"Điều ước cho em" hôm nay - vì tương lai đất nước

GD&TĐ - Lễ phát động Chương trình “Điều ước cho em” đã thành công tốt đẹp, mở ra giai đoạn mới cho công cuộc lan tỏa, kêu gọi nguồn lực để hỗ trợ phát triển GD tại các địa bàn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Điều ước được lan toả sẽ mang lại cho trẻ em vùng khó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thêm nhiều cơ hội phát triển, vững bước hơn trong tương lai.
Điều ước được lan toả sẽ mang lại cho trẻ em vùng khó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thêm nhiều cơ hội phát triển, vững bước hơn trong tương lai.

Vì trẻ em – vì tương lai đất nước

Ngày 11/4, vào đúng Ngày làm việc tốt trên toàn cầu – Good Deeds Day 2021, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Đề án Hệ tri thức Việt số hoá đã phối hợp tổ chức trang buổi lễ phát động Chương trình, tại Hà Nội.

Bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, tạo điều kiện tốt nhất giúp các em được phát triển toàn diện tạo tiền đề cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Hơn 10 năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và các chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo, công tác huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước thông qua đóng góp, đầu tư của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng và đông đảo nhân dân (gọi chung là các nguồn lực của xã hội) cho phát triển giáo dục, đào tạo đã đạt được những kết quả nhất định, hiện thực hóa nhiều ước mơ đẹp đẽ của học sinh ở nhiều vùng gian khó trong cả nước...

Chương trình “Điều ước cho em” với nền tảng công nghệ trên Cổng nhân đạo quốc gia (http://inhandao.vn/Điều ước cho em) sẽ cho phép kết nối dòng chảy thiện nguyện, ủng hộ từ nhà hảo tâm đến những điểm trường khó khăn trên cả nước, theo tiêu chí đúng đối tượng - đúng nhu cầu - đúng thời điểm.

Hiện đã có gần 2.000 trường học của 39 tỉnh đăng ký nhu cầu hỗ trợ trên Cổng nhân đạo quốc gia (http://inhandao.vn/Điều ước cho em); gần 5.000 trường học có dữ liệu đăng ký cụ thể nhu cầu hỗ trợ các điều ước.

Khởi nguồn “Điều ước cho em” được bắt đầu vào đúng vào ngày 16/11/2020, tại Văn phòng Chính phủ, khi 63 thầy cô giáo người dân tộc thiểu số, tiêu biểu xuất sắc đại diện cho hàng vạn các thầy cô giáo đang ngày đêm miệt mài với sự nghiệp trồng người trong toàn quốc, vinh dự về Thủ đô dự Chương trình Chia sẻ Thầy cô – 2020 và điều ước của học trò của mình đã được các thầy cô của mình “ước” với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

“Điều ước cho em” kêu gọi toàn xã hội chung tay hỗ trợ học sinh và giáo viên tại các địa bàn khó khăn, địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và trong giai đoạn đầu tập trung hỗ trợ 06 nhóm “điều ước” cũng chính là nhu cầu bức thiết hiện nay:

Hỗ trợ đầu tư xây dựng các điểm trường, nhà công vụ, phòng học cho các trường học địa bàn vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Hỗ trợ xây mới hoặc cải tạo nhà vệ sinh; Hỗ trợ lắp đặt hệ thống điện, nước sạch; Hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh bán trú để cải thiện dinh dưỡng học đường; Hỗ trợ trang thiết bị, đồ dùng học tập và sinh hoạt cho học sinh (Sách vở, dụng cụ học tập, quần áo,…); Hỗ trợ thiết bị nâng cao thể chất cho học sinh (sân chơi, dụng cụ tập luyện thể dục thể thao…).

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Đảng, Nhà nước và cả xã hội luôn chăm lo cho thiếu niên, nhi đồng. Ai cũng nặng lòng khi xem những thước phim trong phóng sự chiếu tại lễ phát động. Nhiều trường học, nhiều học sinh không được ăn bữa trưa đầy đủ để đến trường; thầy - trò còn thiếu thốn đủ bề. 

