Định hướng nghề nghiệp tại các nước phát triển: Con đường tương lai cho giới trẻ

GD&TĐ - Tại các quốc gia phát triển, giáo dục nghề nghiệp được coi là định hướng chung giúp nâng cao năng suất lao động và khiến người học dễ dàng ổn định sau tốt nghiệp.

Sinh viên Nhật Bản thường tìm việc làm trước khi tốt nghiệp một năm.
Sinh viên Nhật Bản thường tìm việc làm trước khi tốt nghiệp một năm.

Nhật Bản

Một đặc điểm nổi bật của shushoku katsudo (hoạt động tìm việc làm) của Nhật Bản, gọi tắt là shukatsu, là lịch trình tuyển dụng tại các tập đoàn lớn được sắp xếp trước hàng năm dựa trên sự đồng thuận giữa chính phủ, doanh nghiệp và học viện. Quá trình shukatsu bắt đầu đối với hầu hết học sinh trong những năm cuối cấp.

Đó là khi các em bắt đầu tham gia những buổi hội thảo định hướng nghề nghiệp tại trường học và một số địa điểm khác. Trong những năm cuối cấp, người học nộp đơn xin việc và trải qua quá trình tuyển dụng, nhằm giành được vị trí hứa hẹn về việc làm sau khi tốt nghiệp. Sau khi tốt nghiệp vào tháng 3, những người này sẽ bắt đầu công việc mới vào tháng 4.

Các trường đại học tại Nhật Bản thường cung cấp cho sinh viên thông tin về cơ hội việc làm, tổ chức hội thảo nghề nghiệp và các trung tâm nghề nghiệp. Đây là nơi sinh viên có thể nhận được hướng dẫn về cách tìm việc làm.

Thông qua những hoạt động này, các trường đại học tìm cách đạt được sự chuyển đổi nhanh chóng, khiến sinh viên từ “những đứa trẻ” thiếu kiến thức xã hội cần thiết thành “người trưởng thành”. Và, đây cũng được coi là một hình thức giáo dục tại Nhật Bản. Hầu hết tổ chức giáo dục Nhật Bản thường hỗ trợ hết sức cho sinh viên của mình trong quá trình tìm việc.

Sinh viên đại học thường bắt đầu tìm việc một năm hoặc lâu hơn trước khi tốt nghiệp. Theo truyền thống, ngày 1/4 là thời điểm sinh viên năm cuối đại học bắt đầu tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, những năm gần đây, quá trình tìm việc ngày càng diễn ra sớm hơn. Song, tìm kiếm việc làm sớm được cho là nguyên nhân gây xao nhãng trong học tập của sinh viên.

Trong bối cảnh tìm kiếm việc ngày càng khó khăn, các trường đại học đang nỗ lực đưa ra nhiều biện pháp, nhằm giúp sinh viên và cựu sinh viên. Một số tổ chức giáo dục như Trường Đại học Kyushu Sangyo ở Fukuoka cung cấp các chương trình tư vấn.

Trong đó, những sinh viên năm cuối đã có việc làm sẽ hỗ trợ đàn em và những người học đang tìm việc. Những tổ chức khác như Học viện Công nghệ Kanazawa đã thiết lập dịch vụ xe buýt giá rẻ để giúp sinh viên đến hội chợ việc làm và phỏng vấn. Cụ thể, vé xe đến Tokyo chỉ có giá 17 USD, trong khi vé tới Osaka có giá là 11 USD.

Hà Lan

Định hình công việc tương lai cho người học từ ngay giai đoạn phổ thông giúp nguồn nhân lực tại các nước châu Âu đạt hiệu quả cao.
Định hình công việc tương lai cho người học từ ngay giai đoạn phổ thông giúp nguồn nhân lực tại các nước châu Âu đạt hiệu quả cao.

Các trường ngày càng nhận trách nhiệm cao trong việc định hướng học sinh phát triển nghề nghiệp. Tuy nhiên, ở Hà Lan, phần lớn các trường tập trung vào việc giúp học sinh đạt được thành tích học tập, thay vì phát triển năng lực để quản lý sự nghiệp.

