Có thể nói trong vài năm gần đây, mô hình du lịch cộng đồng được phát triển khá mạnh ở một số địa phương vùng Tây Bắc, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Thế mạnh của du lịch cộng đồng là chuyển tải được một cách rõ nét, sinh động về văn hóa vùng miền.
Mô hình này không chỉ phát huy được thế mạnh văn hóa bản địa của các cộng đồng, cảnh quan thiên nhiên, mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhiều người dân địa phương.
Mô hình du lịch cộng đồng xóm Đá Bia (Đà Bắc - Hòa Bình) từng được nhận giải thưởng “Du lịch cộng đồng ASEAN năm 2019”, cho thấy sự bài bản tại đây.
Tuy nhiên, giới nghiên cứu cũng chỉ ra việc phát triển du lịch cộng đồng ở nhiều nơi mang tính tự phát, phong trào, kém nền tảng văn hóa. Ở một số nơi, du lịch cộng đồng cạnh tranh thiếu lành mạnh, làm giảm giá trị cảnh quan - môi trường và văn hóa bản địa. Đồng thời, xuất hiện những loại hình giải trí không phù hợp, không định vị được bản sắc văn hóa địa phương.
Mới đây, trong một hội thảo về xây dựng môi trường văn hóa gắn với phát triển bền vững tại các điểm du lịch cộng đồng, Tổng cục Du lịch đã đưa ra nội dung dự thảo Bộ tiêu chí đo lường xây dựng môi trường văn hóa.
Các chuyên gia đề nghị cần tạo thành bảng tiêu chí, có tỉ trọng cụ thể với các mức đánh giá khác nhau cùng hướng dẫn đánh giá cụ thể để có thể áp dụng rộng rãi. Xây dựng môi trường văn hóa ở các điểm du lịch cộng đồng cần có những quy định về việc bảo vệ môi trường văn hóa tại cộng đồng gắn với phát triển du lịch.
Có thể thấy rằng, ngược lại với sự phát triển của kinh tế thì bản sắc văn hóa các vùng miền đang bị nhạt phai. Nhiều phong tục, nét đẹp văn hóa không chỉ biến mất, mà còn bị thay thế bởi những cách ứng xử thiếu chuẩn mực.
Người bản địa làm du lịch nhưng chỉ tính đến lợi nhuận. Ẩm thực pha tạp mất đi cốt cách địa phương, trang phục và tiếng nói “Kinh hóa”. Thậm chí, người ta sẵn sàng bê tông hóa cả nhà sàn, “thép hóa” cả thuyền độc mộc…
Khách đến với du lịch cộng đồng, trước hết muốn thấy được bản sắc văn hóa vùng miền. Đó là tính nguyên bản của thiên nhiên, ngôn ngữ, phong tục, trang phục, ẩm thực, ứng xử… chứ không phải để thấy những dịch vụ như ở phố phường.
Định vị được bản sắc văn hóa thì du lịch cộng đồng sẽ bền vững. Ngược lại, khách chỉ đến một lần rồi không bao giờ trở lại – đó từng là bài học của nhiều địa phương. Cho nên khi nhắc đến khái niệm công nghiệp văn hóa, người ta hiểu rằng điều cốt lõi nhất chính là bản sắc – hạt nhân của mọi sự sáng tạo.
Du lịch cộng đồng đang dần thay thế du lịch truyền thống. Tiếc là ít địa phương hiểu được giá trị cốt lõi của mô hình này. Họ chú trọng hiện đại hóa một bản làng, khoác lên đó một tiện nghi, mà quên rằng chính những điều xưa cũ ấy mới là bản sắc để tiếng lành đồn xa.