Mỗi chủ trương, chính sách từ Bộ đã thấm vào nhà trường, nhà giáo

GD&TĐ - Nỗ lực của ngành Giáo dục trong 5 năm qua đã thể hiện rõ nét những đổi thay được ghi nhận từ cơ sở giáo dục. Mỗi chủ trương, chính sách từ Bộ GD&ĐT đã “thấm” vào từng hoạt động của mỗi nhà trường, nhà giáo…

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thăm một trường tiểu học tại TP Sa Đéc (Đồng Tháp) năm 2020. Ảnh: Q. Ngữ.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thăm một trường tiểu học tại TP Sa Đéc (Đồng Tháp) năm 2020. Ảnh: Q. Ngữ.

Giai đoạn 2016 - 2020, ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 và triển khai thực hiện nhiều định hướng, chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT của Ðảng và Nhà nước.

Ngành giáo dục đã xây dựng kế hoạch để triển khai 9 nhóm nhiệm vụ và 5 nhóm giải pháp cơ bản. Ðể triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, Bộ trưởng Bộ GD&ÐT đã phát động phong trào thi đua “Ðổi mới, sáng tạo trong dạy và học” giai đoạn 2016 - 2020.

Chia sẻ về những dấu ấn của ngành giáo dục trong 5 năm qua, thầy Nguyễn Văn Lộc, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh (Cần Thơ) cho biết rất tâm đắc với sự điều hành của ngành Giáo dục, đặc biệt là vai trò của Bộ trưởng.

Trong 5 năm qua, điều mà thầy tâm đắc nhất trong công tác đổi mới căn bản, toàn diện chính là Thông tư số 26 của Bộ GD&ĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và học sinh THPT.

Lý giải về điểm nổi bật của chủ trương này, theo thầy Lộc, là nhận thức kiểm tra đánh giá học sinh không chỉ nhằm xác định kết quả học tập mà quan trọng hơn qua kiểm tra đánh giá để tư vấn, giúp đỡ học sinh học tập tốt hơn, tiến bộ hơn.

Qua kiểm tra, đánh giá để người thầy rút kinh nghiệm và điều chỉnh phương pháp dạy cho hiệu quả hơn.

Đặc biệt thầy tâm đắc việc đa dạng hóa các hình thức kiểm tra đánh giá: đánh giá kết quả cuối cùng, đánh giá quá trình, đánh giá trên lớp, đánh giá qua hoạt động thực tế.  

Thầy đánh giá trò, trò đánh giá lẫn nhau, trò tự đánh giá… Các hình thức kiểm tra đánh giá đảm bảo tính khách quan, đánh giá đúng trình độ, kĩ năng, phẩm chất học sinh.

Đổi mới đánh giá đã được giáo viên, nhà trường vận dụng, tạo bước đột phá, chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Cụ thể trong năm học vừa qua, kết quả học tập của Trường THCS Vĩnh Thạnh có chuyển biến đáng kể. Về học lực và hạnh kiểm của học sinh đều đạt và vượt các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia.

Qua đó, nhận thức về trách nhiệm, thái độ làm việc, tính chủ động của đội ngũ thầy cô giáo có thay đổi rõ rệt.

Phương pháp và hình thức tổ chức các hoạt động dành cho học sinh ngày càng đi vào chiều sâu và tạo được sự hứng thú cho học sinh.

HS tiểu học TP Cần Thơ hào hứng trong giờ học Tiếng Việt SGK mới. Ảnh: T. Tiến.
HS  tiểu học TP Cần Thơ hào hứng trong giờ học Tiếng Việt SGK mới. Ảnh: T. Tiến.

Còn theo thầy Lê Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Trung An, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ), điều thầy tâm đắc nhất trong 5 năm qua là chủ trương của Bộ GD&ĐT về Kỳ thi THPT Quốc gia, sau đó là thi tốt nghiệp THPT, được giữ ổn định và tiếp tục giao về địa phương. Điều này không gây quá nhiều áp lực lên học sinh nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu tuyển sinh của các trường cao đẳng và đại học, phản ảnh đúng thực tế, chất lượng giáo dục.

Theo thầy Dũng, chủ trương của Bộ GD&ĐT về xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường cũng đã giúp trường học tháo gỡ được nhiều khó khăn;

Đã mở cho các trường sắp xếp chương trình và thời khoá biểu giảng dạy phù hợp;

Giúp nhà trường gỡ được khó khăn và chủ động trong công tác sắp xếp đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất điều kiện nhà trường trong công tác giảng dạy.

Qua đó, các nhóm, tổ chuyên môn xây dựng được chương trình của nhà trường và xây dựng các chủ đề dạy học bằng nhiều hình thức tích hợp đơn môn, liên môn, tiếp cận Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Đồng thời  mạnh dạn, chủ động điều chỉnh nội dung dạy học còn 35 tuần thực học phù hợp với thực tế trình độ, năng lực của học sinh, của nhà trường…

Theo chia sẻ của cán bộ quản lý, giáo viên, phong trào “Ðổi mới, sáng tạo trong dạy và học” giai đoạn 2016 - 2020 trong toàn ngành giáo dục đã khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong công tác giảng dạy, giáo dục, quản lý và nghiên cứu khoa học.

Phong trào đã phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh, sinh viên trong học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp.

Mỗi tập thể là nơi kiến tạo, hỗ trợ để mỗi giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên có môi trường thuận lợi phát huy tối đa phẩm chất, năng lực cá nhân.

Việc thực hiện hiệu quả phong trào “Ðổi mới, sáng tạo trong dạy và học” đã góp phần mang lại nhiều kết quả nổi bật, thúc đẩy đổi mới căn bản, toàn diện GD&ÐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