Chính phủ Hà Lan đã xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia tối thiểu về hướng nghiệp, thông tin chương trình và các hoạt động liên quan đến lựa chọn ngành học cho học sinh tại các cấp. Chính sách này đã đưa công tác giáo dục và hướng nghiệp vào chương trình giảng dạy của các cơ sở đào tạo.

Bên cạnh đó, Hội đồng Giáo dục Trung học Hà Lan và Hiệp hội các trường Cao đẳng VET Hà Lan đã phối hợp thành lập Trung tâm Hướng dẫn và Giáo dục Nghề nghiệp, hoạt động từ tháng 7/2018.

Ngoài ra, các trường học và cơ sở giáo dục Hà Lan cũng tổ chức những hoạt động khác, nhằm giúp học sinh tìm hiểu kỹ càng để lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Đặc biệt, các tổ chức giáo dục tại nước này chia sẻ trách nhiệm hỗ trợ học sinh, khi họ chuyển đổi cấp học. Điều này được cho là giúp các tổ chức giáo dục xác định cách cải thiện chính sách.

Trước đó, năm 2017, 37 trường trung cấp nghề ở Hà Lan đã tham gia vào một dự án hướng dẫn giáo viên cách đối thoại nghề nghiệp với học sinh. Được tài trợ bởi Bộ Giáo dục Hà Lan, dự án “Định hướng và Hướng dẫn Nghề nghiệp trong Giáo dục Trung học” nhằm khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khởi xướng, hoặc tiếp tục mang lại môi trường học tập nghề nghiệp tuyệt vời cho học sinh.

Trọng tâm dự án nhằm giải thích lý thuyết và vận dụng vào các cuộc định hướng nghề nghiệp. Nhà trường sẽ tổ chức các cuộc trò chuyện hướng nghiệp với học sinh và ghi lại video. Đồng thời, giúp người học phát triển năng lực nghề nghiệp bằng cách đưa ra những câu hỏi phù hợp. 

Trung Quốc

Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã thông báo sẽ yêu cầu các trường đại học mở rộng số lượng ứng viên thạc sĩ lên 189.000, tăng gần 25%, nhằm giảm tình trạng thất nghiệp. Các vị trí dành cho sinh viên đại học cũng sẽ tăng hơn 300.000.

Trước đó, gần 4 triệu người đã tham gia kỳ thi tuyển sinh sau đại học. Con số này tăng gần 11% so với năm trước và hơn gấp đôi so với năm 2016. Trường học thường được coi là “bến đỗ chung” của học sinh trên toàn thế giới trong thời kỳ kinh tế bất ổn. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, việc thúc đẩy mở rộng tuyển sinh đang là một vấn đề lâu dài.

Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, sinh viên tốt nghiệp của đất nước đã phàn nàn rằng, họ không tìm được việc làm phù hợp. Năm 2014, các nhà chức trách cho biết, tỷ lệ thất nghiệp đối với những người có trình độ đại học sau khi tốt nghiệp hai tháng là 30% ở một số khu vực.

Các quan chức nước này khẳng định sẽ đưa ra các biện pháp kiểm soát chất lượng chặt chẽ hơn. Ngoài ra, chính phủ sẽ khuyến khích các trường đại học cung cấp chương trình chú trọng vào nghề hơn. Nhờ đó, giúp sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm. Chính phủ cũng yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước nhận sinh viên mới tốt nghiệp vào làm việc.

Một báo cáo của Zhaopin - nền tảng tuyển dụng việc làm lớn nhất Trung Quốc, cho thấy, có 26,3% sinh viên tốt nghiệp đại học năm 2020 thất nghiệp vào tháng 6 năm ngoái. Báo cáo cho biết, việc làm cho sinh viên mới tốt nghiệp đại học giảm 7% so với cùng kỳ năm trước, trong khi số lượng ứng viên tăng gần 63%.

Chu Chaohui - nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia Trung Quốc, chia sẻ, sinh viên tốt nghiệp nên hạ thấp tiêu chuẩn việc làm. Như vậy, họ sẽ tìm được việc làm trong các lĩnh vực như thực phẩm hoặc chuyển phát bưu kiện.

