Khai thác di sản cha ông để lại
Bản Khe Rạn (Bồng Khê, Con Cuông, Nghệ An) đã trở thành cái tên được nhiều người biết đến như một điểm du lịch cộng đồng độc đáo miền Tây xứ Nghệ. Từ quốc lộ 7, qua một cây cầu treo nối 2 bên bờ sông Lam là sang đến Khe Rạn. Có cây đa, bến nước như nhiều làng quê nông thôn khác, nhưng những ngôi nhà sàn chia nhau nằm trên ngọn đồi là đặc điểm chính để nhận biết đó là bản của đồng bào Thái.
Khi Khe Rạn mới chỉ là một cụm dân cư với gần 100 nhân khẩu, bà con sinh sống bằng nghề trồng lúa rẫy, chăn nuôi và đánh cá ở sông Lam, thỉnh thoảng cũng có đôi người khách lạ ghé thăm. Chủ yếu là những tay phượt, nhiếp ảnh thích khám phá. Vui vẻ, chân thành, bà con sẵn sàng mời họ cùng uống rượu cần, ăn một bữa cơm đơn giản và cho ngủ nhờ. Dần dần, hình ảnh con người, bản làng, văn hóa nơi đây được nhiều người biết đến, thì chính quyền và bà con mới manh nha làm du lịch cộng đồng.
Nói làm du lịch thì khá mới mẻ, thậm chí là xa lạ với dân bản. Nhưng nói khai thác những giá trị văn hóa ẩm thực, âm nhạc, hay các phong tục, tín ngưỡng, lễ hội, trò chơi dân gian… lại là điều mà dân bản đã quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Bà con vẫn mặc trang phục truyền thống, hát, múa lăm vông, khắc luống… thì giờ có thêm khách chung vui. Ngoài văn nghệ, du khách được thưởng thức những món ăn đặc sản địa phương, tham gia vào đời sống sinh hoạt thường ngày như thêu thùa, dệt vải, làm mây tre đan. Bản cũng thành lập một tổ nấu ăn, văn nghệ có thể phục vụ các đoàn khách lên đến hàng trăm người.
|
Chị Hà Thị Sâm, tổ trưởng tổ dịch vụ nấu ăn bản Khe Rạn cho biết: “Xôi tím, cơm lam, cá nướng, canh ột, thịt nướng, cá mát… là món ăn truyền thống của đồng bào Thái rất được du khách ưa chuộng. Những dịp lễ, cuối tuần khách đến Khe Rạn rất đông. Nhà nào trong bản cũng có khách đặt cơm, giao lưu rượu cần, hát múa. Giờ Khe Rạn cũng chuyên nghiệp rồi”!
Bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến (huyện Quỳ Châu) như một điểm dừng chân ấn tượng đối với khách du lịch. Cánh đồng lúa xã Châu Tiến có những cọn nước (guồng nước) được mệnh danh đẹp và tập trung nhiều nhất ở xứ Nghệ. Cách đưa nước từ thấp lên cao, từ dưới khe suối lên đồng ruộng lâu đời nay vẫn được người Thái ở nhiều nơi sử dụng.
Nhất là những nơi xa xôi, giao thông, điện lưới chưa đáp ứng được, trong khi bà con chủ yếu sinh sống dọc theo sông suối. Bản Hoa Tiến có 100% bà con người Thái với những ngôi nhà sàn lâu đời cùng khung cửi để ngày ngày các bà, các mẹ, các chị ngồi dệt vải. Sản phẩm khăn, váy dệt tay của bà con Hoa Tiến nổi tiếng bởi sự tinh xảo, mềm mại trong đường nét. Chính sự chăm chỉ độc đáo trong sản xuất, canh tác lại trở thành điểm thu hút du khách tìm về trải nghiệm.
Học làm giàu từ du lịch
Trưởng bản Khe Rạn (huyện Con Cuông, Nghệ An) – ông Lô Văn Thắng – vui mừng cho biết: “Từ khi làm du lịch, bà con thay đổi nhiều về nhận thức, giữ gìn nhà cửa, đường trong bản sạch đẹp, không vứt rác bừa bãi. Chăm sóc cảnh quan môi trường, học cách giới thiệu, trò chuyện với khách du lịch. Đáng mừng hơn là bà con có thêm nguồn thu nhập nhờ làm du lịch để cải thiện đời sống ngoài việc đồng áng”.
