Khởi sắc du lịch cộng đồng Triêm

GD&TĐ - Nếu như vài năm trước đây, ngôi làng Triêm Tây, thuộc xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam được biết đến là một vùng đất sạt lở, nguy cơ đe dọa đến cuộc sống của hàng chục hộ dân thì từ giữa tháng 6 vừa qua, Triêm Tây đã trở thành một điểm du lịch cộng đồng chính thức mở cửa đón khách. 

Khởi sắc du lịch cộng đồng Triêm

Từ những người nông dân phải dãi nắng dầm mưa trên cánh đồng, phải đi tha hương để làm thuê, làm mướn vì nỗi lo sạt lở... giờ đây người dân làng Triêm Tây đang từng bước làm chủ cuộc sống của mình ngay trên mảnh đất quê hương.

Khởi sắc của vùng quê sạt lở

Chỉ cách phố cổ Hội An chừng 10 phút đi thuyền từ bến làng gốm Thanh Hà, hoặc khoảng 5 phút qua cầu Cẩm Kim và làng mộc Kim Bồng, ngôi làng rợp bóng tre xanh Triêm Tây đã hiện ra ngay trước mắt. Nếu như gần chục năm về trước, nói đến Triêm Tây là nói đến vùng đất bị sạt lở nghiêm trọng thì nay ngôi làng đã thay da đổi thịt, cuộc sống người dân đã bước đầu khấm khá nhờ vào làm du lịch cộng đồng.

Nằm ngay ven bờ sông Thu Bồn, năm 2009 gia đình bà Nguyễn Thị Biên nằm trong danh sách 24 hộ phải di dời vì điểm sạt lở “ăn” sát nhà. Bà cũng từng có ý định thu dọn đồ đạc đến nơi ở mới dựng nhà. Tuy nhiên, sau khi dự án làm bờ kè sinh thái được triển khai, gia đình bà đã quyết định ở lại.

Không những được ở lại nơi quê cha, đất tổ mà bà còn giữ được nghề chiếu truyền thống của gia đình, cùng tham gia phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Bà Biên cho biết “Từ ngày có các tổ chức, cá nhân và nhà nước đứng ra làm bờ kè, hàng chục hộ dân chúng tôi cảm thấy sung sướng lắm vì được ở lại quê hương cũng không phải đi làm thuê, làm mướn. Ngày trước tôi cũng định bỏ hoang ngôi nhà này để đi rồi đấy.”.

Theo bà Biên, trước đây Triêm Tây vốn là làng nghề làm chiếu cói, nhà nhà làm chiếu. Tuy nhiên đến nay nghề chiếu dần bị mai một, nguyên nhân là do đất trồng cói ven sông bị sạt lở, trong khi tiền công thấp khiến người ở làng không còn mặn mà với nghề.

Hiện gia đình bà là một trong số ít hộ còn duy trì nghề chiếu, trực tiếp tham gia vào việc đón khách du lịch. Với nhiều loại chiếu và sản phẩm thủ công từ chiếu cói, gia đình bà đã trở thành điểm dừng chân tham quan của nhiều du khách khi đến với Triêm Tây. Thu nhập từ nghề truyền thông cũng đang từng bước giúp cuộc sống gia đình bà bớt đi phần nào khó khăn so với trước.

Điểm đặc biệt tại làng du lịch cộng đồng Triêm Tây này là hơn 30 hộ dân trong thôn đã tự nguyện thành lập tổ chức của riêng mình với tên gọi HTX nông nghiệp làng Triêm Tây. Mô hình có 7 tổ dịch vụ gồm ẩm thực, văn nghệ, làm vườn, chèo thuyền, làng nghề, lưu trú, hướng dẫn tham quan.

Bên cạnh đó, kế hoạch phát triển du lịch được xây dựng bởi sự tham gia đầy đủ và trách nhiệm của chính người dân. Nhờ sự phối hợp của các tổ chức quốc tế, nhiều lớp tập huấn về du lịch cộng đồng đã chỉ dẫn cụ thể cho các thành viên trong hợp tác xã về cách ứng xử, tiếp đón khách, phương pháp quản lý rác thải hộ gia đình…

Ông Dương Phú Tới, tổ trường tổ Homestay cho biết sau khi được tổ chức UNESCO và tổ chức ILO hỗ trợ xây dựng một phòng ngủ tiêu chuẩn, đến nay gia đình ông đã đầu tư thêm một phòng ngủ có đầy đủ các thiết bị từ điều hòa, ti vi. Nhờ làm du lịch, mỗi tháng gia đình ông có thu nhập khoảng 3 triệu đồng, mức cao so với việc làm nông nghiệp trước kia.

Ông chia sẻ: “Trong quá trình hoạt động các thành viên của HTX rất đồng lòng, phấn khởi khi tham gia các phong trào kể cả xây dựng các tour đón tiếp khách. Nhằm tạo dấu ấn tốt đẹp với du khách về ngôi làng Triêm Tây, chúng tôi luôn đón tiếp bằng sự tấm lòng chân thành, niềm nở và dành cho du khách các dịch vụ tốt nhất”.

