Để quyết tâm theo đuổi con đường đó, anh đã đặt cái tên tiếng Anh cho mình là “Dream Chaser” - Người theo đuổi ước mơ…
Dấu hiệu tích cực từ Heerenveen
Giải vô địch quốc gia Hà Lan (Eredivisie) mùa bóng 2019 - 2020 kết thúc sớm và lần đầu tiên trong lịch sử không có nhà vô địch, quyết định được đưa ra sau cuộc họp trực tuyến giữa LĐBĐ nước này và đại diện các đội bóng.
Như vậy, tham vọng giành quyền dự cúp châu Âu của Heerenveen tan vỡ, đồng thời kéo theo những khó khăn về tài chính, nhân sự. BLĐ Heerenveen sẽ phải cân nhắc từng hợp đồng nhằm bảo đảm lực lượng cho mùa bóng mới cũng như cân bằng thu chi trong tình thế khó khăn vì đại dịch Covid-19.
Văn Hậu có thể là một trường hợp khiến đội bóng Hà Lan rơi vào tình thế khó xử. Hợp đồng cho mượn tuyển thủ Việt Nam từ CLB Hà Nội sẽ đáo hạn vào cuối tháng 6/2020.
Theo những diễn biến mới nhất, từ truyền thông và các trang định giá chuyển nhượng, Heerenveen sẽ phải bỏ ra 1,5 triệu USD (khoảng 40 tỷ đồng) nếu muốn mua đứt Văn Hậu. Trong trường hợp, nếu 2 bên tiếp tục gia hạn hợp đồng cho mượn, đội bóng Hà Lan sẽ chi trả CLB Hà Nội số tiền khoảng 200.000 - 300.000 euro (khoảng 5 đến gần 8 tỷ đồng).
Trước đó, vào tháng 9/2019, quyết định chuyển tới thi đấu cho Heerenveen, Văn Hậu không chỉ phá kỷ lục về giá trị chuyển nhượng cho 1 cầu thủ Việt Nam khi ra nước ngoài, mà còn trở thành cầu thủ Việt Nam hưởng lương cao nhất từ trước đến nay.
Mức lương của Văn Hậu tại Heerenveen không được tiết lộ, song theo quy định với các cầu thủ ngoài khối EU, áp dụng cho những người trên 19 tuổi thi đấu tại Eredivisie, mỗi cầu thủ sẽ nhận được lương tối thiểu 500.000 USD/năm và nhiều khoản chi phí khác cho ăn ở, đi lại…
Theo lộ trình, nếu muốn gia hạn hợp đồng với Văn Hậu, đội bóng Hà Lan sẽ gửi thư thương thảo đến CLB Hà Nội. Thư đàm phán chính là bước đi quan trọng đầu tiên, quyết định phần nào tương lai của hậu vệ sinh năm 1999.
Nếu không chấp nhận cho Hậu ở lại, đội bóng Hà Nội sẽ có thư hồi âm nói rõ muốn Hậu trở về thi đấu tại V-League. Nhưng nếu như CLB Hà Nội giữ đúng tuyên bố với báo chí là sẽ đồng ý cho Hậu tiếp tục ở lại châu Âu, hai bên sẽ chính thức đàm phán qua email hoặc điện thoại về những vấn đề liên quan như các điều khoản trong hợp đồng cũng như phương thức tài chính…
Trong các cuộc tiếp xúc sơ bộ vào cuối năm ngoái, khả năng Văn Hậu trở lại Việt Nam là rất lớn, lúc này vai trò của anh ở đội bóng Hà Lan khá mờ nhạt. Nhưng gần đây, lãnh đạo và HLV trưởng Heerenveen đã trao đổi trực tiếp với Văn Hậu.
Mặc dù không tiết lộ chi tiết nội dung các buổi làm việc, song Heerenveen có ý định giữ chân Văn Hậu, cầu thủ họ đánh giá rất cao về thái độ chuyên nghiệp và quyết tâm trong tập luyện. Vướng mắc lớn nhất có lẽ nằm ở khâu tài chính. Heerenveen rất muốn giảm chi phí cho phi vụ Văn Hậu xuống mức thấp nhất, kể cả khả năng mua đứt hay hợp đồng cho mượn. Thế nên, việc Văn Hậu có ở lại Hà Lan được hay không sẽ phụ thuộc vào cả Heerenveen và CLB Hà Nội.
Không ngừng tiến bộ
Sau những gì diễn ra với Văn Hậu từ tháng 9/2019 tại Heerenveen, “cạnh tranh vị trí” là điều gì đó có thể thực sự xa xỉ với cầu thủ ngôi sao của bóng đá Việt Nam.
