Không theo “vết xe đổ”…
Vốn yêu thích kỹ thuật, điện tử và nhận thấy mình có năng khiếu trong lĩnh vực này, Ngô Văn Hùng (35 tuổi) ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi có ý định nộp hồ sơ vào một trường cao đẳng nghề để theo học chuyên ngành trên. Tuy nhiên, vì chọn ngành, chọn trường theo phong trào của bạn bè và cũng vì nguyện vọng của gia đình nên tôi đã chọn ngành Marketing của một trường đại học để theo học”.
Tuy nhiên, sang học kỳ II của năm thứ nhất, anh Hùng đã nhận ra lựa chọn của mình là sai lầm. Càng học, anh càng thấy không có điểm nào tương thích với năng lực và sở trường của mình. Kết quả học tập ngày càng kém nên anh phải học lại nhiều môn. Gần hết đại học năm thứ hai, anh quyết định bỏ học và nộp hồ sơ vào trường cao đẳng nghề để học về điện tử, điện lạnh.
“Như cá gặp nước” anh Hùng đã phát huy được năng lực, sở trường và trở thành một trong những sinh viên giỏi của trường. Dù chưa tốt nghiệp nhưng anh được nhiều công ty “săn đón” với mức lương trên dưới 10 triệu đồng/tháng (ở thời điểm năm 2012).
Sau khi tốt nghiệp trường nghề, anh Hùng chọn làm ở công ty một vài năm để lấy kinh nghiệm. Sau 2 năm, anh quyết định tự khởi nghiệp bằng cách mở cửa hàng kinh doanh buôn bán và sửa chữa thiết bị điện tử, điện lạnh như tivi, tủ lạnh, điều hòa… Được đào tạo bài bản, cộng với kỹ năng tay nghề cao nên công việc phát triển thuận lợi. Hiện, anh phát triển 3 cửa hàng lớn ở Hà Nội và dự định sẽ “Nam tiến” trong năm tới để phát triển thị trường.
“Chọn nghề theo phong trào là sai lầm và thất bại lớn nhất của tôi. Vì thế, tôi không muốn các bạn trẻ đi theo “vết xe đổ” của mình. May mắn, tôi đã kịp nhận ra và sửa sai khi vẫn còn trẻ. Tôi mong các bạn đừng để đến 70 tuổi mới biết mình thích nghề gì”, Văn Hùng chia sẻ.
Theo kết quả nghiên cứu do PGS.TS Phạm Mạnh Hà - Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) và các cộng sự thực hiện khảo sát đối với sinh viên năm thứ nhất tại một số trường đại học, có đến 65,4% sinh viên chưa hiểu hết về mục đích, ý nghĩa của ngành học mình lựa chọn; 50,8% không biết học xong ra làm việc gì và nơi nào tuyển dụng.
Chính vì thế, khi được hỏi về mức độ thỏa mãn với nghề lựa chọn, có đến 75,6% sinh viên cho biết ít thỏa mãn với sự lựa chọn của mình. Một trong những nguyên nhân các em đưa ra là: Vào học rồi mới biết mình không hợp và có đến 32,4% sinh viên muốn thi lại vào năm sau... Kết quả này cho thấy, có tỷ lệ khá lớn các bạn trẻ đã không chọn được đúng nghề như mong muốn, năng lực của bản thân.
Thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin về ngành học, trường học trước khi lựa chọn. Ảnh: TG |
Yếu tố quyết định thành công
Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, chọn sai nghề dẫn tới bản thân không phát huy hết năng lực, tố chất của mình trong công việc, giảm năng suất và hiệu quả lao động. Từ đó, sẽ gây tâm lý chán nản, thất vọng, thiếu tự tin và mất đi động lực để làm việc và luôn cảm thấy không thỏa mãn, dẫn tới trì hoãn thực hiện các việc được giao, tìm mọi cơ hội trốn việc, bỏ việc.
