Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn đại biểu thành phố Hà Nội nhận định: Nhiệm kỳ quốc hội khóa XIV diễn ra trong điều kiện trong nước và thế giới có nhiều khó khăn khác biệt. Qua báo cáo của Chủ tịch Quốc hội, tôi tán thành cao những hoạt động đổi mới của Quốc hội trong nhiệm kỳ của mình, đã có nhiều quyết định về nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.
“Lần đầu tiên trong 75 năm hoạt động của quốc hội, Quốc hội khóa XIV đã cho phép và ban hành nghị quyết về việc xây dựng luật hành chính công. Ủy ban thường vụ quốc hội khóa XIV lần đầu tiên cho phép và ban hành nghị quyết thành lập ban soạn thảo dự án luật hành chính công do Đại biểu Quốc hội đề xuất. Điều đó thể hiện Quốc hội khóa XIV đã phát huy tốt tính dân chủ, chấp hành nghiêm pháp luật, tạo thuận lợi tối đa cho các đại biểu quốc hội tham gia công tác”.
Với những quyết sách và kết quả đã được thể hiện trong 2 báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của Quốc hội tổng kết nhiệm kỳ, nhiều Đại biểu Quốc hội đã thể hiện niềm tự hào khi làm tròn vai trước nhân dân.
Theo đại biểu Nguyễn Mai Bộ, tỉnh An Giang, một trong những nguyên nhân mang đến những kết quả tốt của nhiệm kỳ là câu chuyện liêm chính trong xây dựng pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ nói: “Trong xây dựng, hoàn thiện thi hành pháp luật là một nguyên tắc tối cần thiết vì pháp luật điều chỉnh chung các quan hệ và thúc đẩy quan hệ xã hội phát triển mạnh mẽ và ngày càng tốt đẹp hơn, chứ pháp luật không phải công cụ để thể hiện lợi ích của bộ phận nhỏ xã hội nhất là lợi ích của cơ quan tổ chức được giao soạn thảo luật.
Nếu không có sự liêm chính và đặc biệt tính liêm chính trong quá trình soạn thảo và thẩm tra dự án luật thì sẽ tạo ra những văn bản pháp luật rất nhiều khuyết tật”.
Theo đại biểu Nguyễn Mai Bộ, ba "khuyết tật" trong văn bản pháp luật nếu thiếu liêm chính là mâu thuẫn chồng chéo với các văn bản pháp luật mà Quốc hội các khóa, các kỳ họp đã mất nhiều thời gian nghiên cứu ban hành.
Văn bản pháp luật đó sẽ là công cụ để cơ quan soạn thảo hoặc là hiện thực hóa lợi ích của bộ ngành mình trong đó có lợi ích xung đột với lợi ích của nhân dân, hoặc là công cụ để chiếm quyền bộ ngành khác mà trái với quy định luật Tổ chức chính phủ cũng như luật Tổ chức chính quyền địa phương; Cuối cùng là vòng đời của các văn bản pháp luật đó rất ngắn và kéo theo Chính phủ, Quốc hội phải tốn kém thời gian kinh phí để ban hành văn bản pháp luật thay thế.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đoàn Hà Nội bày tỏ, Quốc hội khóa XIV đã thông qua những đạo luật đảm bảo chất lượng đảm bảo công khai, minh bạch công bằng và không có biểu hiện tham nhũng chính sách.
Tuy nhiên, nếu rà soát thật kỹ lật đi lật lại tất cả các quy định và đặt chúng trong mối quan hệ với việc tổ chức thực hiện, có thể nhận thấy có những quy định nếu như không giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức thực hiện thì rất có thể dẫn đến nguy cơ tham nhũng chính sách.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho biết: “Đây là việc cố tình đưa vào các đạo luật những quy định mà khi thực hiện sẽ đem lại lợi ích không chính đáng cho một số tổ chức, cá nhân nhất định. Hành vi này đặc biệt nguy hiểm vì nó tạo căn cứ pháp lý bảo vệ cho hành vi tham nhũng có hệ thống”.
Ngoài ra, các quy định liên quan đến ưu đãi trong thực hiện các nghĩa vụ tài chính về quy trình, thủ tục về phân cấp, phân quyền trong quyết định các dự án cũng là những “mảnh đất” có thể phát sinh nguy cơ tham nhũng, chính sách xuất phát từ hiểm họa cái gọi là tham nhũng chính sách.