Tiêu chí đánh giá mức độ nghiêm trọng
Đến nay, dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các địa phương đều đã chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết 128.
Tuy nhiên, số ca mắc mới có xu hướng tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành trong tháng qua, với khoảng 50.000 - 75.000 ca mỗi ngày. Số ca mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vắc-xin, nhất là nhóm dưới 12 tuổi.
Số trường hợp nặng, nguy kịch tăng 37,6% so với tháng trước. Số trường hợp tử vong trên dưới 100 ca mỗi ngày. Trong bối cảnh này, nhiều chuyên gia cho rằng, việc tiến tới coi Covid-19 như bệnh đặc hữu là điều cần thiết.
GS.TS Nguyễn Anh Trí - nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, Chủ tịch Hội đồng cố vấn chuyên môn Bệnh viện đa khoa MEDLATEC dẫn chứng, theo TS James Lawler - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, bệnh đặc hữu nói chung là bệnh mà bạn mắc ở mức độ thường xuyên và có thể dự đoán được, đơn cử như cúm mùa. Những dịch bệnh đó nói chung là có thể dự đoán được và xảy ra trong phạm vi dự báo.
“Đã đến lúc đừng dựa vào số người nhiễm SARS-CoV-2 mà đánh giá sự nghiêm trọng của dịch bệnh. Bởi vì, khi nhiễm SARS-CoV-2, sẽ có 3 nhóm: Người lành mang virus, không phát ra bệnh (hiện nay có đến trên 90% ở nhóm này); Người mang virus phát ra bệnh nhẹ (như sốt nhẹ, đau mỏi cơ…thoáng qua); Người mang virus và phát bệnh nặng, rất nặng có nguy cơ tử vong. Mỗi mức độ này sẽ có một cách phòng, chống, cứu chữa khác nhau”, GS Nguyễn Anh Trí cho biết.
Do đó, theo chuyên gia này, không nên mặc nhiên rằng, “F0” là người bệnh Covid-19. GS Trí cho biết, đại dịch Covid đã chuyển thành bệnh đặc hữu hay không cần xét góc độ tỷ lệ người bị nhiễm 2 chuyển thành bệnh, mức độ nặng và tử vong.
GS Trí chia sẻ, để trả lời đại dịch Covid-19 ở Việt Nam nay đã là một bệnh đặc hữu chưa, cần dựa trên những bằng chứng khoa học. Trước hết, cần đánh giá lại dịch bệnh chính xác về mức độ, số lượng, tỷ lệ phát bệnh, chuyển nặng, tử vong.
Đồng thời, đánh giá lại mức độ và tỷ lệ có kháng thể chống SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Bên cạnh đó, chuyên gia khuyến cáo tham khảo thêm kinh nghiệm của các nước đã bỏ biện pháp phòng dịch. Bởi, những quốc gia này đã coi Covid-19 như một bệnh đặc hữu.
“Từ các cơ sở đó để xác định lại, hiện tại, nước ta dịch đang ở giai đoạn nào (chưa qua đỉnh? Đã qua và sắp hết? Hoặc đã qua và hậu quả chỉ như một căn bệnh đặc hữu thôi?).
Từ đó, đưa ra những biện pháp phòng chống Covid phù hợp, khả thi và hiệu quả hơn. Trong lúc này, vẫn không được chủ quan mà tiếp tục áp dụng 5K chặt chẽ, đẩy mạnh tiêm chủng vắc-xin, đặc biệt ưu tiên cho học sinh, người có bệnh nền…”, GS Trí đề xuất.
Trong khi đó, theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, không nên gọi Covid-19 là bệnh đặc hữu. Bởi, bệnh xuất phát từ Vũ Hán, trở thành đại dịch và lan sang Việt Nam.
“Sắp tới, nó trở thành bệnh lưu hành ở Việt Nam, chứ không phải tự có ở Việt Nam. Việt Nam có các sinh vật đặc hữu như Sao La ở Núi Vụ Quang, Hà Tĩnh, sâm Ngọc Linh ở Núi Ngọc Linh, Kon Tum.
Thuật ngữ bệnh lưu hành từ gốc Hy Lạp là endemic En có nghĩa là bên trong, Demic có nghĩa là quần thể người. Thuật ngữ này do Hypocrat - ông tổ của y học đưa ra cách đây gần 2.400 năm. Trong các y văn, giáo trình đào tạo y khoa của Việt Nam từ trước tới nay đều gọi là bệnh lưu hành địa phương như sốt rét, sốt xuất huyết,...”, chuyên gia nhận định.
Ca tử vong thấp
PGS.TS Nguyễn Văn Kình - Cố vấn Cao cấp Trung tâm Gen trị liệu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cảnh báo, Việt Nam đã có Omicron trong cộng đồng, nhưng không thể thả lỏng. Bởi, ca mắc Covid tăng đột biến sẽ gây quá tải cho hệ thống y tế.
“Hiện nay, nhiều nước như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đan Mạch đã xem Covid-19 là một bệnh đặc hữu, xuất hiện hàng ngày trong cuộc sống. Theo cách tiếp cận này, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn thích hợp và nhanh chóng, vừa ngăn chặn được dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế xã hội. Hơn lúc nào hết, Việt Nam cũng nên xem xét một cách nghiêm túc để đánh giá tình hình dịch bệnh thật chuẩn xác. Trên cơ sở đó, đề ra các chính sách đúng đắn nhất”, PGS Kình chia sẻ.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia dịch tễ, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM, Việt Nam có bệnh truyền nhiễm nhóm A và không phải nhóm A.
Theo chuyên gia này, việc đưa một bệnh vào nhóm A được dựa theo chuẩn và có tham khảo nước ngoài. Tuy nhiên, đưa một bệnh từ nhóm A đại dịch ra khỏi nhóm A thành bệnh lưu hành có thể là việc khó. Song, bác sĩ Khanh cho rằng, Covid-19 hiện nay có vắc-xin, thuốc điều trị. Đồng thời, chúng ta đã biết đâu là nhóm nguy cơ cần bảo vệ.
“Bệnh nhiều nhưng tử vong giảm nhiều, không quá tải khối điều trị. Cũng rất giống giai đoạn H1N1 2009, đủ điều kiện đưa ra nhóm A. Hiện nay, đa số người dân sinh hoạt như bệnh lưu hành”, bác sĩ Khanh nhận định.