Đó là chia sẻ của TS Trương Tiến Tùng – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội.
Chất xúc tác cho quá trình chuyển đổi số
Thực tế cho thấy, nếu quốc gia có nền tảng số tốt, khoa học công nghệ phát triển thì sẽ giảm thiểu các nguy cơ dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh và khắc phục hậu quả cũng dễ dàng hơn nhiều.
TS Trương Tiến Tùng nhìn nhận, chuyển đổi số là sự phát triển tất yếu đối với quốc gia và không ngành nào có thể đứng ngoài cuộc, đặc biệt là giáo dục, đào tạo. Khi các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI – Artificial Intelligence) nói chung và ChatGPT nói riêng ra đời, được coi như chất xúc tác cho quá trình chuyển đổi số.
Theo định nghĩa “Chuyển đổi số là quá trình thay đổi các quy trình thực hiện công việc khi ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học của tin học" trong các cơ sở giáo dục đại học. Quá trình chuyển đổi số rõ ràng theo các bước:
Thứ nhất, tạo môi trường số, trang bị công cụ cho người lao động (Giảng viên, nhà quản lý) và người học: Công cụ làm việc (Máy tính, thiết bị di động thông minh); Điện toán đám mây (Lưu trữ số) - Dữ liệu lớn (Big Data); Vạn vật kết nối Internet (IoT – Internet of Things); Chuỗi khối (Blockchain), trí tuệ nhân tạo.
Thứ hai, tạo môi trường pháp lý: các văn bản qui định về lưu trữ, giao dịch và làm việc trên môi trường số ...
Thứ ba, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng làm việc trong môi trường số.
Thứ tư, các thành phần tham gia môi trường số gồm: Người học; người dạy và người quản lý có nghĩa vụ tạo quy trình làm việc, giảng dạy, học tập trên môi trường số; chấp nhận để hệ thống công nghệ thu thập thông tin của quá trình làm việc giảng dạy và học tập. Đồng thời, học cũng có quyền lợi được sử dụng các công cụ, khai thác các kết quả được số.
TS Trương Tiến Tùng. |
Thực hiện nhu cầu cá nhân hóa trong học tập
Chúng ta thấy, khi chuyển đổi số thành công, trường học tương lai sẽ thực hiện được nhu cầu cá nhân hóa trong học tập. Nghĩa là cần gì học nấy, học tập suốt đời. Cùng với đó, minh bạch hóa môi trường đào tạo; dễ dàng thích nghi mọi hoàn cảnh biến đổi đột ngột như: thiên tai, dịch họa…
“Như vậy, chúng ta thấy chuyển đổi số không chỉ tạo ra môi trường làm việc thông minh trong nhà trường, mà còn tạo ra một thế hệ công dân số cho xã hội và thị trường lao động. Điều này càng thúc đẩy các trường mạnh mẽ hơn nữa trong quá trình chuyển đổi này” – TS Trương Tiến Tùng nhấn mạnh.
Theo TS Trương Tiến Tùng không nên quá lo lắng khi ChatGPT đi vào cuộc sống, nhất là trong môi trường giáo dục. Học tập là quá trình thu thập thông tin, kiểm chứng (đúng sai theo ngữ cảnh) – có lý luận, thực nghiệm (tạo kỹ năng) – Có kinh nghiệm để tạo thành tri thức cá nhân.
ChatGPT giúp con người thu thập thông tin, vậy còn kiểm nghiệm và thực nghiệm rõ ràng con người phải tự làm thì mới hình thành được tri thức cá nhân. Với tri thức đó mới có thể sống và kiếm sống.
Nếu coi ChatGPT là một công cụ tìm kiếm, tổng hợp thông tin thì sẽ không có gì phải lo. Ai cũng có thể coi đó như một người thầy có thể cho chúng ta các tư duy và thông tin mới. Vì AI trong ChatGPT là khai thác trí tuệ của hàng tỉ người trên trái đất thông qua thu thập thông tin và cơ sở dữ liệu lớn.
“Quan trọng là, chúng ta giáo dục và định hướng cho mỗi đối tượng biết cách khai thác không chỉ ChatGPT, mà còn các cụ thông minh khác khi nó xuất hiện” – TS Trương Tiến Tùng nhấn mạnh.
Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội dẫn giải, giảng viên hãy học cách để phân biệt trí tuệ nhân tạo và trí tuệ thật không chỉ qua kết quả (bài luận), mà qua giao tiếp trong quá trình giảng dạy.
Nói cách khác, hãy sử dụng công cụ số để thu thập kết quả học tập của người học trong quá trình học chứ không phải chỉ đánh giá kết quả.
Với người học, có thể coi những gì mà trí tuệ nhân tạo ra kết quả là gợi ý cho mình để thẩm định và biến nó thành tri thức của mình. Như vậy sẽ cũng rất tốt cho người học.
“Nói tóm lại, đừng lo sợ những gì là phát minh của loài người, mà hãy đón nhận, cổ vũ để các nhà khoa học tiếp tục phát minh. Hãy tin vào sự trung thực của thế hệ trẻ, vì tri thức không vay mượn được. Nó sẽ lộ ra trong quá trình sống và làm việc” – TS Trương Tiến Tùng khẳng định.