Dự thảo có nêu: Theo định kỳ hằng năm, giáo viên tự rà soát, đánh giá theo Chuẩn vào mỗi cuối năm học để tự xác định mức độ đạt được theo Chuẩn, từ đó xây dựng kế hoạch rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Theo định kỳ 3 năm/lần nhà trường tổ chức đánh giá giáo viên theo Chuẩn.
Công cụ đánh Chuẩn nghề nghiệp giáo viên bao gồm: Bảng mô tả các mức theo tiêu chí và yêu cầu về minh chứng đối với giáo viên tiểu học; Bảng mô tả các mức theo tiêu chí và yêu cầu về minh chứng đối với giáo viên THCS, giáo viên THPT và giáo viên các trường trực thuộc Bộ.
Phiếu tự đánh giá của giáo viên phổ thông về mức đạt chuẩn nghề nghiệp; Phiếu khảo sát ý kiến đồng nghiệp trong tổ chuyên môn; Bảng tổng hợp kết quả đánh giá của đồng nghiệp theo Chuẩn; Phiếu đánh giá của Hội đồng đánh giá và Báo cáo tổng kết quả đánh giá theo Chuẩn.
Việc đánh giá giáo viên phổ thông theo Chuẩn phải đảm bảo các yêu cầu sau:
Trung thực, toàn diện, khách quan, khoa học, dân chủ và công bằng; phản ánh đúng phẩm chất nghề nghiệp, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên trong điều kiện cụ thể của nhà trường, địa phương.
Căn cứ vào kết quả đạt được thông qua các minh chứng phù hợp với các tiêu chuẩn, tiêu chí của Chuẩn được quy định tại Chương II của văn bản này.