Tuy nhiên, có lẽ hiệu quả nhất đối với việc phát triển Triêm Tây thành làng du lịch cộng đồng là khả năng thu hút lao động từ nơi khác đến làm việc, bởi vùng đất này đang trở thành nơi tiềm năng về khai thác du lịch của cả thị xã Điện Bàn.

Ông Nguyễn Văn Bòng, thành viên trong HTX cho biết: “Trước đây thanh niên Triêm Tây có xu hướng đổ ra Hội An kiếm sống vì ở đây không ổn định, thế nhưng từ ngày làm du lịch, tuổi trẻ Triêm Tây đã ở lại với làng, làm với làng và làm du lịch”.

Mặc dù có diện tích không lớn nhưng mỗi con ngõ của làng Triêm Tây đều có những biển tên đường dễ nhớ, dễ quan sát như đường Cây Thị, ngõ Cồn Hến, đường Chè Tàu….Sự chỉn chu, chuyên nghiệp từ những điều nhỏ nhất đang khiến ngôi làng nhỏ ven sông Thu Bồn trở thành điểm đến của nhiều du khách.

Để có được làng du lịch cộng đồng Triêm Tây hôm nay có sự đóng góp lớn của các tổ chức xã hội và chính quyền địa phương. Bởi ngay sau khi hình thành làng du lịch cộng đồng Triêm Tây, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động cho người dân về công tác du lịch đồng thời tự điều chỉnh trong khuôn viên nhà của mình để tạo cảnh quan du lịch cộng đồng xanh, sạch, đẹp.

Từ đó, nhận thức của người dân về công tác làm du lịch có nhiều chuyển biến, mọi người đã tích cực tham gia tập huấn từ việc ứng xử, tiếp đón khách.

Theo ông Lê Đức Thu, chủ tịch UBND xã Điện Phương, nhờ việc làm du lịch cộng đồng, bộ mặt nông thôn của Triêm Tây đã khởi sắc, nhân dân phát huy được tiềm năng thế mạnh của mình.

Đặc biệt nhận thức của người dân trong làm du lịch cộng đồng thay đổi, mọi người dân đã hăng hái tham gia các lớp tập huấn trong công tác làm du lịch. Nhờ thế nhiều mô hình hay, hiệu quả đã được bà con cùng bàn luận, xây dựng cùng chia sẻ kinh nghiệm.

Chống sạt lở bằng kè sinh thái

Trong các câu chuyện của người dân nơi đây, người được cả làng Triêm Tây thường nhắc đến là kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc (Việt kiều Pháp) hiện đang sống tại TP Hội An- người có công trong việc chống sạt lở, giữ làng.

Ông Quốc cho biết “Năm 2009, khi đó tôi đến Triêm Tây nhưng hai phần ba làng đã rơi xuống sông. Tôi nghĩ mình cần phải tìm cách nào đó để giữ những nhà còn lại, vì khung cảnh nơi với những lũy tre làng rất đẹp, rất Việt Nam. Theo tôi cái giá trị này cần được bảo vệ và giữ lại như môt di sản văn hóa”.

Với những kinh nghiệm của một viện sỹ tại Pháp, ông rằng không có gì có thể chống lại lực nước chảy. Vì vậy mọi phương án “chống” đều là sai lầm. Sau một thời gian nghiên cứu cùng sự tham gia của người dân địa phương, phương án kè sinh thái được ông thiết kế với ba tầng đã được triển khai.

Tầng đầu tiên là sậy, một loại cây cắm được rễ nước.Tầng thứ 2 là loại cỏ rùi có hệ thống rễ bền chắc. Tầng thứ 3 vào sâu khoảng 3m là loại cỏ vetiver có khả năng chống sạt lở bờ kè và tạo thảm xanh.

“Đến nay, hiệu quả của phương án này đã rõ ràng, bờ sông không còn lở, người dân cũng không phải di dời. Đặc biệt sau nhiều năm bão lụt, phương án sinh thái này không chỉ chứng minh tính khả thi mà còn phát hiện thêm một khả năng đặc biệt là có thể tự phục hồi khi bị thiệt hại”, ông Quốc chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điều hòa phải bật 24/24 giờ để duy trì nhiệt độ tằm mới phát triển tốt.

Lắp điều hòa cho … tằm

GD&TĐ - Phương pháp nuôi tằm trong phòng lạnh giúp hiệu quả kinh tế tăng gấp 3 lần so với nuôi ngoài điều kiện bình thường.

Ảnh minh họa: INT.

Truyện ngắn: Duyên muộn

GD&TĐ - Năm nay Túc đã ở hàng “băm”. Anh có “thâm niên” hơn 20 năm bươn chải nơi xứ người với nghề bán vé số dạo.

Ảnh: Quốc Bình.

Củ cải khô

GD&TĐ - Sau bao nhiêu cái đợi thì mẹ mới rinh 20 kg củ cải về để thỏa niềm mong ngóng của mấy bố con.