Với hơn 45.000 lượt khách năm 2017; 50.000 lượt khách năm 2018 du lịch đến địa bàn, du lịch trở thành ngành dịch vụ trên đà phát triển của huyện Con Cuông, góp phần quảng bá du lịch Nghệ An, quảng bá và bảo tồn khu dự trữ sinh quyển thế giới. Từ hiệu quả du lịch cộng đồng ở Con Cuông, tỉnh Nghệ An đang nhân rộng mô hình ra các huyện ở Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tương Dương, Thanh Chương, Nam Đàn… Du lịch cộng đồng cũng được Nghệ An xác định là mục tiêu đầu tư trong xây dựng nông thôn mới.
Khe Rạn là một trong 4 bản được huyện Con Cuông chọn làm điểm du lịch cộng đồng gồm: Khe Rạn (xã Bồng Khê), bản Nưa, bản Pha (xã Yên Khê) và bản Xiềng (xã Môn Sơn). Từ mô hình này, đã mang lại nguồn thu nhập thêm tương đối ổn định cho bà con. Chị Lô Thị Hoa - tổ trưởng tổ du lịch cộng đồng bản Nưa, xã Yên Khê cho biết: “Ở bản Nưa chủ yếu làm mô hình homestay. Từ năm 2016, trung bình gia đình tôi có thu nhập từ làm du lịch khoảng 70 – 80 triệu đồng/năm, cao hơn so với làm nông nghiệp đơn thuần như trước đây. Hiện nay trong bản bắt đầu có các hộ học tập làm homestay đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách”.
|
Từ những mô hình này, nhiều bản làng người Thái khác cũng học tập, chuyển hướng làm du lịch cộng đồng. Chị Hoa cho biết, đó là tín hiệu mừng, vì nhiều nhà “làm du lịch”, “làm mô hình homestay” thì bản làng đẹp hơn, được nhiều người biết hơn. Dọc theo con đường độc đạo vào các xã Yên Khê, Lục Dạ, Môn Sơn không khó để thấy những biển in hình nhà sàn và quảng cáo dịch vụ homestay.
Bà Vi Thị Thanh (xã Môn Sơn) năm nay đã ngoài 60 tuổi, nhưng vẫn nhanh nhẹn ngồi dệt váy. Bà Thanh chịu trách nhiệm quét dọn nhà cửa chuẩn bị sẵn sàng nếu có khách đến, vì các cháu nhỏ đi học và con cái đi làm rẫy về muộn. Hỏi khách ngủ một đêm lấy giá bao nhiêu tiền? Bà cười vẻ chân chất: “Lấy tiền làm chi, ai đến chơi thì chơi, ngủ lại thì có phòng, chăn màn dành riêng cho khách mà. Nhiều nơi họ cũng lấy tiền đó, nhưng cũng ít thôi, mong có người đến thăm là mừng. Khách đặt cơm ăn thì mình lấy tiền ăn thôi”.
Có một lợi thế khác, ngoài văn hóa, nơi đây còn có nhiều cảnh quan đẹp như: Khe nước Mọc, thác Khe Kèm, đập Phà Lài và đi thuyền vượt sông Giăng vào những bản làng nằm trong cùng lõi rừng quốc gia Pù Mát. Du khách có thể đến chơi bất cứ thời điểm nào, vì dịch vụ cộng đồng khá đầy đủ, ít tốn kém, bà con đồng bào Thái nơi đây sẵn lòng hỗ trợ.
Ông Nguyễn Đình Hùng – Bí thư Huyện ủy Con Cuông (Nghệ An), cho biết: “Với nhiều danh lam thắng cảnh và bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc, huyện Con Cuông xác định du lịch là mũi nhọn phát triển và đang dồn lực cho lĩnh vực này, trong đó du lịch cộng đồng được xem như thế mạnh và là “đặc sản” của vùng. Hình thành các điểm du lịch cộng đồng, thu hút khách đến thăm, tạo sinh kế cho bà con phát huy nguồn lực tại chỗ một cách hiệu quả nhất. Huyện cũng được UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển đô thị sinh thái giai đoạn 2016 – 2020 và tầm nhìn những năm tiếp theo”.