Dở khóc dở cười dạy trẻ làm người lớn

Dở khóc dở cười dạy trẻ làm người lớn

(GD&TĐ) - Lâu nay nhiều bậc phụ huynh vẫn ngại đề cập, giáo dục con cái ở lứa tuổi “teen” những vấn đề về giới tính và nghiễm nhiên coi đây thuộc trách nhiệm của nhà trường. Trong khi đó tại trường học, công tác giáo dục giới tính vì nhiều lý do chủ quan và khách quan cũng tồn tại những khoảng trống chưa thể lấp đầy. Giáo dục giới tính chưa được quan tâm đúng mức đã dẫn tới nhiều câu chuyện “dở khóc dở cười” cùng hậu quả khôn lường khi trẻ “học đòi làm người lớn”. Lứa tuổi “teen” vẫn đang thiếu những bờ vai để chia sẻ và “gánh vác” áp lực của lối sống hiện đại khi bước vào cuộc sống. 

Gia đình vẫn thiếu “bờ vai” giúp đỡ chia sẻ

Trách nhiệm chính trong việc giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên phải thuộc về gia đình và nhà trường. Tuy nhiên hiện nay vấn đề tế nhị này vẫn bị nhìn nhận một cách thờ ơ, không thấy được ý nghĩ, tầm quan trọng. 

Tại gia đình, nhiều ông bố bà mẹ vẫn tỏ ra lúng túng, ngại ngùng khi phải trả lời con cái những câu hỏi xung quanh vấn đề giới tính như: Con sinh ra ở đâu? Vì sao phải cả bố lẫn mẹ mới đẻ được ra con? Rụng trứng là gì? Tinh trùng là gì? Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh còn tỏ ra cáu gắt, mắng mỏ con cái vì sự tò mò này. Trong khi nhiều bậc phụ huynh cho rằng vấn đề giới tính là vấn đề cấm kị, không nên nói công khai dù ở bất cứ nơi đâu. Trong khi đó, nhiều bác sĩ, nhà giáo, nhà tư vấn tâm lý lại khẳng định sự cần thiết phải cung cấp cho cả nam và nữa lứa tuổi vị thành niên biết kiến thức về sức khỏe sinh sản để tự bảo vệ mình. Và gia đình, mà cụ thể là cha mẹ là những người có thể giáo dục truyền tải những kiến thức về giới tính hiệu quả nhất. 

Dở khóc dở cười dạy trẻ làm người lớn ảnh 1
Tuổi “teen” cần được quan tâm tư vấn trong lĩnh vực giới tính

Một thực tế khác, các gia đình ở thành phố bên cạnh việc coi nhẹ vấn đề giáo dục giới tính lại ít có thời gian quan sát, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của con cái ở lứa tuổi dậy thì để giải đáp, giáo dục, hướng dẫn trẻ. Còn tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa việc giáo dục giới tính từ gia đình càng bất khả thi bởi trình độ hiểu biết của bậc cha mẹ không nhiều. Cách truyền đạt vấn đề cũng không đủ khéo léo, kỹ năng, sự tự tin để đạt tới hiệu quả. Cũng chính vì vấn đề giáo dục giới tính tại gia đình chưa đạt hiệu quả mà một số lượng lớn trẻ em bước vào tuổi vị thành niên vẫn còn ngây thơ trước các vấn đề giới tính. Các em chỉ dám hỏi, dám nói với mẹ về chuyện riêng của mình khi đã xảy ra “hậu quả”, “tai nạn”. Vấn đề giáo dục giới tính cho trẻ ở độ tuổi vị thành niên ngay từ gia đình là vô cùng cần thiết và hiệu quả lớn song đến nay đa phần phụ huynh vẫn “né” và mặc nhiên coi vấn đề tế nhị này nhà trường phải có trách nhiệm. 

Giáo dục trong trường học - Vẫn nhiều khoảng trống

Vấn đề giáo dục giới tính trong nhà trường nhiều năm qua đã có sự chuyển biến, cố gắng rất nhiều khi lồng ghép nội dung vào một số môn học ở cấp THCS và THPT tuy vậy vẫn tồn tại nhiều hạn chế.

Theo đánh giá chung thì quá trình lồng ghép các vấn đề giới tính, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình… vào môn học nhiều giáo viên còn ngượng ngùng, lúng túng khi giảng dạy. Cách lồng ghép giảng dạy vẫn hời hợt, dạy kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Có thể nói, nhiều giáo viên trực tiếp giảng dạy về giới tính nhưng lại chưa được đào tạo bài bản, kỹ càng về chuyên môn, thiếu kinh nghiệm giảng dạy… nên các tiết học chỉ như đối phó cho qua. Không những thế, có giáo viên còn cho rằng việc giảng dạy giới thiệu cho học sinh những kiến thức về phòng ngừa thai sản, các căn bệnh lây qua đường tình dục… là “vẽ đường cho hươu chạy” trong khi lứa tuổi của các em vẫn chưa đủ nhận thức thấu đáo. 

