Điều tâm đắc về giáo dục của một nhà giáo hơn 30 năm đứng lớp

GD&TĐ - Chứng kiến nhiều đổi mới của ngành Giáo dục trong 5 năm qua, nhà giáo Lưu Minh Trúc Nam chia sẻ rằng bản thân rất yên tâm khi sắp được nghỉ hưu.

HS Tiểu học TP Cần Thơ hào hứng phát biểu trong giờ học Tiếng Việt SGK mới.
HS Tiểu học TP Cần Thơ hào hứng phát biểu trong giờ học Tiếng Việt SGK mới.

Hơn 30 năm công tác trong ngành giáo dục, nhà giáo Lưu Minh Trúc Nam, giáo viên Trường THCS Đoàn Thị Điểm, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) chứng kiến nhiều đổi mới của ngành Giáo dục, đặc biệt là trong 5 năm qua.

Đã đồng hành cùng ngành Giáo dục qua nhiều thời kỳ, giai đoạn khác nhau, nhưng với nhà giáo Lưu Minh Trúc Nam, những đột phá mang tính chiến lược, căn bản được Bộ GD&ĐT, đặc biệt là Bộ trưởng thực hiện trong 5 năm qua là rất quyết liệt và hiệu quả.

Theo nhà giáo Lưu Minh Trúc Nam, trước tiên là chủ trương của Bộ GD&ĐT giao quyền tự chủ trong phân phối chương trình giảng dạy. Suốt quãng đời giảng dạy của mình,  thầy đã chứng kiến các đơn vị, cơ sở giáo dục phải mong đợi phân phối chương trình; chờ sự chỉ đạo từ cấp trung ương đến địa phương rồi mới về tới cơ sở. Chủ trương tự chủ trong phân phối chương trình thực sự  đã “gỡ khó” cho nhà trường, cho giáo viên.

Trước đây, mặc dù chính sách đã thông thoáng, giao quyền chủ động cho giáo viên nhưng một số đơn vị vẫn còn chờ đợi thống nhất chương trình giảng dạy. Nhưng giờ có chính sách mới, sự chỉ đạo cụ thể của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, các trường mạnh dạn, chủ động hơn.

Mỗi trường sẽ có cách phân phối chương trình riêng nhưng vẫn đảm bảo chương trình khung và chất lượng đầu ra học sinh. “Mong mỏi của giáo viên hãy cứ mạnh dạn giao cho thầy cô chủ động trong giảng dạy với trách nhiệm đảm bảo chất lượng đầu ra học sinh, đã thành hiện thực”, thầy Nam chia sẻ. 

Nhà giáo Lưu Minh Trúc Nam, giáo viên Trường THCS Đoàn Thị Điểm, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ).
Nhà giáo Lưu Minh Trúc Nam, giáo viên Trường THCS Đoàn Thị Điểm, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ).

 Giờ đây, các đơn vị, trường học, các nhóm và tổ chuyên môn đã chủ động xây dựng phân phối chương trình giảng dạy và xây dựng các chủ đề dạy học bằng nhiều hình thức tích hợp đơn môn, liên môn hiệu quả, tiếp cận Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, thực hiện theo đúng theo tình thần đổi mới giáo dục, tạo môi trường thông thoáng, đột phá cho giáo viên.

Thêm một “điểm sáng” trong đổi mới khiến thầy Nam tâm đắc nhất là công tác chuẩn bị cho Chương trình GDPT mới. Bộ GD&ĐT, đặc biệt là Bộ trưởng đã chỉ đạo, chuẩn bị từ rất sớm, lắng nghe ý kiến của cơ sở giáo dục, thầy cô giáo và xã hội, có lộ trình cụ thể để phục vụ cho Chương trình mới, như thông qua các cuộc thi soạn giáo án, dạy tích hợp, dạy theo chủ đề… Qua đó giúp đội ngũ giáo viên tiếp cận với Chương trình mới, khi triển khai không bị bỡ ngỡ và luôn trong tâm thế chủ động.

“Bản thân là giáo viên cốt cán tham gia nhiều đợt tập huấn, bồi dưỡng trong những năm gần đây, tôi thấy ngành Giáo dục làm rất bài bản. Từ sách vở, tài liệu và các mô đun có tính khoa học, chặt chẽ và cơ sở khoa học rõ ràng. Những năm trước đây phải đi tập huấn từ Bộ rồi về đến Sở, sau đó Sở mới triển khai xuống quận/huyện rồi mới về đến trường. Bây giờ làm trực tiếp và trực tuyến từ Bộ đến giáo viên và tận mỗi cơ sở”, thầy Nam cho biết.     

Theo thầy Nam, cả xã hội đã ghi nhận những nỗ lực của ngành Giáo dục, đặc biệt là năm 2020 - 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, ngành Giáo dục đã có những nỗ lực để đạt được một số kết quả nổi bật. Thực tế này cho thấy khả năng “chống chịu”, thích ứng và trách nhiệm xã hội của ngành Giáo dục trước những biến động lớn. Toàn ngành đã hoàn thành mục tiêu kép: bảo đảm an toàn sức khỏe của học sinh, giáo viên; hoàn thành kế hoạch năm học. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