Điều trị "sương mù não" sau khi mắc Covid-19

GD&TĐ - Yếu tố gây nguy cơ “sương mù não” cao gồm người mắc Covid-19 biểu hiện nặng, có triệu chứng hô hấp khi khởi phát bệnh, hoặc bệnh nhân nữ.

ThS.BS Trần Đình Văn khám cho người bệnh.
ThS.BS Trần Đình Văn khám cho người bệnh.

Nhóm nguy cơ cao

Nhiều người nhanh chóng vượt qua Covid-19 do mắc bệnh thể nhẹ và đã tiêm đủ vắc-xin. Song, sau Covid-19, không ít người cho biết thường cảm thấy lo lắng, căng thẳng, hay quên. Theo các chuyên gia, “sương mù não” là một trong những di chứng “hậu Covid” khá mới. Tình trạng này hiện vẫn là một bí ẩn với giới y khoa.

Sau khi trải qua Covid-19 với những triệu chứng nhẹ, chị Nguyễn Hồng Trang (28 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết thường xuyên bị ho, mất ngủ, trí nhớ suy giảm. “Sau khi hồi phục Covid-19, tôi phát hiện mình khó tập trung hơn trước, thường xuyên nhớ nhớ quên quên.

Trước khi mắc Covid-19, tôi có thể vừa tập trung làm việc, vừa chăm sóc con. Tuy nhiên, giờ đây, tình trạng thường xuyên căng thẳng và hay quên khiến tôi cảm thấy mọi việc khó khăn hơn”, chị Trang chia sẻ.

Theo GS.TS Trần Tịnh Hiền - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, những bệnh nhân nhiễm Covid-19 nhẹ cũng có thể gặp các rối loạn về nhận thức, như: Mất tập trung, giảm trí nhớ hay không tìm chữ thích hợp để diễn tả ý nghĩ của mình, nói năng mất lưu loát.

“Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một loạt rối loạn chức năng của não bộ trong hội chứng hậu Covid. Tuy nhiên, chưa rõ mức độ thường xuyên của sự xâm nhập vào não của virus. Ngay cả khi nhiễm trùng nhẹ cũng có thể gây rối loạn đáng kể cho bệnh nhân”, chuyên gia dẫn chứng.

Theo GS Hiền, tình trạng này xảy ra có thể do sự hoạt hoá quá mức các tế bào miễn dịch là microglia (một loại đại thực bào trong mô não) tương tự như quá trình gây suy giảm nhận thức trong lão hóa hay một số bệnh thoái hoá thần kinh khác. Ông dẫn chứng, một nghiên cứu khác cho thấy, số lượng máu đến não bộ cũng bị suy giảm, tương tự “Hội chứng mệt mỏi mãn tính” trước khi đại dịch bùng phát.

ThS.BS Trần Đình Văn - Khoa Phẫu thuật Thần kinh 1, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức giải thích: “Hội chứng hậu Covid gây viêm đa hệ thống (multisystem inflammatory syndrome (MIS-A)), ảnh hưởng đến gây viêm hệ thần kinh, thoái hoá hệ thần kinh, gây ra các vấn đề nhận thức trong đó có biểu hiện của “sương mù não”.

Chuyên gia này cho biết, Covid-19 thông qua tác động trực tiếp, gây căng thẳng dẫn tới ảnh hưởng đến trục dưới đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận. Từ đó, gây viêm vùng dưới đồi thông qua các đại thực bào microglia. Quá trình viêm được khuyếch đại hơn bởi tăng tính thấm thành mạch của hàng rào máu não do IL – 6, CRH làm tăng sự thâm nhập virus, chất độc, cytokine.

ThS Văn dẫn chứng, theo một số nghiên cứu, các tế bào thần kinh tại vùng nhận thức hoạt động có nhu cầu oxy cao, dễ tổn thương khi có tình trạng thiếu oxy. Tế bào thần kinh khi bị virus xâm nhập, đặc biệt tải lượng virus cao, gây rối loạn chức năng ty thể và dẫn đến tổn thương.

Theo chuyên gia này, các yếu tố nguy cơ cao gây “sương mù não” sau mắc Covid-19 gồm tình trạng mắc Covid-19 biểu hiện nặng, đặc biệt là bệnh nhân phải hồi sức cấp cứu. Ngoài ra, người có triệu chứng hô hấp khi khởi phát mắc Covid hoặc bệnh nhân nữ cũng có nguy cơ bị “sương mù não”.

Điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân

ThS.BS Trần Đình Văn cho biết, không có biện pháp can thiệp triệt để nào đối với hội chứng hậu Covid. Phương pháp ức chế tế bào liên quan đến cấu trúc luteolin và quercetin có tác dụng ức chế sự xâm nhập virus vào vật chủ.

Đồng thời, ức chế viêm thần kinh, giảm mức độ suy giảm nhận thức. Những cấu trúc này thường được tìm thấy trong lá, vỏ thân hoặc quả… ở một số loài thực vật có màu vàng xanh như: Cần tây, bồ công anh, hạt tiêu xanh, bông cải xanh, hoa cúc, cà rốt, cây thuộc họ bạc hà, oliu...

“Để khắc phục tình trạng sương mù não, người bệnh cần tích cực luyện tập thể dục, ăn đủ chất dinh dưỡng, hạn chế căng thẳng và uống đủ nước mỗi ngày (trung bình 2 lít nước/ngày)”, ThS Văn khuyến cáo.

Trong khi đó, ThS.BS Vũ Duy Dũng - Nội thần kinh, Bệnh viện Vinmec Times City cho biết, điều trị sương mù não phụ thuộc vào nguyên nhân. Ví dụ, nếu bị thiếu máu, bổ sung sắt có thể làm tăng sản xuất tế bào hồng cầu và giảm sương mù não... Ngoài ra, trong một số trường hợp, giảm tình trạng sương mù ở não là vấn đề điều chỉnh sự thiếu hụt dinh dưỡng, thay đổi thuốc hoặc cải thiện chất lượng giấc ngủ.

ThS Dũng cho biết, để khắc phục, cải thiện chứng “sương mù não”, người bệnh cần ngủ đủ 7 - 9 giờ mỗi đêm, tránh căng thẳng, stress. Đồng thời, tập thể dục đều mỗi ngày, tối thiểu 30 phút. Hạn chế uống cà phê, tránh sử dụng rượu và các chất kích thích. Ngoài ra, người bệnh được khuyến cáo tăng lượng protein, trái cây, rau và chất béo lành mạnh, tham gia các hoạt động xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.