lĩnh vực khác. Đặt mối quan hệ này trong xu thế của khu vực và toàn cầu hiện nay, có thể thấy đó là điều rất cần thiết cho cả hai bên.

Nói về “thực chất” trong mối quan hệ hai bên, có thể khẳng định mối quan hệ này đã đi vào thực chất khi hai bên ký Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ (BTA) vào năm 2001. Đó không chỉ đơn thuần là vấn đề thương mại, mà còn liên quan đến các vấn đề hỗ trợ cho thương mại phát triển, như vấn đề sở hữu trí tuệ, vấn đề xây dựng và quản trị quốc gia một cách minh bạch, vấn đề giải quyết tranh chấp....

15 năm trước chúng ta đã đặt những viên gạch như thế, giúp cho quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ tuy không đạt được tiến độ nhanh như mong muốn nhưng vẫn đạt được sự hiệu quả và thực chất hơn. Do vậy, chúng ta hy vọng mối quan hệ này sẽ bền vững bởi nó gắn với lợi ích của cả hai phía và đặt trong lợi ích tổng thể của khu vực ASEAN cùng những vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, quyền tự do hàng hải, pháp luật quốc tế. Khi đặt mối quan hệ đó trong mối quan hệ tổng thể như vậy, chúng ta thấy rằng nó không chỉ đơn thuần là quan hệ hai nước, và phải phát triển bền vững trong mối quan hệ đó.

Tóm lại suy nghĩ của tôi về mối quan hệ này có thể gói gọn trong 3 từ: Thực chất – Hiệu quả - Bền vững.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh. Ảnh: VIAC.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh. Ảnh: VIAC.

PV: Ông có lời khuyên gì cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có xu hướng xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ, sau khi quan hệ hai nước được nâng lên một tầm cao mới?

LS. Trần Hữu Huỳnh: Rõ ràng Hoa Kỳ là thị trường đặc biệt quan trọng đối với xuất khẩu của Việt Nam. Chúng ta đã xuất siêu liên tục sang thị trường này. Trong tương lai với TPP, khả năng khai thác thị trường sẽ càng được rộng mở, mức độ tăng trưởng xuất khẩu sẽ còn tăng nhanh hơn nữa. Hoa Kỳ là một quốc gia có sức mua lớn, có sự đa dạng về nhu cầu, do vậy à ngoài những mặt hàng truyền thống như dệt may, da giày, hàng điện tử, thủy sản… các mặt hàng mới cũng sẽ có cơ hội.

Trong quan hệ thương mại với Hoa Kỳ, chúng ta có lợi thế hơn các quốc gia khác, đặc biệt là những quốc gia có hàng hóa xuất khẩu giống với Việt Nam. Bởi vì chúng ta có TPP nên có ưu đãi về thuế quan với mức độ giảm thuế mạnh mẽ, toàn diện.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần phải lưu ý, nhất là về quản lý chất lượng ở Việt Nam, cần phải làm tốt hơn nữa để đảm bảo sự an toàn và vượt qua những rào cản kỹ thuật của thị trường này. Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đặt sản xuất và xuất khẩu trong một chuỗi giá trị để nó được bền vững hơn.

Khả năng mở cửa thị trường đã rộng mở, nhưng liệu các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ có tận dụng cơ hội để phát triển hay không, hay lại một cơ hội nữa chúng ta để tuột mất. Nếu không có sự chuẩn bị, doanh nghiệp rất dễ để tuột mất cơ hội.

Các bộ ngành, Chính phủ cần rà soát lại, cái gì kìm chế sản xuất thì phải tháo gỡ, cái gì sản xuất được ở quy mô lớn với giá cả cạnh tranh thì nên khuyến khích và phải tìm mọi cách để làm được, trong đó có cả những vấn đề lớn như tích tụ đất đai, những vấn đề về sản xuất quy mô lớn, vấn đề quản trị doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp, vấn đề cải cách thủ tục hành chính cũng như hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp để họ có thể sản xuất quy mô lớn... Với thị trường lớn như Hoa Kỳ, nếu doanh nghiệp làm nhỏ lẻ sẽ không cạnh tranh được.

Bất kỳ thuận lợi nào cũng có những thách thức, trong đó có những thách thức về rào cản mà WTO dựng lên, rồi vấn đề về các biện pháp phòng vệ thương mại, chống bán phá giá… cũng cần phải cố gắng để tránh rủi ro.

PV: Nhắc đến câu chuyện chống bán phá giá và các biện pháp phòng vệ thương mại, ông có cho rằng khi quan hệ thương mại hai nước càng phát triển, những vụ việc liên quan, rào cản thương mại giữa hai bên càng nhiều?

LS. Trần Hữu Huỳnh: Gần như đó là hiện tượng phổ biến mà chúng ta thường gặp. Không riêng gì TPP mà ngay cả WTO đã đặt ra vấn đề này. Đó là một phần cuộc chơi mà chúng ta phải chấp nhận.

Tuy nhiên các doanh nghiệp của chúng ta đã có kinh nghiệm nên có thể giảm thiểu rủi ro và chủ động phòng tránh. Về phía nhà nước, cần cố gắng hoàn thiện hóa nền kinh tế theo hướng thị trường, phấn đấu để đến năm 2018 Việt Nam được Hoa Kỳ công nhận là quốc gia có nền kinh tế thị trường, từ đó không bị áp đặt vô lý, không đúng với bản chất của vấn đề đối với hàng hóa của Việt Nam.

PV: Trong quá trình giải quyết các tranh chấp thương mại, VIAC có thường xuyên nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp thương mại liên quan đến doanh nghiệp giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ hay không, thưa ông?

LS. Trần Hữu Huỳnh: VIAC đã giải quyết nhiều tranh chấp, trong đó có cả tranh chấp giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ với một tỷ lệ không phải là cao lắm. Nhưng điều này cũng cho chúng ta thấy được bài học kinh nghiệm, để doanh nghiệp của chúng ta làm ăn cho nghiêm chỉnh, đặc biệt là phải giao hàng đúng với quy định ghi trong hợp đồng về chất lượng, số lượng, và thời hạn của hàng giao. Chúng ta cứ nói pháp luật của Hoa Kỳ khó khăn phức tạp, nhưng thực chất pháp luật của nước nào cũng thế thôi, đều là ủng hộ tuyệt đối những doanh nghiệp làm ăn chân chính, đúng luật.

Bài học thứ hai là Hoa Kỳ coi trọng các doanh nghiệp tuân thủ luật pháp, coi trọng chữ tín, đó không phải là thị trường dành cho những doanh nghiệp làm ăn chụp giật, bóc ngắn cắn dài, doanh nghiệp có tư tưởng “đánh quả”.

PV: Xin cảm ơn ông.

Theo infonet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các xạ thủ phòng không Ukraine thuộc Lữ đoàn cơ giới 93.

Tham nhũng khiến binh sĩ vỡ trận?

GD&TĐ - Theo chuyên gia Vadim Kozyulin, nạn tham nhũng đang đẩy nhanh cuộc rút lui của quân đội Ukraine hơn là tình trạng thiếu vũ khí hiện nay.