Báo cáo phân tích được công bố và tiếp thu ý kiến phản hồi từ chuyên gia sáng nay (19/9), tại Hà Nội.
Tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi có xu hướng tăng
Theo báo cáo này, tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi có xu hướng gia tăng ở cả 3 cấp học. Kế hoạch đặt ra trong Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 là “đến năm 2020, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở tiểu học là 99%, THCS là 95%”.
Theo số liệu thực tế, tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi năm học 2014 – 2015 ở cấp tiểu học là 98,69%, cấp THCS là 90,89%. Ở bậc tiểu học, số liệu này đã tiệm cận với kế hoạch đặt ra trong Chiến lược phát triển giáo dục, có thể đạt được trong giai đoạn 2016 – 2020.
Tỷ lệ lưu ban và bỏ học có xu hướng giảm
Cũng theo báo cáo này, tỷ lệ lưu ban và bỏ học có xu hướng giảm ở các cấp học, nhưng có sự khác biệt giữa các vùng miền.
Nhìn chung, các vùng có điều kiện kinh tế kém phát triển hơn thì có tỷ lệ học sinh bỏ học cao hơn. Trong cả nước, vùng Đồng bằng Sông Hồng có tỷ lệ bỏ học ở cả 3 cấp học thấp nhất; tỷ lệ này cao nhất ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Vấn đề bình đẳng giới được quan tâm
Đối với tiếp cận giáo dục của học sinh nữ, Báo cáo phân tích cho biết: vấn đề bình đẳng giới trong giáo dục đã được quan tâm. Phần lớn trẻ em trong độ tuổi tiểu học đang đi học không có sự chênh lệch về giới. Tuy nhiên càng lên cấp học cao hơn thì tỷ lệ nữ đi học càng cao hơn so với nam.
Vấn đề đặt ra với tiếp cận giáo dục học sinh khuyết tật
Theo Báo cáo phân tích, đối với tiếp cận giáo dục của học sinh khuyết tật, mặc dù Việt Nam đã rất tích cực trong việc ban hành khung pháp lý để tạo điều kiện phát triển vào bảo vệ người khuyết tật, nhưng trên thực tế trẻ em khuyết tật vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận giáo dục.
Số lượng trẻ khuyết tật đến trường tăng lên hằng năm, nhưng mục tiêu huy động 70% trẻ em khuyết tật đến trường trong Chiến lược phát triển giáo dục có thể vẫn khó thực hiện được.
“Nhìn chung, học sinh khuyết tật trí tuệ được đánh giá là có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dạy học trong lớp và cần có biện pháp giáo dục phù hợp với nhóm học sinh này” – Báo cáo nhấn mạnh.
Cần tiếp tục quan tâm hơn đến huy động trẻ DTTS
Đối với tiếp cận giáo dục của học sinh dân tộc thiểu số, Báo cáo cho biết, có thể thấy tỷ lệ nhập học chung của trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS) cấp tiểu học không khác biệt lắm so với trẻ em dân tộc Kinh.
Tuy nhiên, ở cấp THCS, đặc biệt cấp THPT, tỷ lệ nhập học của trẻ em DTTS thấp hơn so với tỷ lệ này của trẻ em dân tộc Kinh.
Tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi của trẻ em DTTS cũng có sự chênh lệch khá lớn so với của trẻ em dân tộc Kinh ở cấp THCS và THPT.
“Điều này cho thấy, cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với việc huy động trẻ em DTTS, đặc biệt là dân tộc Khơ me và H’Mông” – Báo cáo khuyến nghị.
Một số rào cản trong tiếp cận giáo dục
Những rào cản này được đưa ra trong Báo cáo, trong đó ghi rõ: Mặc dù ngành Giáo dục cũng như toàn xã hội đã có nhiều nỗ lực huy động trẻ đến trường, nhưng vẫn còn một số rào cản chính, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận giáo dục, bao gồm:
Sự di dân nông thôn – thành thị và di chuyển lực lượng lao động trẻ đến các khu công nghiệp; lao động sớm, lao động trẻ em; sự thiếu quan tâm, kiểm tra, giám sát việc học tập của con cái của cha mẹ học sinh; ngôn ngữ và sự hiểu biết của cha mẹ học sinh người DTTS; tình trạng nghèo đói, kinh tế khó khăn;
Quy mô trường lớp chưa đáp ứng so với nhu cầu của học sinh trên một số địa bàn, đặc biệt ở các khu công nghiệp, đô thị; tình trạng biến đổi khí hậu ngày một khắc nghiệt và tác động của thiên tai.