Bộ trưởng Quốc phòng Sudan - ông Yassin Ibrahim xác nhận Khartoum sẵn sàng cho phép Nga thiết lập một căn cứ hải quân trên bờ Biển Đỏ để đổi lấy sự hỗ trợ cho quân đội nước này và khoản đầu tư đáng kể vào nền kinh tế.
Tuy nhiên bất chấp việc đàm phán đã được nối lại, số phận của dự án này vẫn còn chưa chắc chắn. Nếu như điều kiện đầu tiên đang được Nga thực hiện bằng cách cung cấp vũ khí thì yêu cầu thứ hai tỏ ra rất khó khăn.
Moskva đang không dư dả nguồn lực kinh tế để đầu tư vào một quốc gia châu Phi xa xôi khi khả năng sinh lợi là rất thấp, chưa kể các lệnh trừng phạt quốc tế cũng khiến dòng tiền, vấn đề thanh toán... khiến việc hợp tác trong lĩnh vực này gần như bất khả thi.

Việc thành lập căn cứ hải quân của Nga tại Cảng Sudan đã được thảo luận từ năm 2019. Vào tháng 12 năm 2020, một thỏa thuận sơ bộ thậm chí đã được ký kết nhằm xây dựng một căn cứ hậu cần, có thể trở thành yếu tố quan trọng trong chiến lược của Nga nhằm tăng cường sự hiện diện của nước này ở Biển Đỏ và Đông Phi.
Tuy nhiên trong những năm gần đây, quá trình triển khai dự án đã gặp phải nhiều trở ngại. Sự bất ổn chính trị ở Sudan, nội chiến và những thay đổi về điều kiện địa chính trị trong khu vực đã nhiều lần trì hoãn quyết định cuối cùng.
Vào năm 2021, các cuộc đàm phán đã đi vào bế tắc sau cuộc đảo chính quân sự ở Khartoum và chính quyền mới đã sửa đổi tất cả mọi thỏa thuận bên ngoài, bao gồm cả chương trình hợp tác với Nga.
Hiện nay, trong bối cảnh các cuộc đàm phán đang được nối lại, Nga đang cố gắng củng cố vị thế của mình trong khu vực bằng cách cung cấp hỗ trợ quân sự cho Sudan.
Mặc dù vậy theo ông Yassin Ibrahim, ngoài việc hỗ trợ trực tiếp cho Quân đội Sudan, Khartoum còn trông cậy vào các khoản đầu tư quy mô lớn vào những dự án cơ sở hạ tầng, phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển và lĩnh vực năng lượng.
Các chuyên gia tin rằng sự hiện diện của một căn cứ thường trực cho Hải quân Nga trên Biển Đỏ có tầm quan trọng chiến lược. Điều này sẽ cho phép Moskva kiểm soát các tuyến đường biển quan trọng nối liền châu Âu với châu Á, cũng như tạo chỗ đứng để hỗ trợ hoạt động ở châu Phi và Trung Đông.