Đổ rác ở đâu?

GD&TĐ - Trả lời cho câu hỏi này không khó, nhưng để thực hiện được việc đổ rác mà khỏi bị chê trách, thậm chí khỏi bị “ném đá” tơi bời trên mạng xã hội là việc không dễ.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Câu chuyện đang nóng trong dư luận mấy hôm nay là 3 nhân viên ở một quán cà phê tên là Heaven (tiếng Anh có nghĩa là “Thiên đường”) ở Vũng Tàu, đã công khai vác những bao rác thật to ném xuống biển, “nhờ” sóng cuốn đi! “Xui xẻo” cho họ khi một người dân đi du lịch ở Vũng Tàu đã ghi lại cảnh xấu xí này và đẩy lên mạng xã hội.

Nói số nhân viên này vứt rác xuống biển một cách công khai là bởi, hành vi ấy diễn ra lúc 11 giờ trưa, tức là lúc “trời quang mây tạnh” chứ không phải đêm hôm gì mà lén lút. Nó cũng chứng tỏ một điều rằng, quán “Thiên đường” này xem biển như bãi rác của họ lâu nay.

Thực ra chuyện vứt rác xuống sông, xuống biển, thậm chí ở ven các con đường ngoại ô ở nhiều thành phố không phải là hiếm. Đi dọc nhiều tuyến đường ở cửa ngõ dẫn vào các thành phố vào ban đêm, sẽ dễ dàng chứng kiến cảnh có những người đi “xe tay ga hàng hiệu” chở theo bao rác. Họ liếc ngang liếc dọc không thấy ai là “trút bom” thật nhanh bao rác ấy xuống ven đường rồi tăng ga chạy mất.

Chắc mọi người còn nhớ cảnh vứt rác vào mùa lũ năm 2019 vừa rồi trên cầu sông Vệ (Quảng Ngãi) mà VTV đã đưa trong một chương trình thời sự. Lợi dụng lúc nước lũ ào ạt đổ về xuôi, người dân ở hai đầu cầu đã “tranh thủ” ra nơi mặt cầu và lùa hàng tấn rác mà họ tập kết trong năm trên cầu xuống sông, nhờ nước lũ cuốn đi.

Mặt cầu cũ của cầu sông Vệ có thể “sạch” sau việc làm này, song vô tình, hàng tấn rác ấy đã được “phân bổ” cho nhiều gia đình ở cuối dòng sông. Còn nếu rác ấy ra biển thì sự bao la của đại dương chắc chắn đã “hẹp” lại một chút. Những con cá con tôm ở biển bị teo tóp lại một ít vì số rác này đã làm tổn thương đến ngôi nhà của chúng.

Gần như bây giờ ở thành phố nào, khu dân cư đông đúc nào cũng có người của công ty vệ sinh đến gom rác hàng ngày. Tùy theo điều kiện kinh tế của khu dân cư đó và số lượng rác thải ra mỗi ngày mà các công ty môi trường sẽ ra mức giá hàng tháng và mức giá này cũng phải được sự đồng ý của hội đồng nhân dân.

Người đi gom rác đã “gõ cửa” từng nhà thông qua kẻng thu gom rác thì không lý do gì để vứt rác ra đường hoặc xuống biển như đã nói trên. Chỉ có một lý do duy nhất là sợ tốn kém vài chục nghìn đồng mỗi tháng mà làm cái việc thiếu ý thức này. 

Không biết tự bao giờ, suy nghĩ “miễn sao sạch nhà mình” đã ăn vào căn cốt nhiều người. Có người đi xe ô tô “hàng hiệu” hẳn hoi nhưng vẫn thường “hạ kính” cửa sổ xuống để tống rác từ trong xe ra đường một cách ngon ơ; lại cũng có những người bỏ ra hàng triệu đồng để mua tôm, ghẹ về nhậu nhưng cũng sẵn sàng tống khứ số vỏ tôm, cua ấy ra đường chỉ vì không đăng ký với đội thu gom rác, sợ tốn vài chục nghìn đồng!

Kêu gọi mọi người cần ý thức khi vứt rác ra đường bây giờ có lẽ là điều còn quá xa vời. Cần phải có chế tài phạt thật nặng về hành vi đụng đâu vứt rác đó thì mới mong có một môi trường sạch sẽ mà thôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