Do khó khăn trong việc bảo trì và hỏng hóc cơ học, con tàu này có thể không bao giờ chạy được nữa. Chuyên gia tình báo chiến lược và an ninh quốc gia, đồng thời là cây bút chuyên mục của tờ 19FortyFive (1945) - ông Isaac Seitz đưa ra nhận xét.
Tác giả lưu ý rằng tàu Đô đốc Kuznetsov (lượng giãn nước tiêu chuẩn 46.540 tấn, tối đa 61.390 tấn) được hạ thủy vào năm 1985, trong giai đoạn cuối của Liên Xô.
Cùng lúc đó, Liên Xô - không giống như Hoa Kỳ vốn đã thành thạo các hoạt động quân sự bằng tàu sân bay trong nhiều thập kỷ, Moskva chủ yếu tập trung vào sức mạnh trên bộ, điều này đã làm chậm trễ sự phát triển nghiêm túc của hạm đội hàng không mẫu hạm.
Con tàu nói trên được thiết kế để thể hiện sức mạnh Hải quân của Liên Xô và đóng vai trò là biểu tượng. Tuy nhiên ngay từ đầu nó đã gặp phải rất nhiều khó khăn về kỹ thuật và lỗi thiết kế.
Vấn đề quan trọng nhất là hệ thống đẩy của tàu. Không giống như các tàu sân bay hạt nhân hiện đại, chiếc Đô đốc Kuznetsov sử dụng dầu làm nhiên liệu, điều này giới hạn phạm vi hoạt động chỉ còn 45 ngày. Ngoài ra khi đốt dầu, nó tạo ra khói đen dày đặc, khiến tàu dễ bị phát hiện hơn và làm giảm hiệu quả tác chiến.
Trong quá trình hoạt động, con tàu thường xuyên gặp phải nhiều trục trặc khác nhau, từ hỏng động cơ đến khó khăn trong hệ thống điện. Thông thường phải có tàu kéo đi kèm.
Bảo trì là một vấn đề thường xuyên và hay bị trì hoãn cho đến khi sửa chữa xong, đồng thời công nghệ lạc hậu khiến lỗi kỹ thuật trở nên tồi tệ hơn, gây khó khăn cho việc duy trì hoạt động.
"Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov đã gặp phải một số vụ tai nạn nghiêm trọng khiến khả năng hoạt động bị hạn chế hơn nữa. Năm 2018, trong vụ tai nạn ở ụ tàu, một cần cẩu đã rơi xuống sàn, gây ra thiệt hại đáng kể".
"Hàng không mẫu hạm này cũng đã xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn, bao gồm một vụ cháy lớn vào năm 2019 khiến nhiều người thiệt mạng và hư hỏng nặng. Thực tế trên làm nổi bật vấn đề an toàn và an ninh đang diễn ra trên tàu", tác giả chỉ ra.

Một vấn đề kỹ thuật quan trọng khác mà tác giả nêu bật là không giống như các tàu sân bay hiện đại sử dụng máy phóng, chiếc Đô đốc Kuznetsov sử dụng đường cất cánh kiểu nhảy cầu, điều này hạn chế chủng loại và trọng lượng của máy bay, làm giảm hiệu quả chiến đấu tổng thể của tàu.
Theo ông Seitz, cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine và lệnh trừng phạt của phương Tây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sửa chữa, bảo dưỡng và hiện đại hóa tàu sân bay của Nga vì chúng ngăn việc tiếp cận các thành phần và công nghệ quan trọng. Hơn nữa, việc cấp vốn cho công tác sửa chữa đã bị chậm trễ kể từ năm 2017.
"Các báo cáo mới nhất cho biết tàu Đô đốc Kuznetsov đã rời ụ khô vào đầu năm 2023, nhưng vẫn cần phải xử lý nhiều khâu trước khi có thể hoạt động trở lại. Cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine và các lệnh trừng phạt quốc tế đã gây sức ép lên nguồn lực của Nga, ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành các sửa chữa và nâng cấp cần thiết".
"Vấn đề về tài chính và hậu cần cũng tiếp tục cản trở tiến độ. Ngoài ra tàu sân bay còn phải đối mặt với nhiều khúc mắc kỹ thuật khác, bao gồm động cơ cũ, hỏng hóc cơ học và độ an toàn. Những điều này làm phức tạp quá trình sửa chữa và làm dấy lên nghi ngờ về khả năng tái biên chế trong tương lai", tác giả nhấn mạnh.
Chuyên gia này nghi ngờ Nga sẽ có thể đưa tàu sân bay trở lại hoạt động trong tương lai gần bất chấp mọi nỗ lực. Việc duy trì chiếc hàng không mẫu hạm đã cũ là một vấn đề đau đầu.
Nhưng bất chấp khó khăn, Moskva vẫn tiếp tục đầu tư vào con tàu nhằm mục đích duy trì hình ảnh về năng lực hải quân và thể hiện sức mạnh trên trường thế giới.
"Trong khi Nga vẫn đang tiếp tục vật lộn với những vấn đề này, tương lai của tàu Đô đốc Kuznetsov vẫn còn chưa chắc chắn. Nhưng lịch sử của nó là câu chuyện cảnh báo về những khó khăn hiện hữu trong việc duy trì một lực lượng hải quân hiện đại trong điều kiện hạn chế về công nghệ và nguồn lực, nhà phân tích kết luận.