Dấu ấn quan trọng của GD&ĐT
Theo Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, trong nhiệm kỳ qua (2015 - 2020), ngành GD&ĐT tỉnh đã có những kết quả khá nổi bật.
Cùng với giáo dục cả nước, Giáo dục Tiền Giang đã đạt được nhiều thành tích, đào tạo nguồn nhân lực góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho cả nước nói chung và Tiền Giang nói riêng.
Toàn ngành giáo dục tỉnh Tiền Giang đã tập trung thực hiện hiệu quả các mục tiêu giáo dục và đạt được nhiều kết quả khả quan. Có thể điểm qua một số thành tựu quan trọng.
Thứ nhất là, các cuộc vận động và phong trào thi đua đã được các cơ sở giáo dục tích cực hưởng ứng thực hiện ngày càng đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả.
Thứ hai là, toàn ngành đã đổi mới mạnh mẽ theo yêu cầu của Nghị quyết 29-NQ/TW, chất lượng học sinh đại trà ở tất cả các trường học trong tỉnh được nâng lên rõ rệt.
Thứ ba là, hệ thống mạng lưới trường học từ giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông đã được xây dựng và phát triển rộng khắp.
Thứ tư, công tác duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập Mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở, xóa mù chữ.
Thứ năm là, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học, bậc học đã từng bước được củng cố, kiện toàn theo yêu cầu đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu chuẩn hóa về trình độ đào tạo.
Những thành tựu trong nhiệm kỳ qua được xem là bước đệm vững chắc để ngành GD&ĐT tỉnh vững tin chuyển mình sang một trang mới với những khí thế mới.
Bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập, khoa học công nghệ ngày càng phát triển, đại dịch Covid-19 cũng còn diễn biến phức tạp đã đặt ra cho ngành Giáo dục Tiền Giang nhiều cơ hội cũng như nhiều thách thức mới, đòi hỏi toàn ngành phải tập trung nỗ lực phấn đấu để có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ, mục tiêu trong thời gian tới.
Kiên định mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác GD&ĐT của tỉnh vẫn còn những khó khăn nhất định như chất lượng giáo dục tuy có nâng lên song chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho địa phương.
Một bộ phận cán bộ quản lý và giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Quy mô phát triển đào tạo nghề và trung cấp chuyên nghiệp trong tỉnh chiếm tỷ trọng nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của kinh tế - xã hội địa phương.
Nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất trường học theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa còn hạn chế. Số phòng học bán kiên cố ngày càng xuống cấp, cần phải đầu tư xây dựng thay thế.
Giai đoạn 2020 - 2025, toàn ngành sẽ tiếp tục nâng cao toàn diện chất lượng GD&ĐT, góp phần đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh theo tinh thần “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực”.
Các định hướng được xác định như sau:
Thứ nhất là tổ chức sắp xếp hệ thống mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo, quy mô trường, lớp phù hợp và khoa học.
Thứ hai là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, giảng viên đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới. Từng bước xây dựng, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng trường theo Luật Giáo dục năm 2019.
Thứ ba là toàn ngành tập trung các nguồn lực để triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018.
Thứ tư là thực hiện đề án kiên cố hóa trường, lớp, đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia nâng cao chất lượng giáo dục. Tổ chức rà soát, xây mới, cải tạo, sửa chữa trường lớp để đáp ứng yêu cầu của dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành chỉ tiêu về tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia ở bậc Mầm non đạt 70%, bậc Tiểu học đạt 80%; bậc THCS đạt 70% và bậc THPT đạt 70%.
Tăng cường đầu tư, mua sắm các trang thiết bị dạy học trong phòng thí nghiệm, phòng dạy học tiếng Anh, phòng học đa chức năng theo chuẩn dạy học chương trình mới, qua đó góp phần giáo dục toàn diện người học.
Thứ năm là toàn ngành tiếp tục phát huy tốt các nguồn lực; huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; xây dựng cơ sở vật chất theo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa. Sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Kết hợp với các nguồn huy động hợp pháp từ công tác xã hội hóa giáo dục để tăng cường cơ sở vật chất cho các trường, đảm đầy đủ các yêu cầu trang bị về cơ sở vật chất cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới...