Điều ước nơi vùng cao

GD&TĐ - Chứng kiến những khó khăn của học sinh vùng cao, nhiều giáo viên là đại sứ của chương trình “Điều ước cho em” luôn mong đón nhận được những món quà, sự hỗ trợ để giảm bớt sự nhọc nhằn cho các em nơi đây.

Cô Lê Thị Thu Trang cùng học sinh.
Cô Lê Thị Thu Trang cùng học sinh.

Những cô giáo của vùng khó

Cô Trang, cô Tiền cũng như bao thầy cô giáo khác đang ngày đêm cắm bản gieo con chữ cho học sinh miền núi, vùng khó khăn. Thầy cô mang trong mình một trọng trách lớn lao, không chỉ dạy học, mà còn hỗ trợ giúp đỡ học sinh vượt qua khó khăn. Họ luôn mong mỏi có một ngày sẽ đón nhận những món quà, sự hỗ trợ để góp phần giảm bớt sự nhọc nhằn cho các em nơi đây.

Sinh ra ở làng Cao, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên), cô gái dân tộc Nùng Lê Thị Thu Trang lại gắn bó với ngành Giáo dục huyện Sông Hinh (Phú Yên). Cô Trang dạy môn Ngữ văn ở Trường Tiểu học và THCS EaTrol (huyện Sông Hinh), một trong những đại sứ tích cực của chương trình “Điều ước cho em”.

Từ khi tốt nghiệp ra trường đến nay, cô Trang đã có 17 năm gắn bó với ngành Giáo dục. Tất cả ngôi trường cô Trang đã và đang công tác đều ở trên địa bàn xã nghèo, vùng sâu, vùng xa của huyện Sông Hinh.

Để giúp học sinh không bỏ học, cô Trang không quản ngại đường sá xa xôi, trời mưa hay nắng, đến từng nhà tuyên truyền, vận động phụ huynh thay đổi nhận thức về việc cho con đi học. Không những thế, cô còn sẵn sàng bỏ kinh phí của mình và vận động các nhà hảo tâm giúp học sinh vùng khó.

Được chọn làm đại sứ của chương trình “Điều ước cho em”, cô Trang ước mơ có hơn 600 bộ quần áo đồng phục, sách vở, đồ dùng học tập và nhà tập đa năng cho học sinh nghèo. Cô Trang cho biết sẽ cố gắng biến điều ước này thành hiện thực, để học trò của mình có cơ hội học tập tốt hơn, cảm nhận được tình yêu thương khi đến trường.

Cô Cao Thị Bích Tiền, người Raglai ở xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đang dạy tại Trường Mầm non Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa) cũng là đại sứ của chương trình “Điều ước cho em”. Cô Tiền tâm sự: Nhờ sự lan tỏa của chương trình mà cô có cơ hội gặp gỡ không ít các nhà hảo tâm, hội nhóm thiện nguyện. Tất cả đã chung sức, chia sẻ những khó khăn, trao tặng các phần quà như: Sữa, vở, bút, học bổng, quần áo... cho trẻ đồng bào dân tộc thiểu số; giúp các em có hoàn cảnh khó khăn vượt khó trong học tập.

“Tuy những món quà đến tay các em không nhiều nhưng tạo cho các em nguồn động lực lớn để cố gắng hơn trong học tập. Những hoạt động như thế đã góp sức cùng nhà trường, địa phương hạn chế tình trạng bỏ học giữa chừng, ngăn ngừa vấn nạn tảo hôn sớm ở trẻ dân tộc thiểu số...”, cô Tiền chia sẻ.

Học sinh nhận những món quà do các đại sứ chương trình “Điều ước cho em” đi vận động trao tặng.
Học sinh nhận những món quà do các đại sứ chương trình “Điều ước cho em” đi vận động trao tặng.

Nhịp cầu lan tỏa những ước mơ

Cầm trên tay món quà gồm sách vở, sữa… vừa được tặng, chị Cao Thị Kim Luyến, phụ huynh của 2 em Cao Thị Út Lớn và Cao Thị Út Nhỏ xúc động đến rơi nước mắt. Gia đình chị Luyến thuộc hộ cận nghèo của thôn Sông Búng, xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa.

“Cuộc sống khó khăn nên cũng ảnh hưởng khá nhiều đến việc học tập của Út Lớn và Út Nhỏ. Thời gian qua, cô Tiền giúp đỡ gia đình tôi rất nhiều. Cô vận động một số nhà hảo tâm đến tặng áo quần, sách vở và học bổng cho hai con. Tôi rất mừng khi con nhận được những phần quà quý giá này”, chị Luyến xúc động nói.

Nhận học bổng trị giá hơn 1 triệu đồng từ các nhà hảo tâm trao tặng để bước vào năm học mới, em Đinh Trọng Hiếu (học sinh Trường Tiểu học và THCS Ninh Tây) không quên gửi lời cảm ơn đến cô Tiền và nhà hảo tâm. Theo em Hiếu, học bổng này giúp gia đình em đỡ đi một phần gánh nặng khi vào năm học mới.

Cô Trang bằng tình thương của mình nhiều năm qua đã bao bọc và giúp đỡ nhiều học trò.
Cô Trang bằng tình thương của mình nhiều năm qua đã bao bọc và giúp đỡ nhiều học trò.

Niềm vui, thành quả đầy ý nghĩa mà chương trình mang lại khích lệ rất lớn tinh thần, nỗ lực của cô Tiền. “Tôi sẽ cố gắng hơn nữa để có thể lan tỏa chương trình một cách tích cực hơn, giúp thay đổi môi trường học tập cho các em ở vùng khó khăn nơi tôi đang công tác.

Sẽ thật hạnh phúc khi ngôi trường của các em được trang bị đầy đủ trang thiết bị hỗ trợ học tập”, cô Tiền vui mừng nói và cho biết không chỉ giới hạn việc lan tỏa điều ước tại địa phương nơi mình công tác, mà có thể giúp đỡ, hỗ trợ những trường học thuộc vùng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Còn cô Lê Thị Thu Trang, dù bận bịu với công việc ở trường và gia đình, nhưng đã tích cực làm thêm ngoài giờ để giúp những học sinh có hoàn cảnh khó thêm cơ hội đến trường. Bằng nỗ lực của mình, cô đã mua được một số hiện vật như quần áo, xe đạp, đồ dùng thiết yếu… hỗ trợ cho học sinh nghèo.

“Gần đây nhất, tôi được một nhà hảo tâm tin tưởng, nhờ trao tiền giúp học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ với số tiền là 1 triệu đồng/tháng. Công việc sẽ kéo dài trong 4 năm liên tục, cho đến khi em học hết lớp 12” – cô Trang vui mừng thông tin đồng thời khẳng định: “Tôi vẫn tiếp tục bán hàng online để có thêm thu nhập, giúp đỡ cho học sinh nghèo. Tiếp tục vận động các nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện có hình thức hỗ trợ, cùng nâng bước học sinh nghèo đến trường”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngoài thờ Kinh Dương Vương, trong đền còn thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ với bức đại tự “Đại Nam tổ miếu”.

Tháng Ba, thăm lăng mộ Thủy tổ nước Nam

GD&TĐ - Mấy nghìn năm có lẻ, ở gò đất cao tụ khí làng Á Lữ, xã Đại Đồng (Bắc Ninh) đã lưu giữ linh hài của ông nội Vua Hùng, Thủy tổ nước Nam Kinh Dương Vương.