Đối với xã hội, việc có nhiều cá nhân lựa chọn sai nghề sẽ dẫn tới giảm sút chất lượng đào tạo, gây lãng phí cho công tác đào tạo và đào tạo lại. Nhiều người có khả năng, nhu cầu lại không được đào tạo trong khi người khác được học hành nhưng ra trường phải đào tạo lại hoặc phải chuyển sang lĩnh vực nghề nghiệp khác gây lãng phí cho xã hội. Chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo không bảo đảm dẫn tới năng suất lao động không cao, nảy sinh nhiều xáo trộn cho hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức bởi các hiện tượng như bỏ nghề, chuyển nghề.... Các doanh nghiệp mất thêm chi phí đào tạo và đào tạo lại cho đội ngũ của mình.
PGS.TS Phạm Mạnh Hà tư vấn, khi quyết định lựa chọn nghề nghiệp, các em cần cẩn trọng tìm hiểu xem bản thân thực sự thích thú với loại công việc nào; năng lực sức khỏe, thể chất ra sao; mình thích làm việc trong môi trường như thế nào; mong muốn về tiền lương, cơ hội thăng tiến ra sao… Sau đó, học sinh mới đi tìm kiếm loại công việc đáp ứng được nhiều nhất những mong muốn và khả năng của mình. Cuối cùng căn cứ vào điều kiện gia đình, năng lực học tập để lựa chọn cơ sở đào tạo phù hợp.
TS Huỳnh Anh Bình - Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP Hồ Chí Minh - nhìn nhận, định hướng nghề nghiệp được xem là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định đến thành công của mỗi cá nhân trong tương lai. Khi có định hướng đúng đắn, mỗi cá nhân sẽ phát huy khả năng của mình, tiếp cận được công việc phù hợp. Từ đó, họ dần dần khẳng định vị trí trong xã hội cũng như sự công nhận của mọi người.
Định hướng nghề nghiệp không chỉ đơn thuần là việc giúp một người nào đó lựa chọn một nghề nuôi sống bản thân, gia đình, mà đó còn là tương lai. Tương lai của các em có thực sự rộng mở không, có cơ hội để phát triển không, thành công hay thất bại… phụ thuộc rất nhiều vào định hướng nghề ngay từ ban đầu. “Chọn sai nghề, bạn sẽ lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc và cả chất xám. Đừng để tuổi 70 mới biết mình là ai, mình thích gì”, TS Bình khuyến cáo.
Cho rằng, hiện có quá nhiều luồng thông tin có thể khiến nhiều thí sinh bị loạn khi lựa chọn ngành học, trường học, TS Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông Đại học Gia Định (TP Hồ Chí Minh) - tư vấn: Các trường đại học sẽ gửi thông tin tuyển sinh tới trường phổ thông. Đây là nguồn thông tin chính thống để các em tham khảo. Ngoài ra, học sinh có thể tìm hiểu thông tin qua trang website, fanpage chính thức, kênh YouTube của trường đại học mà mình muốn theo học. Ở đó có thông tin về ngành học, chương trình học, thời gian đào tạo, học phí, môi trường học tập trải nghiệm để có hình dung cụ thể nhất.
“Chẳng hạn, Trường Đại học Gia Định có website, fanpage, YouTube. Các kênh này sẽ cung cấp cho các em những thông tin bổ ích” - TS Mai Đức Toàn viện dẫn, đồng thời nhấn mạnh: Những buổi tư vấn của các chuyên gia đến từ trường đại học sẽ mang đến rất nhiều thông tin bổ ích, giúp các em chọn ngành, chọn trường phù hợp.
“Học sinh có thể tham gia vào các group cộng đồng của trường để hỏi kinh nghiệm của anh chị đang học khoa, ngành mà các em dự định lựa chọn theo học. Đó sẽ là những chia sẻ xác thực, gần gũi nhất, giúp sĩ tử định hình được ngành nghề đó sẽ học những gì, trải nghiệm ra làm sao, cần kỹ năng tố chất nào để có sự chuẩn bị tốt nhất cho tương lai”. - TS Mai Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông Đại học Gia Định (TP Hồ Chí Minh)