Thống kê cho thấy, cầu thủ mà Heerenveen mượn từ Hà Nội chưa có một phút nào thi đấu tại Eredivisie. Văn Hậu chỉ có 4 phút cuối ở một trận đấu tại Cup Quốc gia Hà Lan khi thế trận đã an bài, trong khi mặt trận anh tham gia thường xuyên nhất là giải đấu dành cho cầu thủ trẻ, hoặc dự bị.
Do vậy từ hy vọng, chờ đợi trong khắc khoải, Văn Hậu trở thành những dấu hỏi nghi vấn về một thương vụ liên quan tới thương mại chứ chuyên môn không được đặt ở trung tâm.
Và vẫn duy trì thói quen cũ, giới truyền thông và cộng đồng mạng Việt Nam nhiều lần “nhìn vào khía cạnh bi quan” khi nói về chuyện tương lai của Văn Hậu. Kéo theo đó là những quan điểm, góc nhìn như “phải chăng đây là nước cờ sai?”, “Văn Hậu nên trở về?” và xa hơn nữa, “ra nước ngoài chơi bóng vẫn là giấc mơ khó với của bóng đá Việt Nam?”...
Đã có nhiều lời kêu gọi Văn Hậu trở về Việt Nam, tránh rơi vào tình trạng thui chột tài năng, trong khi đội bóng Hà Nội được cho là sẵn sàng đưa cầu thủ con cưng trở về, đồng nghĩa anh sẵn sàng phục vụ đội tuyển quốc gia, kể cả những giải đấu không thuộc hệ thống thi đấu của FIFA.
Tuy nhiên, quan điểm kêu gọi “đưa Văn Hậu trở về” có lẽ xuất phát từ tâm lý yếm thế và phần nào cảm tính. CLB Hà Nội bị cấm thi đấu ở AFC Cup 2020, do thiếu đội U15 dự giải quốc gia năm 2019. Sân chơi vô địch các CLB Đông Nam Á cũng hoãn vì Covid-19. Đội bóng Thủ đô vì vậy chỉ đá giải quốc nội là V-League và Cup Quốc gia.
Ngoài ra, nếu Hà Nội đưa Văn Hậu về, anh sẽ phải ngồi ngoài hết giai đoạn lượt đi V-League 2020, do thời hạn đăng ký trước mùa giải đã kết thúc. Vậy trở về Hà Nội, Văn Hậu có học hỏi thêm được gì khi xung quanh là các đồng đội và đối thủ không quá mạnh? Nó chỉ chứng tỏ sự vượt trội của Văn Hậu nhưng lại khó đưa anh vượt qua giới hạn của mình.
Nhiều ý kiến cho rằng, Văn Hậu chưa được đá phút nào cho đội 1 sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát triển của anh, đến đội tuyển Việt Nam, nhưng đó có lẽ là nhận định xuất phát từ việc không được chứng kiến anh chơi bóng ở Hà Lan.
Với nhiều người hiểu và biết chất lượng của bóng đá châu Âu ở mức nào, Eredivisie hẳn nhiên nằm trong Top 10 giải VĐQG hàng đầu. Sau gần 9 tháng, Văn Hậu đã tự mình nhìn nhận được những điều bổ ích cho bản thân để nói về nguyện vọng tiếp tục ở lại châu Âu, Hà Lan hoặc một quốc gia khác.
Cứ nhìn Văn Hậu mảnh khảnh, gày gò hơn 1 năm trước với một Văn Hậu vạm vỡ và tốc độ bây giờ phần nào thấy rõ hơn cái được của anh trên đất châu Âu. Chính thay đổi mạnh mẽ về chuyên môn của một cầu thủ 21 tuổi, được ăn tập ở môi trường bóng đá hàng đầu châu Âu, đã mang về một Văn Hậu tỏa sáng rực rỡ ở SEA Games 30.
Hai bàn thắng vào lưới Indonesia trong trận chung kết và rất nhiều tình huống xử lý cho thấy khả năng của anh vượt lên trên tầm khu vực Đông Nam Á. Trong màu áo đội tuyển quốc gia, Văn Hậu lên công về thủ, thi đấu ổn định, đa năng, góp phần vào thành tích đứng đầu bảng G vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á.
Việc nhận định Văn Hậu nên về để tập luyện và thi đấu cho Hà Nội là để hướng đến phong độ của anh tại AFF Cup – giải đấu mà Việt Nam đang là ĐKVĐ, cũng như giai đoạn vòng loại World Cup 2022.
Điều đó đúng, nhưng chỉ là câu chuyện ngắn hạn. Với sự nghiệp của Văn Hậu thì sao? Với xu thế, với mong muốn, với kế hoạch của bóng đá Việt Nam về việc “càng nhiều cầu thủ ra nước ngoài thi đấu càng tốt” thì sẽ thế nào?
