Dinh dưỡng cho trẻ em dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Ngày 8/12, Viện Dinh dưỡng Quốc gia và Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam đồng tổ chức hội thảo Tăng cường công tác truyền thông về vấn đề dinh dưỡng cho trẻ em dân tộc thiểu số với mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng về chăm sóc, đặc biệt là chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em dân tộc.

Cần quan tâm hơn nữa đến bữa ăn của trẻ em dân tộc
Cần quan tâm hơn nữa đến bữa ăn của trẻ em dân tộc

Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng dinh dưỡng là nền tảng cho mọi sự phát triển sau này. Do vậy, chăm sóc trẻ trong 1000 ngày đầu đời và 3 năm tiếp theo cho đến khi trẻ tròn 5 tuổi là yếu tố then chốt giúp trẻ cho tầm vóc, thể lực và trí tuệ như kỳ vọng khi trưởng thành.

Tuy nhiên, báo cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi ở nước ta đã giảm trong nhiều năm qua, từ 17,5% năm 2010 xuống còn 13,6% năm 2016.

Đây là con số đáng ghi nhận nhưng vấn đề đặt ra là vẫn còn tới gần ¼ trẻ em Việt Nam trong tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi (24,2% năm 2016). Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, PGS.TS Trương Tuyết Mai cho biết: Tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi đặc biệt cao ở trẻ vùng dân tộc thiểu số. Tính trung bình trong cả nước, trẻ dưới 5 tuổi người dân tộc có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi cao gấp đôi trẻ em người Kinh (32,1% và 16,2%).

Ăn bán trú tại trường cũng là giải pháp để hạn chế tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ vùng khó

Ăn bán trú tại trường cũng là giải pháp để hạn chế tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ vùng khó

Có nhiều nguyên nhân khiến nhiều trẻ em dân tộc bị suy dinh dưỡng. Đó là những khó khăn trong tiếp cận dịch vụ y tế,chăm sóc sức khỏe. Tình trạng thiếu ăn vẫn diễn ra ở một số gia đình vào mùa giáp hạt. Mặt khác, phụ nữ người dân tộc thường có xu hướng cho con ăn thô rất sớm (từ 2-3 tháng tuổi) trong khi cơ cấu bữa ăn lại không hợp lý… 

Tất cả vấn đề trên tác động đến sự phát triển của trẻ, khiến cho trẻ em dân tộc khi sinh ra chỉ có trung bình 20% bị suy dinh dưỡng nhưng đến khi 5 tuổi con số này đã tăng lên xấp xỉ 40%.

GĐ quốc gia Tổ chức Cứu trợ trẻ em- bà Dragana Strinic nhận định: Suy dinh dưỡng thể thấp còi sẽ theo suốt vòng đời của trẻ. Nó để lại hậu quả nghiêm trọng đối với sự phát triển của trẻ, bao gồm sự phát triển của não bộ, làm giảm sức sản xuất khi trẻ đến tuổi trưởng thành.

Từ thực trạng trên, PGS. TS Trương Tuyết Mai cho rằng, giáo dục truyền thông là một trong những giải pháp trọng tâm trong công tác phòng chống suy dinh dưỡng cho tất cả trẻ em. Truyền thông đúng đối tượng sẽ góp phần nâng cao nhận thức, thái độ, thúc đẩy những thực hành tích cực trong nuôi dưỡng trẻ nhỏ.

Cũng tại hội thảo này, Tổ chức Cứu trợ trẻ em công bố chiến dịch Vì mọi trẻ em với chủ đề Dinh dưỡng cho trẻ em dân tộc thiểu số. Đây là chiến dịch toàn cầu với mong muốn tạo ra những thay đổi tích cực cho trẻ em yếu thế.

Ở nước ta, chiến dịch đặt mục tiêu huy động sự tham gia của Chính phủ, các ban ngành, đoàn thể, tổ chức, cơ quan truyền thông và cộng đồng cũng như cha mẹ với trẻ em, qua đó nâng cao nhận thức về vấn đề dinh dưỡng và giáo dục đối với trẻ em dân tộc thiểu số.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