Định hướng nghề nghiệp: Nhìn nhận thấu đáo

GD&TĐ - Thay vì cố gồng mình giành suất vào đại học, hiện nay, nhiều phụ huynh đã chuyển hướng cho con vào các trường nghề phù hợp với năng lực, khả năng của bản thân, để quá trình học con bắt nhịp với chương trình đào tạo mà không bị áp lực.

Thí sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2022. Ảnh: Ngô Chuyên
Thí sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2022. Ảnh: Ngô Chuyên

Lựa chọn trường nghề

Sau ba lần con trai không đỗ vào trường đại học mong muốn, ông Ngô Đức Tâm (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) khuyên con nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa thuộc hệ cao đẳng của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh (Nghệ An). Ông Tâm chia sẻ: “Ba lần trượt đại học, tôi nghĩ năng lực của con chỉ đến đó, có cố thi đậu vào đại học cũng khó theo được chương trình đào tạo, từ đó dẫn đến chán nản dễ bỏ học giữa chừng. Do đó, tôi quyết định chọn hệ cao đẳng, vừa với sức học của con”.

Sau ba năm học cao đẳng, con trai ông tốt nghiệp loại khá. Để trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng làm việc, ông Tâm đã nhờ người quen xin cho con đi học thêm 2 tháng về cách sử dụng phần mềm thiết kế, thi công tủ bảng điện trước khi đi làm. Trong thời gian học bổ sung kiến thức, con trai ông được thầy giáo giới thiệu đến một công ty tự động hóa làm việc. “Bốn năm công tác tại đây, cháu đã tham gia nhiều dự án lắp đặt hệ thống xử lý nước thải, thiết kế hệ thống điện cho một số nhà máy ở khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh)…”, ông Tâm cho biết.

Còn anh Trần Nhân Đồng (31 tuổi, quê ở Hà Tĩnh, hiện sinh sống và làm việc tại Nhật Bản), sau khi tốt nghiệp THPT do hoàn cảnh khó khăn anh đi làm thuê phụ giúp gia đình. Khi kinh tế gia đình tạm ổn định, anh quyết tâm thi lại đại học. Tuy nhiên, quá trình ôn luyện nhận thấy khả năng của mình khó đậu đại học, anh Đồng đăng ký học ngoại ngữ để đi xuất khẩu lao động.

Thấy được sự ham học của Đồng, cô giáo dạy ngoại ngữ đã khuyên anh nên đi du học Nhật Bản hệ vừa học, vừa làm. Sau khi sang Nhật Bản, Đồng học dự bị 18 tháng. Kết thúc khóa học, anh Đồng thi lấy chứng chỉ tiếng Nhật và nộp hồ sơ thi tuyển vào ngành Quốc tế thương mại, Trường Tokyo quốc tế Business (chi nhánh Fukuoka).

Sau khi tốt nghiệp, anh Đồng được tuyển vào làm tại Công ty Fusui (Nhật Bản) chuyên về hệ thống bán lẻ trên nền tảng Amazon và Rakuten. Với những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình học và làm việc, năm 2018, anh Đồng quyết định thành lập Công ty Cổ phần Nhật Việt chuyên nhập khẩu các mặt hàng gia vị, bánh kẹo, nước giải khát từ Việt Nam và Thái Lan sang thị trường Nhật Bản.

Năm 2022, anh Đồng mở thêm hai nhà hàng ẩm thực Việt Nam tại tỉnh Fukuoka (Nhật Bản). “Ý tưởng thành lập nhà hàng và công ty xuất phát từ mong muốn đưa những sản phẩm của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế”, anh Đồng chia sẻ.

Trước đó, năm 2021, anh Đồng phát động chương trình, mỗi khách hàng mua một chai sữa Nutifood, công ty của anh sẽ trích 3 nghìn đồng/chai sữa đó để quyên góp vào Quỹ vắc-xin của Việt Nam. “Sau 2 tháng phát động, công ty đã kêu gọi và nhận được sự đồng hành của hơn 60 nghìn khách hàng và quyên góp được 200 triệu đồng. Thông qua Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Fukuoka, Nhật Bản, chúng tôi gửi về cho Quỹ vắc-xin ở Việt Nam”, anh Đồng cho biết.