Chúng ta thường nhìn nhận việc cầu thủ của mình không được ra sân ở nước ngoài là một thất bại chứ không đặt vào bối cảnh những gì họ học hỏi được ở môi trường chuyên nghiệp hơn bóng đá Việt Nam nhiều lần. Bóng đá Việt Nam cần nhiều cầu thủ như thế, nhiều tập thể như thế.
Trong tay đội bóng Hà Nội
Trong dịp sinh nhật bước sang tuổi 21, ngày 19/4 vừa qua, Văn Hậu chia sẻ: “Tôi chưa được ra sân đá tại giải Hà Lan và tôi muốn mình được ở lại đây để cạnh tranh vị trí chính thức. Tôi chưa bao giờ từ bỏ ước mơ được đá bóng tại châu Âu. Những trận đấu tại giải trẻ Hà Lan giúp tôi hiểu hơn về bóng đá hiện đại. Những gì còn thiếu sót về chuyên môn, tôi đã được chỉ bảo rất nhiều. Tôi cũng đã cải thiện được điểm yếu của mình. Thực lòng, tôi chưa muốn về Việt Nam ngay lúc này. Tôi muốn tiếp tục được “chiến đấu”. Tôi rất hy vọng CLB Heerenveen sẽ giữ tôi ở lại. Tôi muốn cống hiến cho đội bóng này”.
Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thể thao Hà Nội - T&T, ông Võ Lê Trung cho biết, dù Văn Hậu chỉ được thi đấu tại giải trẻ của Hà Lan, nhưng nếu so với mặt bằng chung tại khu vực Đông Nam Á, đây cũng là giải đấu có tính chuyên môn cao. Việc được ra sân thường xuyên tại đội hình chính ở đây đã khẳng định được đẳng cấp và khả năng của Hậu, điều chưa cầu thủ Việt Nam nào làm được trước đây.
“Văn Hậu là cầu thủ mà CLB Hà Nội cảm thấy phù hợp với môi trường bóng đá châu Âu từ sức mạnh, thể hình và tư duy chơi bóng. Việc được tập luyện cùng các cầu thủ đẳng cấp tại Hà Lan, cũng như sinh hoạt với chế độ dinh dưỡng bài bản chuyên nghiệp đã giúp cho Hậu có những tiến bộ vượt bậc. Điều này không chỉ giúp cho Hậu, mà còn là cho bóng đá Việt Nam”, ông Trung cho biết.
CLB Hà Nội ngay từ đầu đã tạo điều kiện tối đa cho Hậu được cọ xát tại môi trường bóng đá đỉnh cao như ở châu Âu. Đội bóng không xác định vì mục tiêu kinh tế. Ngược lại, CLB Hà Nội đã phải bỏ tiền để Hậu được về đá SEA Games 30 và vào lúc này, đội bóng Thủ đô mong muốn Hậu được tiếp tục thi đấu tại Hà Lan.
Quan điểm của CLB Hà Nội có thể sẽ “tiếp sức” cho Heerenveen, đội bóng đã gửi gắm thông điệp giảm chi phí cho hợp đồng với Văn Hậu, kể cả mua đứt hay tiếp tục mượn. Thậm chí, trong khả năng xấu, Heerenveen tất toán hợp đồng cho mượn với Văn Hậu, hơn lúc nào hết CLB Hà Nội cần tiếp tục trở thành cầu nối đưa “Người theo đuổi ước mơ” đến với đội bóng khác ở châu Âu.
Sinh năm 1999, Văn Hậu mới 21 tuổi và vẫn đủ tuổi dự SEA Games 2021 tại Hà Nội. Anh là một trong những thành viên cuối cùng của thế hệ vô địch 2019 còn góp mặt và gần như chắc chắn sẽ mang băng đội trưởng. Trách nhiệm và kỳ vọng dành cho Văn Hậu sẽ cực lớn bởi đây là giải đấu mà thầy trò HLV Park Hang Seo vừa phải bảo vệ tấm HCV, vừa phải chơi bóng trên sân nhà lần đầu tiên sau 18 năm. Tại VCK U23 châu Á 2020, nhiều chuyên gia cho rằng một trong những lý do dẫn tới thất bại của đội tuyển U23 Việt Nam nằm ở việc thiếu vắng Văn Hậu. Ngoài ra, Hậu cũng là cầu thủ Việt Nam duy nhất trong thế hệ Thường Châu đủ tuổi dự thêm một VCK U23 châu Á nếu U23 Việt Nam vượt qua vòng loại.