Triển khai Chương trình Điều ước cho em: Đảm bảo hỗ trợ đến đúng nơi cần

GD&TĐ - Sáng 7/10,  Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh chủ trì cuộc họp với các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Chương trình Điều ước cho em ngành giáo dục, nghe báo cáo việc triển khai chương trình.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì cuộc họp
Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì cuộc họp

Theo báo cáo của Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên - Đơn vị đầu mối thực hiện Chương trình Điều ước cho em ngành Giáo dục, ngày 11/4/2021, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Trung ương Đoàn, Hội chữ thập đỏ, Đề án Itrithuc và các đơn vị liên quan tổ chức Lễ phát động Chương trình Điều ước cho em và Thỏa thuận hợp tác giữa các cơ quan trong việc triển khai Chương trình.

Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc triển khai Chương trình “Điều ước cho em”; Quyết định ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình “Điều ước cho em” trong ngành Giáo dục; Công văn hướng dẫn các địa phương triển khai Chương trình Điều ước cho em; Công văn hướng dẫn triển khai Chương trình Điều ước cho em; Công văn triển khai Chương trình “Điều ước cho em”.

Trong các văn bản, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương thành lập Tổ tình nguyện tại các xã gồm 4 thành viên bao gồm: Giáo viên của cơ sở giáo dục; Hội viên Hội chữ thập đỏ, Đoàn thanh niên xã và cán bộ bưu chính để triển khai tổng hợp thẩm định nhu cẩu của cơ sở giáo dục trước khi cập nhật lên cổng Inhandao.vn

Đại diện lãnh đạo các đơn vị gồm: Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên; Cục Cơ sở vật chất; Trung tâm Tình nguyện Trung ương Đoàn, Ngân hàng Quân đội MB Bank đã họp 2 lần để hoàn thiện các tính năng cập nhật dữ liệu, xuất các báo cáo liên quan phục vụ công tác điều hành; kết nối các doanh nghiệp... Nhóm tham mưu triển khai đã 2 lần họp để thống nhất quy trình, hướng dẫn cập nhật nhu cầu và nguyên tắc hỗ trợ cho các địa phương và yêu cầu về định mức kỹ thuật đối với các hạng mục.

Theo báo cáo, hiện đã có 1030 trường học của 33 tỉnh trong toàn quốc đăng ký nhu cầu hỗ trợ trên cổng Nhân đạo quốc gia: http://inhandao.vn. Đã có 353 cơ sở giáo dục cung cấp các số liệu theo mẫu. Cụ thể nhu cầu như sau: 281 nhà vệ sinh; 216 công trình nước sạch; công trình nước sinh hoạt cho 297.571 học sinh; 159 bếp ăn; 171 bộ đồ dùng học tập.

Trong quá trình triển khai chương trình còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Việc nhập dữ liệu của các trường học lên cổng http://admin.inhandao.vn hiện còn gặp một số trục trặc về kỹ thuật, nguyên nhân do đường truyền hoặc do đơn vị chưa được cấp tài khoản. Do thời gian vừa qua ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên số lượng trường đăng ký còn hạn chế.

Phần mềm trên nền tảng http://inhandao.vn chưa hoàn thiện nên việc thống kê, tổng hợp nhu cầu theo tỉnh/huyện cụ thể các nhu cầu, phân tích mô tả chi tiết theo các nội dung hỗ trợ và phân luồng thông tin để gửi các nhà tài còn gặp khó khăn. Cùng với đó, số lượng các doanh nghiệp tham gia hiện nay còn ít.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Ngô Thị Minh biểu dương các đơn vị đã tích cực triển khai chương trình “Điều ước cho em” ngay sau khi có chỉ đạo của Chính phủ và lãnh đạo Bộ GD&ĐT. Theo Thứ trưởng, chương trình “Điều ước cho em” là chương trình mang đậm tính nhân văn, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc Việt Nam, do đó, khi triển khai, cần thẩm định các trường hợp để hỗ trợ một cách cụ thể, rõ ràng, đảm bảo hỗ trợ đến được đúng nơi cần.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị trong thời gian tới, các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các công việc được giao, chủ động hoàn thành công việc bằng những việc làm cụ thể. Cần thành lập Ban điều phối liên ngành và tổ phối hợp, phân rõ nhiệm vụ cụ thể từng thành viên. Thứ trưởng cũng đề xuất kết nối chương trình “Điều ước cho em” với chương trình "Sóng và máy tính cho em".

“Điều ước cho em” là một chương trình nhân đạo nhằm kết nối, sẻ chia và lan tỏa các giá trị nhân ái trong cộng đồng và xã hội để thúc đẩy hỗ trợ phát triển giáo dục tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình kêu gọi toàn xã hội chung tay hỗ trợ học sinh và giáo viên tại các địa bàn khó khăn, địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo các nội dung trọng tâm: Hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất trường học; dinh dưỡng học đường; thiết bị, đồ dùng học tập và sinh hoạt thiết yếu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.