Anh Trần Nhân Đồng (bên trái) trao tặng số tiền thu được từ chương trình bán sữa cho Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Fukuoka gửi về Quỹ vắc-xin của Việt Nam. Ảnh: NVCC

Anh Trần Nhân Đồng (bên trái) trao tặng số tiền thu được từ chương trình bán sữa cho Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Fukuoka gửi về Quỹ vắc-xin của Việt Nam. Ảnh: NVCC

Thay đổi cách nhìn

Theo chia sẻ của PGS.TS Dương Đức Hồng - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Bách khoa Hà Nội: Nhiều năm gần đây, học sinh, phụ huynh đã thay đổi suy nghĩ về chọn trường, chọn ngành cho con. Họ đã ý thức được vào học đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Do đó, phụ huynh đã dựa vào năng lực của con để đưa ra định hướng phù hợp.

Nếu cố gắng vào một trường đại học mà sinh viên không xác định được mục tiêu học tập, không trau dồi kiến thức thì sau khi ra trường vẫn khó khăn trong quá trình tìm việc làm. Tuy nhiên, với những sinh viên học cao đẳng, các em xác định rõ đường đi, quá trình học tập chăm chỉ, chịu khó rèn luyện tay nghề khi ra trường thì cơ hội việc làm luôn rộng mở.

Đối với sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Bách khoa Hà Nội, sau khi vào trường được tư vấn, hướng nghiệp để xác định rõ mục tiêu và có kế hoạch học tập tốt nhất. Đồng thời, nhằm đáp ứng đòi hỏi về nhân lực làm việc cho các doanh nghiệp, Trường Cao đẳng Nghề Bách khoa Hà Nội đã xây dựng chương trình đào tạo với 60% học thực hành, 40% học lý thuyết. Hàng năm, nhà trường đánh giá kết quả học tập của sinh viên rất kỹ lưỡng. Những em không đạt điểm theo quy định của chương trình đào tạo sẽ buộc thôi học.

Bên cạnh đó, từ khóa 11 (năm 2019) Trường Cao đẳng Nghề Bách khoa Hà Nội mở thêm hệ đào tạo chất lượng cao. “Sinh viên muốn vào hệ chất lượng cao, sau khi học hết học kỳ I năm thứ nhất phải xếp loại khá, giỏi. Với lớp học này, nhà trường không chỉ tập trung bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, tay nghề, mà còn chú trọng học ngoại ngữ cho sinh viên”, PGS Dương Đức Hồng thông tin.

Không chỉ vậy, nhà trường luôn tạo điều kiện cho sinh viên đến các doanh nghiệp để thực tập, kiến tập. Trong quá trình đó, sinh viên được học hỏi kinh nghiệm làm việc, rèn nếp sống kỷ luật, giờ giấc, kỹ năng thích ứng với công nghệ sản xuất hiện nay. Nhiều em đi thực tập được các nhà máy, công ty trả lương, trao học bổng hỗ trợ học tập.

Theo thống kê của Trường Cao đẳng Nghề Bách khoa Hà Nội, sau hơn 2 tháng tốt nghiệp 80% sinh viên có việc làm đúng chuyên ngành học. 5 - 8% sinh viên học liên thông lên đại học. Nhiều em sau khi tốt nghiệp được các doanh nghiệp mời về làm việc và gặt hái được thành công. Như em Trương Thế Diệu, sinh viên khóa 7 – ngành Công nghệ chế tạo máy là một trường hợp điển hình. Trải qua 2 năm luyện tập, vượt qua nhiều đối thủ, Trương Thế Diệu đã trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự Kỳ thi tay nghề thế giới tại môn nghề phay CNC tại Cộng hòa Liên bang Nga và giành Huy chương Bạc.

Cuối năm 2019, Trương Thế Diệu vinh dự được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Đồng thời, Diệu là 1 trong 20 đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019 ở lĩnh vực lao động sản xuất. Tốt nghiệp loại xuất sắc, ngay sau khi ra trường, Diệu được Công ty DENSO Nhật Bản mời về làm cố vấn kỹ thuật, hướng dẫn, đào tạo các thí sinh tham dự cuộc thi tay nghề thế giới.

“Từ kinh nghiệm đã trải qua, tôi nhận thấy vào đại học không phải là con đường duy nhất để thành công. Do đó, khi hướng nghiệp, phụ huynh cần chú ý đến năng lực, sở thích của con để định hướng. Không nên đặt nặng phải vào đại học hay cao đẳng mà quan trọng nhất là đưa ra mục tiêu rõ ràng”. - Anh Trần Nhân Đồng, Giám đốc Công ty Cổ phần Nhật Việt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.