Kỳ vọng tăng cao thực sự có thể làm gia tăng sự cạnh tranh về việc làm. Theo trang web tuyển dụng Zhaopin, có khoảng 1,4 vị trí dành cho mỗi sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, kể cả sau đại dịch. Tuy nhiên, nhiều sinh viên tốt nghiệp chỉ tìm kiếm việc làm ở các thành phố lớn nhất, hoặc mong đợi mức lương cao.

Ngày hội việc làm là nơi giúp sinh viên tìm được công việc phù hợp.
Ngày hội việc làm là nơi giúp sinh viên tìm được công việc phù hợp.

Hàn Quốc

Việc định hướng nghề nghiệp không được chú ý ở Hàn Quốc cho đến cuối những năm 1990. Hầu hết sinh viên Hàn Quốc nhận được rất ít hướng dẫn cho sự nghiệp tương lai. Để hỗ trợ phát triển và cung cấp thông tin nghề nghiệp, Bộ Giáo dục và Bộ Lao động Hàn Quốc đã ra mắt CareerNet (www.career.go.kr) thông qua Viện Nghiên cứu Đào tạo và Giáo dục Nghề nghiệp Hàn Quốc (KRIVET) và WorkNet (www .work.go.kr) vào năm 1999 và 1998.

Năm 2000, Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu cung cấp giấy phép Tư vấn nghề. Năm 2006, Dịch vụ Thông tin Việc làm Hàn Quốc (KEIS) được thành lập để cung cấp các dịch vụ hỗ trợ việc làm. Một số nhiệm vụ của KEIS bao gồm: Thu thập và cung cấp thông tin việc làm, phát triển và đưa ra các đánh giá nghề nghiệp...

Hàn Quốc đã bắt đầu thực hiện các Tiêu chuẩn Năng lực Quốc gia (NCS) - kết quả của Đạo luật Khung Trình độ Quốc gia năm 2007. Năm 2015, Đạo luật Giáo dục Nghề nghiệp được ban hành và có hiệu lực vào năm 2016.

Đạo luật nhằm xác định giáo dục nghề nghiệp, tư vấn nghề nghiệp, kinh nghiệm nghề nghiệp và thông tin nghề nghiệp. Tuy nhiên, điều quan trọng là các trường tiểu học và trung học cơ sở phải có giáo viên phụ trách giáo dục nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc có một kế hoạch tích cực để tạo điều kiện phát triển nghề nghiệp dành cho tất cả học sinh lớp 12. Theo Nghị định thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp (2015), tất cả các trường tiểu học, THCS và THPT phải có ít nhất một giáo viên giảng dạy. Giáo viên này có nhiệm vụ tạo điều kiện cho học sinh phát triển nghề nghiệp.

Bộ Giáo dục Hàn Quốc đồng thời đưa ra hướng dẫn sửa đổi đối với chương trình nội khóa tiểu học, THCS và THPT với hai hạng mục: Môn học và hoạt động trải nghiệm sáng tạo với số giờ được phân bổ cụ thể cho từng môn học.

Các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, chiếm khoảng 10% trở lên trong tổng số giờ học, bao gồm những hoạt động tình nguyện, cộng đồng, và hướng nghiệp. Các hoạt động hướng nghiệp bao gồm giúp người học hiểu về bản thân, khám phá nghề nghiệp và lập kế hoạch nghề nghiệp...

Các hoạt động liên quan đến hướng nghiệp cần được thực hiện với sự phối hợp của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, giáo viên câu lạc bộ, giáo viên tư vấn, giáo viên hướng nghiệp. Bên cạnh đó, quá trình hướng nghiệp cần có sự phối hợp giữa phụ huynh và chuyên gia cộng đồng có chuyên môn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cùng Bộ Tư lệnh Binh đoàn B70 lên phương án chỉ đạo chiến dịch đường 9 – Nam Lào. Từ trái qua: Hoàng Phương, Lê Trọng Tấn, Võ Nguyên Giáp, Cao Văn Khánh, Phạm Hồng Sơn. Ảnh tư liệu.

Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn*

GD&TĐ - Trên tất cả các mỹ từ, nhân văn đức độ của một vị tướng như ông tỏa sáng như một bậc hiền nhân: “Văn lo vận nước, Văn thành Võ/Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn”.