Cô giáo Nguyễn Phương Chi: Hầu hết học sinh nam hay nữ khi có chuyện thắc mắc, khó nói xung quanh vấn đề tâm sinh lý lứa tuổi đều giữ kín trong lòng, tự mày mò tìm hiểu qua mạng, sách báo hoặc trao đổi với bạn bè chứ ít khi tâm sự với giáo viên chủ nhiệm, hay giáo viên bộ môn. Những buổi sinh hoạt ngoại khóa nói về sức khỏe sinh sản, cách phòng chống HIV/AIDS cho học sinh nữ thỉnh thoảng vẫn được nhà trường tổ chức. Song theo cô Chi, để việc giáo dục sức khỏe sinh sản, giới tính thực sự có hiệu quả và đi vào chiều sâu thì các nhà trường bậc THCS và THPT cần tổ chức những chuyên đề xung quanh vấn đề trên một cách thường xuyên hơn. Không chỉ học sinh nữ được tư vấn hướng dẫn mà học sinh nam cũng cần được định hướng giảng dạy. Đặc biệt, các buổi tư vấn cần có sự xuất hiện của các chuyên gia tư vấn tâm lý, bác sĩ, những người có chuyên môn với những nội dung, liều lượng phù hợp. 

Mặt khác, trong khi chương trình giáo dục, giáo viên giảng dạy xung quanh vấn đề giáo dục giới tính  trong nhà trường còn ở mức thấp và tồn tại nhiều lỗ hổng thì lứa tuổi “teen” hiện nay lại đang gặp nhiều áp lực trước lối sống hiện đại từ nước ngoài du nhập vào. Không những thế công nghệ thông tin phát triển như vũ bão cũng hàng ngày tác động không nhỏ tới sự tò mò tìm hiểu các vấn đề về giới tính thông qua đọc, xem trên mạng mà không có sự kiểm soát, định hướng nội dung. Từ đó các em hoàn toàn có thể bị “lây nhiễm”  tật xấu ở các trang web thiếu lành mạnh. 

Giáo dục giới tính cho học sinh lứa tuổi “teen” đang đứng trước thực trạng gia đình thờ ơ, nhà trường nhiều khoảng trống. Trong khi đó “hươu” thì vẫn chạy dù có vẽ đường hay không. Không còn sớm để cho sự bắt tay chặt chẽ giữa gia đình nhà trường và xã hội trong vấn đề giáo dục giới tính cho tuổi “teen”, giúp các em  tìm được bờ vai giúp đỡ chia sẻ, tránh được những áp lực của cuộc sống hiện đại.

Hiện nay học sinh phát triển tâm sinh lý khá sớm. Có em lớp 6, lớp 7 đã dậy thì. Nếu đến lớp 9 mà các em mới được học những kiến thức về tâm sinh lý qua một số tiết sinh học thì e rằng hơi muộn. Ngay từ đầu cấp THCS các em nên được tìm hiểu, làm quen với những thông tin, kỹ năng cơ bản xung quanh vấn đề giới tính. Như vậy sẽ giúp các em có được sự định hướng cần thiết khi bước vào cuộc sống.

(Bác sĩ Nguyễn Thu Phương - Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội)

Cần thiết giáo dục về giới tính cho học sinh cấp THCS song nội dung và thời lượng ra sao cần được nghiên cứu cẩn thận. Không nên dạy những kiến thức này cho học sinh một cách ồ ạt mà nên chăng cần “mưa dầm thấm lâu”.

Hiện nay nhiều giáo viên vẫn tỏ ra ngại ngùng, định kiến với việc giáo dục giới tính cho học sinh bởi cho rằng môi trường sư phạm thì thầy cô giáo không nên nói những vấn đề “nhạy cảm”. Đề cập đến vấn đề nhạy cảm này quá nhiều cũng có thể ảnh hưởng tới hình ảnh mô phạm của người thầy… Tuy nhiên, nếu tiếp tục lảng tránh không đề cập, không tìm ra một phương pháp, cách truyền tải kiến thức một cách khéo léo tế nhị thì càng đưa học sinh đến những suy nghĩ tò mò. Và khi không được giải đáp một cách thỏa đáng và khoa học thì hoàn toàn có thể dẫn tới những hành động sai lầm của học sinh.

(Thầy Nguyễn Đức Long- Trường THPT Cầu Giấy)

Với sự phát triển của Internet như hiện nay thì việc tìm hiểu những thông tin, kiến thức về giáo dục giới tính cũng không quá khó. Chúng em cũng có thể hỏi nhau. Chúng em có thể e dè không nói ra nhưng như vậy không có nghĩa là chúng em không biết gì. Vì vậy em thấy việc giáo dục giới tính từ cấp THCS không có gì là sớm và cần thiết. 

Có những điều chúng em có thể ngại không hỏi, nói với cha mẹ, thầy cô nhưng nếu được cha mẹ, thầy cô chủ động nói chuyện, giáo dục thì em nghĩ cũng tốt. Như vậy chúng em không chỉ được đón nhận những kiến thức đúng đắn mà còn nhận được sự chia sẻ, cởi mở, đồng cảm hơn từ người lớn.

(Học sinh Nguyễn Thu Lan - Trường THPT Trần Phú)

Mai Hoàng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