“Những điều đó thôi thúc mỗi người chúng ta cần làm điều gì đó cho các em. Nếu đã làm rồi thì làm tốt hơn nữa, nếu chưa chú ý thì sẽ chú ý hơn nữa. Có những điều ước tưởng chừng ai cũng biết nhưng khi nghe lại chúng ta càng day dứt hơn như: làm sao để các cháu học sinh có nhà vệ sinh sạch, có bữa ăn trưa đủ cơm, rau và có cá, thịt, để các cháu được ăn no và tiếp tục học buổi chiều... Đó cũng là ý tưởng ban đầu của Chương trình "Điều ước cho em"... Ngày 11/4 cũng là ngày toàn thế giới làm việc tốt. Việc tốt nhất, đáng làm nhất là lo cho thế hệ tương lai...", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Các đại biểu cùng thực hiện nghi thức phát động Chương trình.
Các đại biểu cùng thực hiện nghi thức phát động Chương trình.

Chung sức, chung lòng vì GD vùng khó

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh: Mặc dù Chương trình mới được triển khai từ đầu năm 2021 nhưng đã nhận được sự đồng thuận và ủng hộ cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ tích cực của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

“Để triển khai được nhiều nhất điều ước cho học sinh, Bộ GD&ĐT đề nghị ngành GD&ĐT các cấp trong toàn quốc tham mưu lãnh đạo chính quyền các cấp chỉ đạo và tập trung chỉ đạo các nhà trường thống kê, đăng ký nhu cầu cụ thể của học sinh, giáo viên lên trên Cổng Nhân đạo quốc gia (Inhandao); chủ động phối hợp các đơn vị liên quan tại các xã (như tổ chức Đoàn/Đội, Chữ thập đỏ, cán bộ bưu điện xã) triển khai hoạt động Tổ tình nguyện hoạt động hiệu quả”, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nói.

Nhân buổi lễ phát động, thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí lãnh đạo các Ban, bộ ngành, các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp và toàn thể các quý vị đại biểu.

Bộ GD&ĐT mong muốn muốn Chương trình tạo được sức lan tỏa lớn để tập trung nguồn lực tạo ra giá trị về tinh thần và vật chất, nhằm thực hiện điều ước cho học sinh, sinh viên và ngành Giáo dục.

Bà Thái Hương – Nhà sáng lập, Chủ tịch hội đồng chiến lược Tập đoàn TH, Tổng giám đốc ngân hàng Bắc Á cho biết, “Chúng tôi hạnh phúc khi được đóng góp sức lực, tâm huyết, trí tuệ và vật chất cho chương trình Điều ước cho em - Chương trình hết sức ý nghĩa khi kết nối và lan tỏa các giá trị nhân ái trong cộng đồng, chung tay tháo gỡ khó khăn cho trẻ em mầm non và học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm cải thiện toàn diện Sức khỏe học đường cho các em”.

Kể từ sau cuộc gặp gỡ giữa các thầy cô giáo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”, nhiều điều ước giản dị của các thầy cô đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các đơn vị đồng hành hỗ trợ để những điều ước trở thành hiện thực. Với rất nhiều điểm dừng chân tại những nơi khó nhất nhất của 16 tỉnh trên cả nước trong suốt 5 tháng kể từ tháng 11/2020 cho đến nay.

Hành trình này đã có sự ủng hộ của nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm, người nổi tiếng... trong đó đồng hành dài hạn và hiệu quả là tập đoàn TH.

Ngay khi Chương trình được phát động đã có hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ với 15 công trình Trường đẹp cho em, Nhà bán trú cho em, Nhà vệ sinh cho em, Ngôi nhà Hạnh phúc cho học sinh tại các địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên, Yên Bái, Quảng Trị, Quảng Ngãi đã được khởi công để cụ thể hoá những “điều ước” của các thầy cô và mang niềm vui đến cho các em trong Ngày làm việc tốt 2021. Một trong 15 công trình khởi công đươc truyền hình ảnh trực tiếp tới sự kiện là khởi công Nhà vệ sinh cho em tại điểm trường xã Bản Mù (Trạm Tấu, Yên Bái)- công trình đầu tiên trong số 1.000 nhà vệ sinh mà tập đoàn TH trao tặng.

Đây mới chỉ là khởi đầu cho một hành trình dài và chỉ có thể lan tỏa khi có sự đồng hành, góp sức của các bộ, ban, ngành, các nhà tài trợ, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tâm huyết với sự nghiệp giáo dục: “Chung tay góp sức dựng trường. Đưa em tới lớp, mở đường ước mơ”. Mỗi sự chung tay là một nguồn lực bền vững giúp Điều ước cho em chạm tới gần hơn những địa chỉ chưa từng được biết tới. Cùng nhau đóng góp, từng bước hiện thực hoá những ước mơ nhỏ nhất của các học sinh, các thầy cô vùng cao vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện một điều ước lớn, xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường trên bản đồ thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