“Dỗ” trên gai mít

GD&TĐ - Học sinh chăm ngoan, học giỏi hoặc đạt những thành tích xuất sắc đều được thưởng nên cũng cần áp dụng hình thức “phạt” cho những em vi phạm các quy định của trường, của lớp. 

“Dỗ” trên gai mít

Về chuyện thưởng thì hầu như trường nào cũng thực hiện, còn phạt thì mỗi nơi một kiểu. Vậy phạt như thế nào đối với học sinh “cá biệt” để người ra quyết định xử phạt không bị phụ huynh phản đối, không bị cơ quan chủ quản là nhà trường hoặc phòng GD&ĐT hay sở GD&ĐT “kỷ luật”, đặc biệt là học sinh không oán trách, mà còn sửa chữa khuyết điểm? Xin được lấy vụ việc vừa mới xảy ra tại một trường THCS tại Thường Tín để “mổ xẻ”.

Theo phản ánh của cô Lê Thị Quy, giáo viên Trường THCS Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội, việc cô bắt học sinh phải quỳ trước lớp xảy ra từ tháng 1/2019 nhưng mới đây mới được phát tán trên mạng. Hình ảnh ấy là do một bạn trong lớp ghi lại nhưng giờ mới tung lên mạng vì… không được xét tốt nghiệp (?). Nhìn thấy cảnh một học sinh lớp 9 bị quỳ trước lớp như thế, nhiều “nhà đạo đức” phản đối rần rần, cho đó là phi giáo dục, xúc phạm nhân phẩm học trò, là “khủng bố tinh thần”, là mạ lỵ học sinh… Trước áp lực của dư luận, cơ quan chủ quản buộc cô Quy phải “nghỉ dạy một tuần” để làm giải trình.

Trong khi đó, dư luận ở chiều ngược lại thì rất ủng hộ cho hình phạt này sau khi nghe cô Quy nói rằng, cô bắt học sinh quỳ trước lớp là do phụ huynh đề nghị và đã có sự thống nhất chứ không tự ý làm; rằng trong lớp có nhóm 5 học sinh cá biệt, luôn quậy phá, không chịu học, không chịu nghe lời giáo viên, tỏ ra thách thức, bất cần…

Bên ủng hộ trưng ra nhiều “bài học” lấy từ bản thân mình lúc còn học sinh để chứng minh cho việc “nên phạt”. “Bị phạt rất nặng, thậm chí qùy trên gai mít, bị đánh đòn lằn ngang lằn dọc ở mông nhưng bây giờ nghĩ lại rất cảm ơn hình phạt ấy vì mình đã nên người từ sự nghiêm khắc của những người thầy” - nhiều người chia sẻ với cô giáo Quy bằng những mẩu chuyện như thế. Những người này cũng phản đối hình thức kỷ luật dành cho cô Quy vì theo họ, làm như thế là vô tình dung dưỡng cho cái xấu…

Thực ra thì ở tuổi học sinh, rất hiếm em không bị thầy cô phạt. Cổ nhân chẳng đã đúc kết “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” là gì. Nhưng phạt học trò cũng năm bảy cách, mỗi thầy cô có cách phạt riêng dành cho những học sinh không biết vâng lời. Tuy nhiên, dù là phạt bằng véo tai, quật thước kẻ vào tay hay bắt quỳ trên gai mít thì nhất thiết, hình phạt ấy không được xuất phát từ sự “phạt cho bõ tức”, hoặc phạt cho “đáng kiếp” mà phải xem đó là sự răn đe cần thiết để các em “ngoan lên”.

Không hiếm thầy cô giáo quát mắng học trò không thuộc bài ngay trong lớp học là “sao mày ngu vậy?”, hoặc “để đứa khác dốt với chứ sao dành cả phần dốt của bạn vậy?”. Thầy mà nói như thế là để “xả” sự tức giận, là trút căm ghét lên sự bất lực mà nạn nhân lại là những đứa học trò của mình.

Dù không bắt quỳ lên gai mít hoặc đánh đòn nhưng nhục mạ học sinh về sự kém cỏi của chúng trước mặt bạn bè như thế thì đó là hình phạt đáng lên án nhất. Vì sao những phụ huynh bị thầy phạt quỳ gai mít, 40 - 50 năm rồi vẫn “cảm ơn” thầy? Vì thầy không “phạt cho bõ tức”, phạt vì “tao ghét mày”. Thế thôi. Hơn ai hết, học sinh sẽ cảm nhận rõ nhất về hình phạt mà người thầy dành cho mình là xuất phát từ động cơ gì.

Trong tiếng Việt có từ “dạy dỗ”. Vì vậy, người thầy không chỉ dạy học sinh về kiến thức, về nhân cách mà còn “dỗ dành” các em nữa, dù là “dỗ” bằng hình phạt quỳ trên gai mít.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...