Đường lên tượng đài Thánh Gióng lối đi bộ vứt rác bừa bãi

Rác vứt dọc lối đi bộ
Rác vứt dọc lối đi bộ

Xả rác bừa bãi

Quần thể di tích Đền Sóc được xếp hạng Di tích Quốc gia vào năm 1962. Cách đây 9 năm, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch khu vực Đền Sóc – Chùa Non Nước là khu du lịch văn hóa, với tổng diện tích gần 250 ha, gồm 4 khu chức năng: Dịch vụ công cộng, du lịch văn hoá sinh thái, khu dịch vụ có chợ, siêu thị, bãi đỗ xe, khu vực bảo tồn.

Ngoài việc vãn cảnh các chùa và đền khu vực dưới chân núi Vệ Linh thì du khách thường lên tượng đài Thánh Gióng phía đỉnh núi.

Cô Tô Thị Trọng hơn 10 năm nhặt rác tại Đền Sóc
Cô Tô Thị Trọng hơn 10 năm nhặt rác tại Đền Sóc 

Điều đáng nói là nếu như khu vực chân núi, các khu dịch vụ và tâm linh có thùng đựng rác công cộng, được quét dọn sạch đẹp thì dọc hai bên đường leo bộ lên tượng Phù Đổng Thiên Vương, rác vứt khắp nơi, rất mất vệ sinh. Nào là vỏ gói bim bim, chai nhựa đựng nước khoáng, vỏ hộp bánh, kẹo, sữa chua, túi nilon có mặt dọc hai lối leo bộ.

Thậm chí nhiều rác thải để lâu bốc mùi xú uế. Khi hỏi rác thải của các hàng quán ven đường lên núi xử lý như thế nào, một chị chủ quán chia sẻ: “Chúng tôi cứ dồn thành đống, khi nào nhiều sẽ đốt bỏ”.

Rác thải vứt bỏ nơi nền đất bỏ hoang
Rác thải vứt bỏ nơi nền đất bỏ hoang 

Cô Tô Thị Trọng, người thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết: “Tôi năm nay 60 tuổi rồi, không có chồng con nên sống một mình. Có 10 thước ruộng, làm nông không đủ ăn, tôi đi nhặt rác.

Tính đến nay, tôi đã có 10 năm gắn bó với nghề nhặt rác kiếm sống ở quanh khu vực Đền Sóc. Một ngày cũng chỉ được một chuyến. Hôm nào nhặt được nhiều thì bán được 20.000 đồng, hôm ít thì được vài nghìn. Thế nhưng, cả năm đi nhặt rác bán, tích cóp cũng chỉ để dành được từ 300 – 400 nghìn đồng.

Đều đặn, 5 giờ sáng thứ 7, chủ nhật tôi đã ra khỏi nhà, leo bộ lên tượng đài Tháng Gióng để tìm nhặt rác thải. Tầm 12 giờ trưa sẽ bắt đầu hành trình từ trên đỉnh núi quay xuống chân núi. Vậy mà phải tối mịt mới về đến nhà”.

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường

Để giữ gìn cảnh quan khu du lịch này, rất cần có sự quan tâm và đầu tư, đặc biệt là ý thức của người dân. Theo cô Thu Hoàn, ở 340 Phạm Văn Đồng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội): “Điều ngạc nhiên là tôi không thấy có thùng đựng rác công cộng. Chính vì thế, người dân vứt rác dọc lối đi. Ban quản lý khu du lịch này cần bố trí thùng đựng rác hai bên đường để du khách vứt rác đúng nơi quy định. Hơn nữa, bản thâm du khách thập phương cần có ý thức bảo vệ môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định”.

Rác ở khu du lịc Đền Sóc cần được thu gom và xử lý
Rác ở khu du lịc Đền Sóc cần được thu gom và xử lý 

“Công việc dọn dẹp vệ sinh, xử lý rác thải của du khách không thường xuyên, chủ yếu dựa vào đội thanh niên tình nguyện. Tùy theo thời điểm du khách nhiều hay ít mà họ bố trí lực lượng thu gom và xử lý rác. Như vào dịp chính hội, khách đến tham quan đông, thì cuối tuần đội thanh niên tình nguyện sẽ có mặt. Nhưng khi hết hội, khoảng sau rằm tháng giêng trở đi, khoảng 1-2 tháng họ mới dọn dẹp vệ sinh môi trường một lần. Còn các quán hàng bán quanh khu vực, tự gom rác thải, đến khi nhiều thì đốt bỏ. Rác thải nào là chai nhựa, vỏ lon nước ngọt, bia, có thể tái chế thì tôi thu gom, xin hoặc mua lại”, cô Trọng cho biết.

Với một khoảng cách địa lý vài chục cây số, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, vừa là điểm du lịch tâm linh, du khách có thể leo lên tượng Gióng để trải nghiệm sức khỏe của mình. Vì vậy, nếu được đầu tư thỏa đáng, Đền Sóc – Chùa Non Nước sẽ là một trong số những diểm đến hấp dẫn, rất cần người dân có ý thức bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