Trả lời: Định mức giờ chuẩn của giảng viên trường CĐ sư phạm được áp dụng theo Thông tư số: 47/2014/TT-BGDĐT ngày 31/12/2014 của Bộ GD&ĐT. Cụ thể Điều 5 Thông tư trên quy định: Giờ chuẩn giảng dạy (sau đây gọi chung là giờ chuẩn) là đơn vị thời gian quy đổi để thực hiện một công việc tương đương cho một tiết giảng lý thuyết trình độ CĐ, ĐH trực tiếp trên lớp theo niên chế, bao gồm thời gian lao động cần thiết trước, trong và sau tiết giảng; Định mức giờ chuẩn cho giảng viên trong một năm học là 270 giờ chuẩn; trong đó, giờ chuẩn trực tiếp trên lớp chiếm tối thiểu 50% định mức quy định.
Việc quy đổi ra giờ chuẩn được áp dụng như sau: Một tiết giảng lý thuyết trên lớp cho 40 SV được tính bằng 1 giờ chuẩn. Tùy theo quy mô lớp học, điều kiện làm việc cụ thể đối với từng lớp ở từng chuyên ngành khác nhau, một tiết giảng lý thuyết trên lớp có thể nhân hệ số khi tính giờ chuẩn nhưng không quá 1,5; Một tiết
giảng chuyên đề, giảng lý thuyết cho các lớp đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và một tiết giảng bằng tiếng nước ngoài đối với môn học không phải là môn ngoại ngữ được tính bằng 1,5 - 2 giờ chuẩn; Một tiết hướng dẫn bài tập, thực hành, thí nghiệm, thảo luận trên lớp được tính tối đa 1 giờ chuẩn; Hướng dẫn thực tập: 1 ngày làm việc được tính tối đa 2,5 giờ chuẩn; Hướng dẫn làm đồ án, khóa luận tốt nghiệp ĐH được tính tối đa 25 giờ chuẩn cho một đồ án, khóa luận; Hướng dẫn làm luận văn thạc sĩ được tính tối đa 70 giờ chuẩn cho một luận văn; Hướng dẫn làm luận án tiến sĩ được tính tối đa 200 giờ chuẩn cho một luận án.
Việc quy đổi thời gian thực hiện nhiệm vụ coi thi, chấm thi kết thúc học phần; chấm đồ án, khóa luận tốt nghiệp; phản biện và chấm luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ ra giờ chuẩn do Thủ trưởng cơ sở giáo dục ĐH quy định.
Mọi ý kiến thắc mắc về chế độ chính sách đối với nhà giáo, bạn đọc gửi về chuyên mục: Hộp thư bạn đọc - Báo Giáo dục & Thời đại: 29B, Ngô Quyền (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Email: bandocgdtd@gmail.com.